Phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của các dân tộc tỉnh Sóc Trăng trong xây dựng đời sống mới

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống, tập trung ở các huyện Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Long Phú và thành phố Sóc Trăng. Trong những năm tháng chiến tranh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng, đồng bào dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã đoàn kết đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần cùng đồng bào cả nước giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới, đồng bào các dân tộc tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đoàn kết, cùng nhau thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, chúc Tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, tháng 4/2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, chúc Tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, tháng 4/2019. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng đấu tranh giành độc lập, tự do cho các dân tộc

Trải qua nhiều thế kỷ, đồng bào các dân tộc ở Sóc Trăng luôn kề vai sát cánh với nhau để chinh phục, cải tạo thiên nhiên, giúp nhau trong lao động sản xuất, cùng đấu tranh chống giặc ngoại xâm để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với đường lối đúng đắn, Đảng đã giác ngộ và kết nạp được một bộ phận thanh niên yêu nước để thành lập các Chi bộ Đảng trong vùng có đông đồng bào Khmer, Hoa sinh sống để tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong tỉnh đấu tranh giành độc lập dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là các đảng viên cộng sản trung kiên, tiêu biểu trong đồng bào Khmer gồm các đồng chí: Trịnh Thới Cang, Lâm Sĩ Pến, Liêu Nhiêu, Cao Sol... Tiêu biểu trong đồng bào Hoa là các đồng chí Ngô Hòa Thoại, Diệp Pế, Quách Thu Huê... đã đem “ánh sáng cách mạng” của Đảng giác ngộ đồng bào dân tộc Kinh, dân tộc Khmer, dân tộc Hoa cùng đấu tranh giành chính quyền ở tỉnh lỵ, các quận lỵ trong tỉnh để góp phần cùng cả nước giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là những đảng viên tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Khmer như: đồng chí Lý Phách, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Trịnh Thới Cang, Phó Chủ tịch Hội ủng hộ Ixa-rắc, Phó Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh, Anh hùng lực lượng vũ trang Sơn Tol (cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang đầu tiên ở tỉnh Sóc Trăng); đồng chí Liêu Te, đồng chí Lâm Sĩ Pến, đồng chí Diệp Pế tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Hoa đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với đồng bào dân tộc Kinh chiến đấu kiên cường, anh dũng, góp phần làm nên những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử dân tộc - Hiệp định Giơnevơ được ký kết.

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Khmer, Hoa được tập hợp trong các tổ chức Khmer vận, Hoa vận và Mặt trận Dân tộc giải phóng các cấp trong tỉnh nên đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, lần lượt đánh tan nhiều chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời kỳ này, Đảng đã phát triển được nhiều cán bộ, đảng viên là người dân tộc Khmer như: đồng chí Thạch Sên (Tư Thạch), Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; Lâm Sên (Năm Sang), Sơn Xuyên (Tám Mạnh), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đồng chí Sơn Cọl (Tư Cọl), Bí thư Huyện ủy Vĩnh Châu; đồng chí Lý Sên (Hai Sên), Phó Bí thư Huyện ủy Lịch Hội Thượng; đồng chí Huỳnh Cương, Chủ tịch Mặt trân Dân tộc giải phóng Khu Tây Nam Bộ… Trong đồng bào Hoa, có đồng chí Khưu Cẩm Thành; đồng chí Tăng Lạc, đồng chí Lý Dũng... là những đảng viên tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thống nhất đất nước. Trong quá trình xây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Sóc Trăng, nhiều sư sãi và gia đình đồng bào Khmer trở thành cơ sở cách mạng. Tổng kết thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tỉnh Sóc Trăng có 3 cá nhân là người Khmer được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân gồm liệt sĩ Sơn Khinh, liệt sĩ Trần Văn Tét và liệt sĩ Lâm Tương; 26 bà mẹ Khmer được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Có 36/92 chùa Khmer thuộc diện có công với cách mạng, tiêu biểu.

Phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh xây dựng đời sống mới

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đặc biệt là từ khi đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số như: Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư về công tác đối với đồng bào dân tộc Khmer; Chỉ thị số 62-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 501/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách đối với người Hoa... dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, hệ thống chính trị các cấp trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực vận động đồng bào các dân tộc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương Sóc Trăng phát triển trong mọi lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng trưởng ổn định, GDP bình quân đầu người ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm bình quân 3-4%/năm.

Trong sản xuất nông nghiệp, đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực tăng gia sản xuất, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phá thế độc canh cây lúa, hình thành nhiều mô hình hợp tác xã, trang trại chăn nuôi, trồng trọt làm ăn có hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp được hình thành và phát triển ngày càng nhiều, sản xuất được nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và phục vụ sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và chế biến xuất khẩu.

Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất và trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ được đầu tư và tăng cường; đã có 78/106 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác giáo dục, đào tạo đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nên vùng đồng bào Khmer đã có 158 trường dạy song ngữ Việt - Khmer. Công tác giáo dục, đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc Hoa có nhiều chuyển biến tích cực, số học sinh người Hoa tốt nghiệp và học tại các trường đại học, cao đẳng tăng cao.

Các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được bảo tồn và phát huy. Các chùa chiền, cơ sở thờ tự của các tín đồ tôn giáo được sửa chữa, trùng tu, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh, hình thành những tụ điểm văn hóa, sinh hoạt lễ hội, tạo nên những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo của các dân tộc, nhất là đồng bào Khmer, Hoa. Các thiết chế văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh hiện có 65 tụ điểm văn hóa chùa Khmer, 1 đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, có 2 di sản di tích lịch sử cấp quốc gia, 5 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (3 chùa Khmer, 2 chùa Hoa), 1 nhà trưng bày đang lưu giữ trên 462 hiện vật văn hóa truyền thống có giá trị về văn hóa lịch sử của đồng bào Khmer.

Các lễ hội theo phong tục tập quán và lễ hội tôn giáo của đồng bào, sư sãi Khmer, Hoa được tổ chức theo nghi thức cổ truyền, phù hợp với điều kiện kinh tế và đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, lễ hội Ooc om Bóc - Đua ghe Ngo được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách 15 lễ hội thuộc chương trình quốc gia về du lịch Việt Nam. Đối với đồng bào người Hoa, hiện có 10 đội múa lân, 19 đội trống, 3 đội văn nghệ nghiệp dư, 10 đội bóng rổ, 8 đội bóng bàn, 5 đội cầu lông. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh duy trì thời lượng phát thanh, truyền hình chương trình tiếng Khmer (hàng ngày phát thanh 3 buổi, truyền hình 2 buổi); 100% xã, phường có đông đồng bào Khmer và 50 điểm chùa có máy tiếp âm để phục vụ đồng bào. Báo Sóc Trăng Khmer ngữ xuất bản phát hành miễn phí 1 kỳ/tuần, tập san Khmer 2 kỳ/năm, cấp 14 loại báo chí (theo Quyết định số 975/QĐ-TTg, ngày 20/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ) cho cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến khóm ấp và 92 chùa trong tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên, sư sãi và đồng bào Khmer.

Để tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập khu vực và quốc tế ở nước ta hiện nay, hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm chỉ đạo triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện chính sách dân tộc tạo sự chuyển biến phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần trong đồng bào dân tộc. Đặc biệt, chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như: điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, trường lớp, chăm sóc sức khỏe… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm công tác xây dựng Đảng, đoàn thể và đào tạo cán bộ trong đồng bào dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng, nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần tăng cường công tác quán triệt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ và Nhân dân, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số, coi đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải thường xuyên quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là yếu tố quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần cho công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đạt kết quả cao hơn. Trong tổ chức thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc phải có sự phối hợp tốt giữa các ban, ngành có liên quan, phát huy tích cực vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Thường xuyên quan tâm đến các phong trào thi đua yêu nước ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Chủ động chăm lo lợi ích thiết thực cho đồng bào, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để tạo sự đoàn kết, đồng thuận giữa các dân tộc nhằm xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.

Dương Sà Kha

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận,

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/phat-huy-truyen-thong-doan-ket-yeu-nuoc-cua-cac-dan-toc-tinh-soc-trang-trong-xay-dung-doi-song-moi-48031.html