Phát huy vai trò của dân quân tự vệ biển - kinh nghiệm từ tỉnh Kiên Giang

Tỉnh Kiên Giang có vị trí chiến lược phía tây nam của Tổ quốc, bờ biển dài hơn 200km, tiếp giáp với biển các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Toàn tỉnh hiện có 143 đảo lớn nhỏ, trong đó, 43 đảo có người dân sinh sống, 2 huyện đảo và 7 huyện, thành phố ven biển, 49 xã đảo và ven biển.

Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) biển.

Chúng tôi có mặt tại Xí nghiệp Chế biến cá cơm xuất khẩu Hòn Chông ở xã Bình An, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đúng lúc những con tàu đi biển dài ngày vừa cập bến. Theo chia sẻ của anh Lê Toàn Thành, Giám đốc kiêm Chỉ huy trưởng Ban CHQS Xí nghiệp Chế biến cá cơm xuất khẩu Hòn Chông: Hiện nay, đơn vị có một trung đội tự vệ gồm 37 đồng chí, biên chế hai tiểu đội tàu, một tiểu đội tại xí nghiệp, có 4 đảng viên và 15 đoàn viên. Không chỉ bám biển khai thác hải sản, từ khi đi vào hoạt động (tháng 10-2011) đến nay, trung đội tự vệ còn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phối hợp hiệu quả với lực lượng chức năng trong tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; đồng thời luôn là chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho ngư dân khi tham gia đánh bắt xa bờ gặp tình huống bất trắc trên biển.

 Dân quân tự vệ biển ở tỉnh Kiên Giang tham gia huấn luyện bắn súng.

Dân quân tự vệ biển ở tỉnh Kiên Giang tham gia huấn luyện bắn súng.

Trao đổi với Đại tá Đàm Kiến Thức, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang, chúng tôi được biết: Năm 2007, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, tỉnh đã xây dựng điểm một trung đội dân quân biển tại phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, theo mô hình lấy tàu, thuyền của các nhóm hộ cùng hoạt động trên một ngư trường để tổ chức. Các thuyền viên trên tàu, thuyền được lựa chọn từ những người có uy tín trong nhân dân hoặc dòng họ.

Để bảo đảm tính vững chắc và phát huy tốt vai trò của lực lượng DQTV biển, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều nội dung, biện pháp, trong đó chú trọng thực hiện tốt 3 khâu: Tổ chức biên chế; huấn luyện, đào tạo và bảo đảm các chế độ chính sách. Theo Đại úy Phạm Thanh Tuấn, Trưởng ban Dân quân, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang: Cơ quan đã tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện chặt chẽ từ công tác nắm nguồn, chất lượng chính trị, trình độ chuyên môn, địa bàn cư trú, tính chất, loại hình dịch vụ mà lực lượng DQTV tham gia; thường xuyên duy trì tốt mối liên hệ với những chủ hộ tàu, thuyền, tổ hợp tác sản xuất, hội nghề cá, doanh nghiệp… Cách làm này vừa bảo đảm cho công tác nắm, quản lý lực lượng, vừa tiện cho việc sắp xếp, biên chế, gắn kết được các lực lượng cùng loại hình kinh doanh, phạm vi khai thác, ngư trường hoạt động.

Công tác xây dựng lực lượng DQTV biển ở Kiên Giang luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương coi trọng. Thượng tá Lê Văn Tánh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kiên Lương cho biết: "Đặc thù lực lượng DQTV biển phần lớn phải phân tán, ngư trường hoạt động rộng, ít có thời gian tập trung. Do vậy, hằng năm, Ban CHQS huyện xây dựng kế hoạch huấn luyện, diễn tập sát thực tế, địa bàn. Cụ thể là, đối với lực lượng đánh bắt xa bờ, sau khi kết thúc các đợt khai thác thì sẽ tổ chức huấn luyện theo đợt, cụm, địa bàn. Với những lực lượng hoạt động ổn định trong các doanh nghiệp, khai thác dịch vụ vận tải biển thì tổ chức huấn luyện luân phiên theo tỷ lệ quân số. Cách làm này vừa bảo đảm quân số tham gia huấn luyện, lại không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế của doanh nghiệp và hộ gia đình".

Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang còn chỉ đạo các địa phương đổi mới nhiều nội dung, chương trình huấn luyện phù hợp, như: Phương pháp ngăn chặn các phương tiện xâm phạm chủ quyền biển, đảo; một số hình thức cứu hộ-cứu nạn; đặc điểm nhận diện các phương tiện vi phạm pháp luật; kỹ năng tuyên truyền cho ngư dân về biển, đảo Việt Nam… Tổ chức cho các xã đảo và ven biển diễn tập tác chiến phòng thủ, cứu hộ-cứu nạn; phối hợp với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, Vùng Cảnh sát biển 4, Vùng 5 Hải quân tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho lực lượng DQTV biển các nội dung về: Phương pháp quan sát, phát hiện, xác định vị trí và cách thông báo, báo cáo các phương tiện bị nạn; quy trình kiểm tra, bắt giữ tàu, thuyền vi phạm pháp luật; một số phương pháp hoạt động chiến đấu phòng thủ của DQTV biển; huấn luyện võ thuật; bắn trúng mục tiêu trên biển... Nhờ đó, những năm qua, lực lượng DQTV biển đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ hàng trăm vụ vi phạm pháp luật, nhất là buôn lậu trên biển; ngăn chặn kịp thời nhiều vụ tranh chấp ngư trường có tính chất phức tạp, cứu nhiều phương tiện tàu bị nạn do bão gió; tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người dân về Luật Biển, Luật Thủy sản, Luật Biên giới quốc gia, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền vùng biển, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao.

Bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước, để góp phần cải thiện và từng bước nâng mức sống cho lực lượng DQTV biển, Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang còn làm tốt công tác vận động các doanh nghiệp, chủ phương tiện, hội nghề cá không trừ tiền lương, đồng thời hỗ trợ thêm tiền ăn trong những ngày DQTV tập trung huấn luyện, diễn tập. Với những DQTV khó khăn về nhà ở, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương vận động ủng hộ và xem xét xây tặng nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết, tạo việc làm cho người thân trong gia đình... Những việc làm ý nghĩa, thiết thực đó kịp thời động viên, giúp lực lượng DQTV biển an tâm vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; đồng thời phát huy tốt trách nhiệm trong tham gia giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên biển.

Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-vai-tro-cua-dan-quan-tu-ve-bien-kinh-nghiem-tu-tinh-kien-giang-591674