Phát huy vai trò công đoàn trợ giúp người lao động làm việc ở nước ngoài

Mỗi năm, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hơn 100.000 người, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện 'mưu sinh' ấy còn rất nhiều vấn đề cần sự vào cuộc của các tổ chức công đoàn cơ sơ.

* Còn nhiều bất lợi cho người lao động

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), năm 2017 có 134.751 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả này đã vượt 28,3% so với kế hoạch năm và bằng 106,7% kết quả trong năm 2016. Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Một số thị trường lao động có tỉ lệ tăng trưởng vượt bậc như: Đài Loan: 66.926 lao động, Nhật Bản với 54.504 lao động, Hàn Quốc: 5.178 lao động, Ả rập Xê út: 3.626 lao động, Malaysia: 1.551 lao động…

Hiện nay, tổng số doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 315 doanh nghiệp, tăng 40% so với năm 2016. Với sự đầu tư bài bản, nhiều doanh nghiệp đã đưa được số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 20 doanh nghiệp đưa được trên 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc.

Bên cạnh đó, công tác xuất khẩu lao động cũng gặp không ít những vướng mắc, bất cập. Nguồn lao động của ta còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động chậm được khắc phục...

Trong một Hội thảo gần đây bàn về giải pháp trợ giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân còn gặp nhiều rủi ro do thiếu thông tin, qua nhiều khâu trung gian, phải trả chi phí cao; không ít người bị lừa gạt đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp, bị chủ sử dụng lao động xâm hại quyền lợi mà không được bảo vệ, bị về nước trước hạn và lâm vào cảnh nợ nần không có khả năng chi trả...

Theo ông Mai Đức Chính, việc bảo vệ, giúp đỡ người lao động ra nước ngoài làm việc nhằm đảm bảo di cư lao động an toàn là rất cần thiết. Thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tập trung tuyên truyền, cung cấp thông tin, tư vấn, hỗ trợ người lao động, nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn; hợp tác với công đoàn các nước như Hàn Quốc, Malaysia... để cùng phối hợp bảo vệ quyền lợi người lao động Việt Nam tại các nước sở tại.

Sớm sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Chia sẻ về những giải pháp nhằm trợ giúp lao động đi làm việc ở nước ngoài và người lao động làm việc ở nước ngoài trở về hội nhập với thị trường lao động Việt Nam, đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm tại nhiều địa phương cho rằng, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của tổ chức công đoàn, nhất là cấp cơ sở. Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng xuất khẩu lao động ngày càng nhiều, nhất là những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... Công đoàn cơ sở cần tăng cường công tác tuyên tuyền, cung cấp thông tin đến nhân dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ chưa có việc làm ổn định, để hiểu biết đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động. Đặc biệt, tổ chức Công đoàn cần phối hợp với các tổ chức xã hội ở địa phương, công khai danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động xuất khẩu chính thống, uy tín; cung cấp thông tin về điều kiện làm việc, mức lương, quyền lợi và trách nhiệm của lao động.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ, để người lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài được thuận lợi, đúng pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đối tác tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp quy, chính sách hỗ trợ đầy đủ, phù hợp hơn với từng nước tiếp nhận lao động Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm căn cứ pháp lý thực hiện. Ông Thịnh cũng cho rằng, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần mở rộng hợp tác với Công đoàn các nước, các tổ chức quốc tế để tạo điều kiện, phối hợp hỗ trợ người lao động Việt Nam đến làm việc tại các nước tiếp nhận.

Để hỗ trợ người lao động trở về và tái hòa nhập thị trường lao động trong nước, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ cho biết, người lao động đi làm việc tại nước ngoài trở về thường có tâm lý ngại đi làm xa một lần nữa, nhưng lại muốn có thu nhập cao trong khi mức thu nhập trong nước còn hạn chế, chưa tạo được động lực thu hút lao động. Do vậy, Công đoàn các cấp cần phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng tư tưởng giúp người lao động hiểu về thị trường lao động trong nước; đồng thời kết nối, giới thiệu lao động tiếp cận với các dịch vụ việc làm, doanh nghiệp uy tín đang hoạt động trên địa bàn lao động cư trú.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, ông Trần Văn Tư, Trưởng phòngChính sách kinh tế xã hội, Ban Chính sách Kinh tế xã hội – Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đa số lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tham gia tổ chức Công đoàn, do đó Công đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đây cũng là nguyên nhân khiến Công đoàn gặp nhiều trở ngại trong hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động làm việc ở nước ngoài.

Giải ngân vốn vay cho người dân tham gia xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa: Công Thử/TTXVN.

Ông Trần Văn Tư cho biết, thời gian qua với sự hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cán bộ Công đoàn các cấp đã được nâng cao hiểu biết về việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…

Để nâng cao hiệu quả trong trợ giúp người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người lao động làm việc ở nước ngoài trở về, ông Mai Đức Chính đề nghị Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ Châu Á... hỗ trợ các hoạt động của công đoàn, nhất là trong quá trình đối thoại và triển khai các biên bản ghi nhớ với các nước; hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật các hoạt động khác trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng mong Quốc hội sớm sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có bổ sung quy định vai trò tham gia trực tiếp của Công đoàn Việt Nam trong việc bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đỗ Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/viec-lam/phat-huy-vai-tro-cong-doan-tro-giup-nguoi-lao-dong-lam-viec-o-nuoc-ngoai-20180430131708220.htm