Phát huy vai trò của đảng viên tại chốt dân quân biên giới

Tây Ninh có đường biên giới gần 234 km tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, có 20 xã thuộc 5 huyện, thị xã biên giới, 3 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia, 10 cửa khẩu phụ với nhiều đường tiểu ngạch, là địa bàn có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh trong thế trận phòng thủ của tỉnh và Quân khu 7.

Kiểm tra điều lệnh đổi ngũ của Tiểu đội dân quân thường trực.

Sau năm 1989, tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên tuyến biên giới của tỉnh còn nhiều phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề về dân tộc, tôn giáo để mua chuộc, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ tôn giáo ở địa bàn biên giới; nạn xâm canh, xâm cư, buôn lậu, tội phạm, vượt biên trái phép… diễn biến phức tạp.

Để giải quyết vấn đề này, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó xây dựng chốt dân quân thường trực trên tuyến biên giới nhằm bảo đảm cho nhân dân yên tâm bám địa bàn, phát triển sản xuất, ổn định cuốc sống, góp phần củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Sau khi có chủ trương của lãnh đạo tỉnh, được Quân khu nhất trí, các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương, nhất là ở 5 huyện, thị xã biên giới đều đồng lòng, tích cực thực hiện.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 32 chốt dân quân thường trực tại 5 huyện, thị xã biên giới với sự tham gia tình nguyện của hàng trăm chiến sĩ dân quân thường xuyên thực hiện nhiệm vụ; trong đó có 41 đảng viên, đây chính là lực lượng giữ vai trò nòng cốt, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực hiện lời dạy của Bác “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, hằng năm, cấp ủy của các huyện, thị xã biên giới xây dựng nhiều chương trình, đề án và hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên đang công tác tại các chốt. Đây được xem là yếu tố quan trọng giúp công tác xây dựng Đảng ở chốt dân quân biên giới ngày càng hiệu quả.

Anh Trần Văn Phước, đảng viên thực hiện nhiệm vụ tại chốt Bàu Năng thuộc xã Long Phước, huyện Bến Cầu cho biết, đội ngũ đảng viên tại chốt thường xuyên được cấp ủy, chi bộ quán triệt, giao nhiệm vụ cũng như động viên khắc phục khó khăn trong trong công tác. Bên cạnh đó, mỗi đảng viên luôn tự ý thức trách nhiệm của mình, không chỉ gương mẫu đi đầu mà còn phải làm tốt vai trò cùng với cấp ủy các cấp vận động nhân dân bảo vệ vững chắc vùng biên Tổ quốc.

Huấn luyện chiến đấu tại chỗ bảo vệ chốt cho lực lượng dân quân thường trực.

Những năm qua, các chốt dân quân đã làm tốt việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia; thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an và các lực lượng liên quan tuần tra bảo vệ địa bàn biên giới quốc gia, mốc giới. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; phòng, chống các hành vi lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai cũng như phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Việc tăng cường xây dựng và bảo vệ biên giới là nhiệm vụ quan trọng cấp bách và cơ bản lâu dài. Trong đó, tổ chức xây dựng và duy trì hoạt động chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền, nhằm bảo đảm cho nhân dân yên tâm phát triển sản xuất, góp phần xây dựng thế trận làng, xã chiến đấu, củng cố khả năng phòng thủ, bảo vệ tuyến biên giới giữ vai trò quan trọng. Qua đó, tạo nên thế trận phòng thủ liên hoàn vững chắc với các điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của lực lượng vũ trang. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 115 căn nhà tại 21 chốt dân quân ở 5 huyện, thị xã biên giới (mỗi căn nhà trị giá hơn 120 triệu đồng).

Bà Lê Thị Bạc (sinh sống tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân ấp Tân Định, xã Biên Giới, huyện Châu Thành) chia sẻ, có được cuộc sống bình yên để tập trung phát triển kinh tế là điều mà người dân sinh sống tại các vùng biên giới đều mong muốn. Khi địa phương thông báo về chủ trương xây dựng các chốt dân quân chiến đấu, người dân cảm thấy rất vui mừng và phấn khỏi vì từ đây bà con chỉ cần chăm lo cho cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Các chiến sĩ dân quân thường trực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống đơn vị.

Bên cạnh đó, các chốt dân quân, đặc biệt là đội ngũ đảng viên còn làm tốt công tác nắm bắt địa bàn cũng như tâm tư, nguyện vọng của các hộ do mình phụ trách, từ đó kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những biện pháp thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế đề ra, góp phần ổn định tình hình xã hội tại địa phương.

Đại tá Nguyễn Thanh Phong- Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết, đội ngũ đảng viên khi được phân công thực hiện nhiệm vụ tại các chốt luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Việc tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các chốt dân quân chiến đấu trên tuyến biên giới chính là điều kiện để đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên trẻ trong lực lượng dân quân thường trực được rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy và ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, từ đó tạo nguồn cán bộ cơ sở cho địa phương tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Thiên Di - Đoàn Duẩn

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phat-huy-vai-tro-cua-dang-vien-tai-chot-dan-quan-bien-gioi-a164119.html