Phát huy trí tuệ Việt trong triển khai đô thị thông minh

Đây là thông điệp được Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Kỳ Phùng đặc biệt nhấn mạnh tại hội thảo đô thị thông minh sáng nay ngày 16/10.

Đặc biệt, đây là hoạt động diễn ra trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM diễn ra từ ngày 15-19/10/2018.

Công nghệ là nền tảng

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM, cho biết: “Thành phố thông minh là khái niệm rộng lớn theo cách hiểu của nhiều người nhưng cơ bản đều đề cập tới ứng dụng CNTT kết nối các cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên…”

Cuối năm 2017, TP.HCM đã công bố đề án xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh. Nhiều quận huyện, đơn vị tại TP.HCM đã ứng dụng hiệu quả các giải pháp thông minh nâng cao chất lượng quản lý công và đời sống người dân.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng cũng nhận định, ứng dụng CNTT vào xây dựng thành phố thông minh cũng còn nhiều thách thức như thiếu hệ thống phân tích, dự báo hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo thành phố; dữ liệu cũng chưa được chuẩn hóa và cung cấp đầy đủ, kịp thời; thành phố chưa thực sự đồng bộ về kiến trúc, công nghệ, tiêu chuẩn cho các hệ thống ứng dụng, dữ liệu và hạ tầng nền tảng…

Từ góc độ của các quận huyện, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1, cũng cho biết nhu cầu quản lý an ninh trật tự, cải thiện bộ mặt đô thị của quận rất lớn nên chính quyền quận rất quan tâm đến các ứng dụng quản lý đô thị thông minh. Cùng với đó, các giải pháp y tế thông minh, giáo dục thông minh cũng là những nội dung mà quận 1 rất cần có.

Bởi vậy, hội thảo thiết lập diễn đàn để các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực giới thiệu và trao đổi, thảo luận các giải pháp đóng góp cho thành phố. Đồng thời, đây cũng là cơ hội kết nối các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, các trường, viện nghiên cứu.

Thiết thực, đa dụng

Tại TP.HCM, ùn tắc giao thông vẫn là vấn đề nóng nhiều năm qua. Đây cũng là bài toán mà nhiều ứng dụng, giải pháp thông minh hướng tới.

Tại hội thảo, đại diện của tập đoàn Bosch giới thiệu bộ giải pháp cho thành phố thông minh. Trong đó, giải pháp bãi đỗ xe thông minh cùng với hệ thống quản lý giao thông thông minh là những điểm nhấn quan trọng.

Với giải pháp bãi đỗ xe thông minh, toàn bộ quá trình xe ra vào bãi được giám sát tự động qua hệ thống camera nhận diện biển số với độ chính xác lên tới 95%. Số lượng chỗ trống cũng được phân tích và thông báo hiển thị sớm cho tài xế.

Trong khi đó, hệ thống quản lý giao thông thông minh sẽ kết nối hệ thống camera tại các giao lộ với trung tâm điều hành để phát hiện các lỗi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ hay phát thông báo từ trung tâm điều hành tới các điểm giao thông trong thành phố. Đại diện Bosch cho biết hệ thống có tỷ lệ đọc chính xác biển số xe hiện đạt 87% và đang được ứng dụng trí thông minh nhân tạo và máy học để tăng tỷ lệ nhận diện chính xác.

TS Hà Việt Uyên Synh, ĐH Quốc Tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nhận định giao thông là vấn đề nhức nhối, cần ưu tiên hàng đầu. Mặc dù, trên thế giới đã có nhiều công nghệ, giải pháp cho vấn đề này tuy nhiên những giải pháp đó khi áp dụng ở Việt Nam có nhiều hạn chế, đặc biệt là trong tình trạng giao thông trộn lẫn nhiều loại phương tiện.

Bởi vậy, nhóm nghiên cứu của TS Synh đã phát triển giải pháp giám sát thông minh qua hệ thống camera giao thông theo đặc điểm giao thông tại TP.HCM. Hệ thống đã được thử nghiệm tại tuyến đường Võ Văn Kiệt và thu được kết quả tích cực.

Hệ thống có thể nhận diện phương tiện theo thời gian thực chính xác tới 84% trong điều kiện bất lợi như đông xe hay thiếu sáng. Ở điều kiện lý tưởng, tỷ lệ này là 94% với tốc độ xử lý 34 frame mỗi giây. Hệ thống có thế phát hiện hiệu quả các trường hợp xe chạy ngược chiều, dừng đỗ sai quy định cũng như nhận diện biển số xe theo thời gian thực.

Chia sẻ về bài toán giao thông, TS Synh nói: “Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông sẽ cần nhiều biện pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều bên. Các giải pháp giám sát giao thông thông minh đóng vai trò như “con mắt” thu thập dữ liệu, làm cơ sở để quản lý, định hướng cho các giải pháp lâu dài.”

Nguồn PC World: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/nha-nuoc/2018/10/1258859/phat-huy-tri-tue-viet-trong-trien-khai-do-thi-thong-minh/