Phát huy vai trò của người có uy tín

Thành phố Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đội ngũ người có uy tín cũng đã phát huy tốt vai trò là 'cầu nối' giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, tích cực đóng góp xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết: Nhiều năm nay, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ đã gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng. Qua đó góp phần đưa tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng bình quân đạt hơn 12%; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Trong số 152 người có uy tín ở 153 thôn của 14 xã dân tộc miền núi Thủ đô, tiêu biểu có bà Nguyễn Thị Huê (dân tộc Mường, thôn Gốc Báng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức). 9 năm qua, bà luôn được đồng bào dân tộc tin yêu, kính trọng, bình chọn là người có uy tín tiêu biểu. Không chỉ là hòa giải viên nhiệt tình ở địa phương, bà Huê còn tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn đoàn kết, tích cực xóa đói, giảm nghèo, không sinh con thứ ba, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Bà Huê cho biết: “Người có uy tín phải gần dân, sát dân để tuyên truyền cho bà con nắm bắt và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những gia đình nào có bất hòa trong cuộc sống, chúng tôi tìm hiểu cặn kẽ rồi phối hợp với tổ hòa giải thuyết phục, vận động, giải quyết mâu thuẫn”.

Còn ông Đinh Văn Nho, người uy tín của thôn Khánh Chúc Đồi (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) lại có những đóng góp nổi bật trong công tác khuyến học. Ông đã cùng cán bộ thôn tuyên truyền, vận động xây dựng được 18 chi hội khuyến học. Theo ông Nho: “Người có uy tín phải là tấm gương sáng, mẫu mực để làm gương cho bà con noi theo. Người có uy tín cũng cần không ngừng học tập nâng cao nhận thức, từ đó có thể phát huy tốt vai trò của mình trong cộng đồng”.

Bí thư Chi bộ thôn Lụa (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) Đinh Như Môn được bầu là người có uy tín từ năm 2014. Phát huy vai trò của mình, ông thường xuyên gần gũi, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của đảng viên, quần chúng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, ông đã vận động nhân dân hiến đất nông nghiệp, ngày công để xây dựng 6 tuyến giao thông nội đồng. Đến nay 100% đường khu dân cư và đường nội đồng đã được cứng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân. Ông Môn chia sẻ: “Trước hết bản thân tôi phải gương mẫu, miệng nói tay làm, quy tụ sự đoàn kết trong chi bộ, sự đồng thuận trong nhân dân. Từ đây, các vấn đề nảy sinh đều được bàn bạc dân chủ, giải quyết thấu tình, đạt lý”.

Mỗi người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đều là tấm gương của cộng đồng. Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh khẳng định: Bằng uy tín của mình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết vượt khó, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, phòng chống tệ nạn xã hội, bài trừ hủ tục lạc hậu; mà còn tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Phát huy kết quả đó, Ban Dân tộc thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của người có uy tín, tạo điều kiện để người có uy tín khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, văn minh.

Dương Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xay-dung-dang/955715/phat-huy-vai-tro-cua-nguoi-co-uy-tin