Phát huy vai trò của Hội thẩm nhân dân trong tố tụng

Hội thẩm nhân dân (HTND) là người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án, qua đó nâng cao vai trò của người dân, để nhân dân được giám sát, tham gia, đưa ra ý kiến của mình. Để nâng cao chất lượng hoạt động HTND, thời gian qua Hội đồng nhân dân và ngành Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh luôn quan tâm kiện toàn đội ngũ, nâng cao trình độ HTND, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia xét xử tại phiên tòa.

Toàn tỉnh hiện có 168 HTND, gồm 25 hội thẩm cấp tỉnh và 143 hội thẩm cấp huyện, đa số đều hoạt động kiêm nhiệm trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, của huyện như: Ủy ban MTTQ, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ... hoặc là người đã nghỉ hưu, có uy tín, phẩm chất chính trị, có khả năng nghiên cứu, áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử. Hàng năm TAND tỉnh đều tổ chức 2 đợt tập huấn, bồi dưỡng cho Hội thẩm Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh, các lớp đều do các giảng viên có trình độ chuyên môn cao, công tác lâu năm trong ngành, nội dung học gắn bó với thực tiễn xét xử tại địa phương.

Các phiên tòa có sự tham gia của HTND đảm bảo sự công bằng trong tố tụng.

Đồng chí Hà Văn Chương, Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết: Thời gian qua, HTND đã tham gia rất tích cực vào công tác xét xử các vụ án của Tòa án, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho vụ án được xét xử công bằng, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Từ năm 2016 đến nay với sự góp mặt của HTND, Tòa án nhân dân 2 cấp đã xét xử sơ thẩm được 9.796 vụ án hình sự, dân sự, hành chính, lao động và kinh doanh thương mại. Trung bình mỗi hội thẩm được phân công xét xử 64 vụ (bình quân 13 vụ/năm). Tuy nhiên, do điều kiện khách quan nên vai trò có lúc chưa thể hiện nhiều, xuất phát từ thực tế phần lớn hội thẩm là cán bộ đương nhiệm, thường bận rộn với công tác của đơn vị nên không tham gia đầy đủ các phiên tòa. Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế trên, hiện nay TAND 2 cấp trong tỉnh đang đẩy mạnh tổ chức tập huấn chuyên môn theo từng chuyên đề và triển khai các văn bản pháp luật mới đến với hội thẩm.

Trong tháng 5, TAND tỉnh tổ chức tập huấn cho 166 HTND đợt 1 quán triệt các Nghị quyết của Quốc hội và Thông tư liên tịch về tổ chức phiên tòa trực tuyến và một số Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Các học viên cũng được truyền đạt một số kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự, dân sự, hành chính và đặc biệt các vị hội thẩm còn được nghe đồng chí Tống Anh Hào, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án TAND tối cao là chuyên gia về lĩnh vực dân sự truyền đạt chuyên đề chuyên sâu về lĩnh vực dân sự.

Theo Luật quy định, nếu ý kiến biểu quyết của các hội thẩm giống nhau nhưng khác ý kiến của thẩm phán, thì quyết định của Hội đồng xét xử phải tuân theo ý kiến của đa số thành viên. Để làm tốt nhiệm vụ, trong từng vụ việc, đòi hỏi hội thẩm không chỉ nắm rõ luật, mà cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án trước ngày mở phiên tòa, nắm bắt đầy đủ nội dung, chứng cứ vụ việc. Khi phát hiện vấn đề mới, vướng mắc thì trao đổi, phản ánh với vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Bà Tăng Thị Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng đoàn Hội thẩm nhân dân tỉnh cho biết: Trong từng vụ việc được phân công, bà thường đọc kỹ, hỏi thêm đồng nghiệp, người trong nghề. Quá trình xét xử phải ghi chép lại những điều chưa rõ, sau đó tìm cách đặt vấn đề trực tiếp với bị cáo. Nhờ vậy, vừa không trùng lặp với thẩm phán, vừa góp phần làm rõ thêm tình tiết, vướng mắc. Ngoài việc làm sáng tỏ nội dung vụ án, thông qua việc thẩm vấn, Hội thẩm nhân dân còn giáo dục, cảm hóa bị cáo, bị hại, người có nghĩa vụ liên quan, nhân chứng trong vụ án nhận thức đúng đắn hơn về quy định của pháp luật.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 103) và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 (Điều 8, Điều 9) thì việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Ông Ma Trọng Hưng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Chiêm Hóa, kiêm Hội thẩm nhân dân cho biết thêm: Trước khi xét xử, HTND đều sắp xếp thời gian, tập trung nghiên cứu hồ sơ vụ án. Tại tòa, các hội thẩm sẽ chủ động cùng Hội đồng xét xử tham gia hỏi làm rõ sự thật khách quan của vụ án; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm của bị cáo; thiệt hại của bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Khi tham gia xét xử, HTND hai cấp sẽ thể hiện rõ quan điểm của mình; đảm bảo nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, biểu quyết theo đa số.

Theo Quyết định số 41/2012 của Thủ tướng Chính phủ, chế độ bồi dưỡng với hội thẩm nhân dân là 90.000đ/ngày, trải qua 10 năm với 6 lần Nhà nước điều chỉnh lương cơ sở thì đây là mức bồi dưỡng thấp, chưa thực sự phù hợp. Đặc biệt hiện nay, khối lượng án hình sự, án kinh doanh, thương mại với tính chất phức tạp ngày càng nhiều, từ đó cũng gây nhiều áp lực và hiệu quả xử lý các công việc của HTND gặp nhiều khó khăn.

Bài, ảnh: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phap-luat/phat-huy-vai-tro-cua-hoi-tham-nhan-dan-trong-to-tung-164366.html