Phát huy vai trò đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị

Năm 2024, Nghệ An đặt ra yêu cầu tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025 và triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An. Từng cấp ủy Đảng tiếp tục trăn trở đổi mới, phát huy vai trò tổ chức Đảng, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.

Công nhân may tại Nhà máy may NamsungVina, huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Hoa

Đề cao vai trò “đầu tàu” của đảng viên

Chi bộ thôn 9, xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) có 24 đảng viên. Trong 3 năm gần đây, chi bộ được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết quả xếp loại đó được minh chứng bằng kết quả lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức dân xây dựng nông thôn mới với 100% tuyến đường liên thôn, liên gia được bê tông, có hệ thống điện chiếu sáng và chỉnh trang sạch - đẹp, đảm bảo tốt vệ sinh môi trường; đến xây dựng phong trào văn hóa, thể thao, khuyến học, khuyến tài sôi nổi, đảm bảo an ninh, trật tự, không có người vi phạm pháp luật và mọi nghĩa vụ thuế - quỹ đóng góp đầy đủ, kịp thời…

Đặc biệt, đời sống của người dân ngày càng cải thiện thông qua mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất 2 lúa cao cưỡng sang làm rau màu hàng hóa; ngày càng có nhiều người dân tham gia làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp và xuất khẩu lao động.

Cán bộ, công chức xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) phối hợp đơn vị thi công giải quyết các khó khăn cho người dân bị thu hồi đất phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Mai Hoa

Quá trình đó, người đứng đầu cấp ủy và từng đồng chí trong chi ủy trăn trở, lựa chọn vấn đề, nội dung thực hiện trên cơ sở bám sát các chủ trương, nghị quyết, nhiệm vụ Đảng ủy xã đề ra. Đồng thời, bám sát thực tế của thôn để chi bộ bàn bạc, thống nhất.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Tùng - Bí thư Chi bộ, mọi công việc, dù to hay nhỏ đều cần phải có sự “chung tay” của nhiều người mới thành công”. Đặc biệt, ở Chi bộ thôn 9, ngoài phân công trách nhiệm đảng viên phụ trách từng cụm dân cư, tổ tự quản, mỗi đảng viên thật sự là “hạt nhân” đầu tàu làm trước và làm tốt hơn trong mọi chủ trương của chi bộ và trong các phong trào ở địa phương.

Cán bộ xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) và thôn 9 chỉ đạo việc chỉnh trang đô thị. Ảnh: Mai Hoa

Tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn), địa phương được thành lập trên cơ sở nông trường quốc doanh trước đây với thành phần dân cư chủ yếu là công nhân, lao động, ý thức chấp hành các chủ trương và ý thức cộng đồng cao. Song cái khó của địa phương là quỹ đất hẹp, không có nguồn đất đấu giá quyền sử dụng để đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Nguồn lực chủ yếu dựa từ hỗ trợ của cấp trên, đặc biệt là sức dân, với tổng mức huy động giai đoạn xây dựng nông thôn mới hơn 96 tỷ đồng và giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao là gần 100 tỷ đồng. Vừa qua, địa phương đã được tỉnh thẩm định hoàn thành các tiêu chí chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Huy động sức dân xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Hữu Quý - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn cho biết: Bên cạnh ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch, nghị quyết cụ thể để lãnh đạo; cấp ủy xã phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành phụ trách từng mũi công tác, từng địa bàn xóm để chỉ đạo tổng thể phong trào, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của chi ủy, chi bộ và từng đảng viên được nâng lên và rõ nét hơn, thật sự gương mẫu đi đầu, từ đó, lan tỏa đến quần chúng nhân dân. Đây là cơ sở, nền tảng quan trọng để địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm

Năm 2024, Nghệ An đặt ra yêu cầu tăng tốc chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 - 2025 và triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bởi vậy, từng cấp ủy Đảng trong tỉnh đang tiếp tục trăn trở để phát huy vai trò tổ chức Đảng và đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Huyện Nghĩa Đàn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Mai Hoa

Ở huyện Nghĩa Đàn, theo chia sẻ của đồng chí Phạm Chí Kiên - Bí thư Huyện ủy: Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá được Đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn khóa XXIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là tiếp tục tích tụ ruộng đất, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao.

Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, xác định tập trung nguồn lực đầu tư để hình thành: “Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái”. Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đó, cấp ủy, chính quyền huyện Nghĩa Đàn đã chủ động kết nối, phối hợp với một số sở, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan để xúc tiến tổ chức hội thảo về triển vọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao huyện Nghĩa Đàn gắn với liên kết vùng theo hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, dự kiến vào quý I/2024. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu của đảng viên, đặc biệt là thu hút doanh nghiệp vào đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Lãnh đạo huyện Yên Thành tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Văn Thành. Ảnh Mai Hoa

Gắn việc tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, huyện Yên Thành đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và xã hội cùng hành động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể.

Đồng chí Lê Thị Hoài Chung - Bí thư Huyện ủy Yên Thành cho biết: Huyện phấn đấu về đích trước 1 năm huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Cùng đó, nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, gắn với xây dựng, hình thành các mô hình dịch vụ du lịch canh nông, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh. Yêu cầu đặt ra đối với từng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở phải tiếp tục trăn trở, sáng tạo, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân cùng chung tay xây dựng quê hương phát triển.

Dây chuyền sản xuất của Công ty CP bao bì Sabeco Sông Lam. Ảnh: Mai Hoa

Ở Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã ban hành Nghị quyết số 04, ngày 23/10/2023 về Phát huy vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Một trong những mục tiêu quan trọng của nghị quyết, theo đồng chí Ngô Đình Viện - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, là nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, tham gia của các cấp ủy, tổ chức đảng và vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án, chiến lược, nghị quyết, chương trình, kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong từng loại hình doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp và sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách, đóng góp vào công tác an sinh cho tỉnh.

Mai Hoa

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/phat-huy-vai-tro-dang-vien-trong-thuc-hien-nhiem-vu-chinh-tri-post285299.html