Phát huy vai trò của hội phụ nữ trong bảo vệ trẻ em

Phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, những năm qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tham gia cùng với các ngành, các cấp bảo vệ trẻ em bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Trẻ em được dạy múa hát tại Trường mầm non Thanh An (TP.Long Khánh). Ảnh: N.Sơn

Việc đầu tiên có thể kể đến đó là tổ chức Hội đã lên tiếng, hỗ trợ, can thiệp đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại.

* Hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại

Bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ không của riêng một ngành, một cấp nào mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức Hội LHPN. Vì vậy, từ năm 2019, để có điều kiện tham gia bảo vệ trẻ em một cách tích cực hơn, Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh và TAND tỉnh trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019-2022. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã trao đổi, phối hợp hoặc đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết đối với 6 trường hợp trẻ em bị xâm hại.

Theo bà Lê Thị Thái, đối với các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, khi nắm được thông tin, Hội LHPN tỉnh đều có văn bản chỉ đạo hội LHPN địa phương xác minh thông tin, báo cáo vụ việc về Hội LHPN tỉnh. Sau khi phân tích, đánh giá từng vụ việc cụ thể, Hội LHPN tỉnh sẽ có văn bản trao đổi, phối hợp, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng thời, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết vụ việc của cơ quan có thẩm quyền. Song song đó, Hội LHPN tỉnh cũng giữ liên lạc với gia đình nạn nhân để nắm bắt những khó khăn, nhu cầu của nạn nhân, của gia đình để kịp thời tư vấn, hỗ trợ nạn nhân và gia đình trong từng vụ việc. Một số vụ việc nhờ có sự can thiệp kịp thời của tổ chức Hội, tiến độ giải quyết vụ việc được đẩy nhanh hơn.

Điển hình là vụ việc em Đ.M.H, ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) bị chú ruột bạo hành. Theo kết quả giám định của Trung tâm Pháp y Đồng Nai, em H. có tỷ lệ thương tật 15%. Tuy nhiên, vụ việc này trở nên phức tạp hơn khi xuất hiện một kết quả giám định khác có chung số hiệu, khác thời gian và tỷ lệ thương tật. Vụ án tiếp tục “giậm chân tại chỗ”, kẻ gây ra bạo lực vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình khiến cho người thân của nạn nhân vô cùng bức xúc và gửi đơn lên Hội LHPN tỉnh.

Sau khi nhận được thông tin, Hội LHPN tỉnh đã có văn bản đề nghị Công an TP.Biên Hòa quan tâm chỉ đạo điều tra làm rõ. Vụ án này hiện đã được khởi tố.

Ở cơ sở, các cấp Hội LHPN cũng phát huy vai trò bằng cách tăng cường nắm bắt thông tin, hỗ trợ, can thiệp các vụ việc liên quan đến trẻ em. Theo đó, cán bộ các chi, tổ hội tích cực nắm được thông tin và báo cho các ngành chức năng và tổ chức Hội cấp trên. Tham gia xem xét tình trạng bạo lực, mức độ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em và hỗ trợ thực hiện các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ trẻ, giảm thiểu hậu quả do hành vi bạo lực gây ra. Đồng thời, giám sát việc thực hiện các chính sách luật pháp liên quan đến trẻ em; trách nhiệm của các ngành chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc; gặp gỡ, động viên nạn nhân và gia đình nạn nhân… Kết quả, các cấp Hội đã hỗ trợ, can thiệp được 73 vụ liên quan đến trẻ em.

* Giám sát thực hiện quyền trẻ em

Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho hay, giám sát, phản biện là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Hội. Hằng năm, ngoài tham gia đoàn giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh về công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo trợ xã hội… trên địa bàn tỉnh, năm 2019, Hội chủ động tổ chức giám sát việc bảo đảm an toàn cho trẻ em, thực hiện quyền trẻ em theo Luật Trẻ em tại H.Định Quán và H.Vĩnh Cửu.

Trẻ em ở ấp Cây Xoài, xã Tân An (H.Vĩnh Cửu) vui chơi ở khu vui chơi đặt tại Trường mầm non Tân An (phân hiệu Cây Xoài) do Nhà thiếu nhi Đồng Nai trao tặng

Qua hoạt động giám sát, Hội LHPN tỉnh cũng nhận thấy hầu hết các đơn vị được giám sát đều quan tâm thực hiện quyền trẻ em. Địa phương nào cũng ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát của Hội LHPN tỉnh nhận thấy ở các đơn vị cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định như: vẫn còn một số trường hợp khai sinh trễ hạn, chậm cấp thẻ bảo hiểm y tế ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ; tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước vẫn diễn ra; công tác phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai Luật Trẻ em chưa rõ nét…

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Ngọc Loan, trên cơ sở đó, Hội LHPN tỉnh với vai trò đơn vị giám sát đã kiến nghị các địa phương quan tâm hơn nữa việc thực hiện quyền trẻ em. Trong đó, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền; chỉ đạo các ngành chức năng bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em (như: chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi, phát triển năng khiếu…).

Khi có vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, các ban, ngành chức năng trên địa bàn huyện cần tăng cường phối hợp với các cá nhân có liên quan xác nhận thông tin, kịp thời bảo vệ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục; đồng thời tăng cường các hoạt động trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ mình trong tình huống xấu…

Giám sát việc thực hiện quyền trẻ em không chỉ diễn ra đối với cấp tỉnh, mà tại cơ sở, quyền trẻ em luôn là nội dung được các cấp Hội lựa chọn để giám sát.

Bà Hồ Thị Hồng Vinh, Chủ tịch Hội LHPN P.Suối Tre (TP.Long Khánh) cho hay, là địa bàn có nhiều cơ quan, doanh nghiệp đóng chân. Người lao động lại thường xuyên phải làm việc theo ca kíp làm xuất hiện nhiều nhóm trẻ tự phát. Vì vậy, Hội LHPN P.Suối Tre đã chủ động đề xuất và phối hợp cùng UBND phường tổ chức kiểm tra tình hình hoạt động của các nhóm trẻ; đồng thời tổ chức giám sát hoạt động của các nhóm trẻ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của chủ nhóm trẻ, chế độ dinh dưỡng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm… Trên cơ sở kết quả giám sát, Hội LHPN phường đã kiến nghị UBND phường chỉ đạo các nhóm trẻ bổ sung, hoàn thiện những hạng mục còn thiếu, còn yếu.

Bên cạnh đó, Hội LHPN phường cũng thường xuyên tổ chức giám sát công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều năm qua, trên địa bàn phường chưa xảy ra tình trạng trẻ trong độ tuổi không được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Nga Sơn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202007/phat-huy-vai-tro-cua-hoi-phu-nu-trong-bao-ve-tre-em-3011199/