Phát huy tiềm năng, lợi thế cho khu vực biên giới

Với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới theo hướng bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biên giới, đồng thời góp phần tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Kết luận số 245-KL/TU ngày 23/11/2021 về phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2025.

Thời gian qua, các huyện, thành phố khu vực biên giới của tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện, 5/10 chỉ tiêu có tiến độ thực hiện tốt, cơ bản đạt và vượt mục tiêu hằng năm. Cụ thể, thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng bình quân trên 17%/năm; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa biên mậu giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng bình quân 7,6%/năm; 93% dân cư khu vực biên giới tham gia bảo hiểm y tế; 93,88% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 94% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch…

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp khu vực biên giới tiếp tục phát triển theo đúng định hướng chuyên canh, nâng cao chất lượng, gia tăng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Ngành hàng lúa phát triển ổn định theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu. Sản lượng lúa duy trì tương đối ổn định qua các năm. Năm 2023, ước đạt trên 629 ngàn tấn, đóng góp 19% vào tổng sản lượng lúa cả tỉnh. Sản lượng thủy sản năm 2023 ước đạt trên 226 ngàn tấn, đóng góp 36% vào tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng phát triển kinh tế tập thể, vì vậy, phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động tương đối hiệu quả. Các địa phương cũng chú trọng thực hiện Chương trình OCOP. Từ năm 2021 – 2023 có thêm 21 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, nâng tổng số lên 100 sản phẩm. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đạt nhiều kết quả tích cực, tính đến hết tháng 6/2023 có 16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 xã biên giới.

Công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, hoàn thành và triển khai Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V đối với Khu cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (huyện Tân Hồng) và Khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước (huyện Hồng Ngự) trong năm 2022, nâng tổng số lên 5 đô thị tại khu vực biên giới, gồm: 1 đô thị loại III (TP Hồng Ngự) và 4 đô thị loại V (thị trấn Sa Rài, thị trấn Thường Thới Tiền, Khu cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, Khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước).

Ngoài ra, tỉnh chú trọng phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ theo hướng đa dạng, hiện đại; ổn định và từng bước phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu. Cụ thể, xây dựng khu vực biên giới theo hướng kết nối, liên kết, phù hợp với yêu cầu phát triển và khả năng nguồn lực thực hiện. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy) kết nối với các vùng lân cận và phía bạn Campuchia để tạo động lực cho cả khu vực biên giới như: kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, các tuyến đường ĐT.841, ĐT.842, ĐT.843.

Cùng với đó, chú trọng xây dựng cụm, tuyến dân cư kết hợp với tạo sinh kế bền vững góp phần ổn định đời sống dân cư biên giới, từng bước hình thành các khu đô thị vùng biên, khu đô thị vệ tinh ở các cụm, tuyến dân cư. Xây dựng TP Hồng Ngự là đô thị trung tâm khu vực biên giới tỉnh, kết nối với thị trấn Sa Rài, thị trấn Thường Thới Tiền với 2 đô thị cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, Thường Phước và đầu tư, kêu gọi đầu tư, nâng cấp khu cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà theo tiêu chí đô thị loại V để tạo động lực phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, du lịch.

TRANG HUỲNH

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/giam-ngheo-ve-thong-tin/phat-huy-tiem-nang-loi-the-cho-khu-vuc-bien-gioi-118923.aspx