Phát huy vai trò giám sát của hội đồng nhân dân các cấp (Tiếp theo và hết)

Bài 2: Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức - Hoạt động giám sát của HĐND các cấp thời gian qua đã bám sát thực tiễn đời sống, thể hiện ý Đảng, lòng dân. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, HĐND các cấp cần bám sát định hướng của cấp ủy cùng cấp, chủ động đổi mới nội dung, hình thức của hoạt động giám sát.

Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp, bảo đảm mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước phải theo đúng Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Theo cơ cấu hiện nay, thường trực HĐND cấp tỉnh có một đến hai đồng chí tham gia ban thường vụ tỉnh ủy, nhiều đồng chí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND. Các đồng chí trưởng các ban của HĐND tỉnh, thành phố đều kiêm nhiệm, nhiều đồng chí là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, tỉnh ủy viên. Do đó, việc nắm bắt, chuyển tải chủ trương lãnh đạo của cấp ủy đảng, triển khai phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương rất thuận lợi.

Những nội dung quan trọng của HĐND đều được báo cáo và xin ý kiến thường trực tỉnh ủy, thành ủy và ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình cho biết, trước mỗi kỳ họp, Đảng đoàn HĐND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các chương trình, nội dung giám sát. Quá trình triển khai giám sát, Thường trực HĐND tỉnh kết hợp định hướng của Tỉnh ủy, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Tỉnh ủy, đồng thời tôn trọng hoạt động độc lập của HĐND và đại biểu HĐND.

Tại kỳ họp HĐND thành phố Hồ Chí Minh tháng 12-2017, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh gợi ý một số nội dung để HĐND thành phố tổ chức giám sát trong năm 2018, như: yêu cầu phải công khai kết luận thanh tra với ba hình thức theo luật định; giám sát việc giải quyết khiếu nại của người dân liên quan công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án Khu đô thị Thủ Thiêm và Khu công nghệ cao thành phố. Đề xuất của người đứng đầu Đảng bộ thành phố tập trung vào những vấn đề mà người dân quan tâm, bức xúc trong thời gian qua. Tháng 5-2018, tổ đại biểu HĐND thành phố trao đổi trực tiếp với cử tri về dự án Khu đô thị Thủ Thiêm. Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về vấn đề này và Thành ủy cũng đưa vào chương trình hội nghị. Sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, cùng trách nhiệm của các đại biểu HĐND thành phố từng bước làm sáng tỏ những vấn đề còn chưa rõ, giúp người dân yên tâm hơn.

Tại kỳ họp của HĐND tỉnh Bạc Liêu tháng 7-2018, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu kiến nghị HĐND tỉnh cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát. Thông qua hoạt động giám sát, HĐND cần kịp thời phát hiện và đưa ra kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện.

Từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy đảng đã tăng cường chỉ đạo, định hướng hoạt động giám sát của HĐND vào các vấn đề nổi cộm, bức xúc mà nhân dân và cử tri quan tâm. Qua giám sát, HĐND giúp cấp ủy, chính quyền thấy rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và từ đó làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước tại địa phương. Thực tế cho thấy, ở đâu bí thư cấp ủy sâu sát, đôn đốc hoạt động giám sát, phản biện, cổ vũ đại biểu HĐND tranh luận, ở đó hoạt động của HĐND được tiếp thêm sức mạnh, đại biểu HĐND tự tin, làm việc quyết liệt hơn. “Để làm tốt nhiệm vụ giám sát, trước hết mỗi đại biểu HĐND phải thể hiện trách nhiệm với cử tri, nhất là trong việc giải quyết đơn thư” - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình Hoàng Văn Tứ khẳng định.

Đồng chí Tứ minh họa bằng một lá đơn của công dân gửi đến HĐND tỉnh đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xét thấy đơn của công dân thường trú tại tổ 22, phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình là chính đáng, nhưng đã chín năm chưa được giải quyết, đồng chí Tứ trực tiếp gặp các cơ quan có thẩm quyền đề nghị nghiên cứu, xử lý dứt điểm, sau đó đồng chí thực hiện quyền của đại biểu dân cử, nhắc nhở, đôn đốc những người có trách nhiệm. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt đó, công dân này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đó là một trong hàng trăm nghìn đơn, thư, kiến nghị được công dân gửi đến HĐND các cấp và đến từng đại biểu HĐND. Nếu các đại biểu HĐND đeo bám vụ việc đến cùng, sẽ có tác động đến các cơ quan chính quyền và góp phần “hạ nhiệt” bức xúc của người dân.

Tăng cường hoạt động của đại biểu HĐND

Những năm gần đây, hoạt động của Quốc hội có tác động mạnh mẽ đến hoạt động của HĐND các cấp, nhất là những phiên giải trình, phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng được truyền hình, truyền thanh trực tiếp. Cử tri cả nước mong đợi HĐND địa phương cũng làm được như Quốc hội. Đó là mong muốn chính đáng của nhân dân. Trên thực tế, nhiều địa phương đã đổi mới hoạt động giám sát của HĐND và tạo được ấn tượng tốt với nhân dân. Nhưng còn nhiều địa phương chưa làm được, vẫn có nơi cử tri nhận xét HĐND “giám nhưng không sát”, đại biểu dân bầu chỉ “giữ chỗ hết nhiệm kỳ”. Thực tế là không ít đại biểu HĐND không đủ bản lĩnh chất vấn người đứng đầu, có thể vì ngại va chạm hoặc thiếu thông tin. Sự e dè cố hữu, tình trạng nể nang, né tránh trong hoạt động chất vấn, giám sát khá phổ biến, nhất là ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Theo đồng chí Bùi Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lạc Thủy (Hòa Bình), thẩm quyền của trưởng ngành cấp huyện còn hạn chế, do đó nhiều trường hợp người được chất vấn chỉ trả lời là sẽ tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết. Trong những trường hợp đó, để đi đến tận cùng thì đại biểu HĐND phải truy trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ dũng khí chất vấn đến cùng đối với Chủ tịch UBND cùng cấp. Mặc dù, cấp ủy cùng cấp luôn khuyến khích đại biểu HĐND phản biện, chất vấn, nhưng tỷ lệ đại biểu HĐND có khả năng phản biện, chất vấn rất thấp. Hiệu quả giám sát của một số đại biểu HĐND chưa cao, một phần là do cơ cấu đại biểu HĐND chưa hợp lý, năng lực của một bộ phận đại biểu HĐND chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, tính ràng buộc trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri thấp, chưa có áp lực đủ mạnh buộc các đại biểu HĐND phải làm việc quyết liệt hơn.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được HĐND bầu hoặc phê chuẩn được cử tri rất kỳ vọng. Hình thức giám sát này có tính cảnh báo cao. Nhiệm kỳ trước, HĐND các cấp đã bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng kết quả đó đã phản ánh đúng uy tín, năng lực người được lấy phiếu tín nhiệm, phản ánh đúng nhận thức của đại biểu HĐND hay chỉ theo cảm tính, là những vấn đề cần nghiên cứu kỹ. Cần tạo điều kiện cho người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo giải trình bổ sung về những nội dung thuộc trách nhiệm của mình, nhất là những công việc đại biểu HĐND quan tâm để việc đánh giá chính xác hơn. Những người đứng đầu có số phiếu tín nhiệm thấp thì thẩm quyền xử lý thuộc về cấp ủy, chính quyền. Khi đó, cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ cần báo cáo lại để đại biểu HĐND và cử tri biết. Có như thế, việc bỏ phiếu tín nhiệm mới tác động tích cực, thúc đẩy bộ máy nhà nước làm việc hiệu lực, hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần đổi mới cách tổ chức chất vấn tại các kỳ họp HĐND để làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị. Đại biểu HĐND có trách nhiệm tìm hiểu thông tin, bằng chứng cụ thể để chất vấn, nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn. Bên cạnh những thông tin thu thập được qua các đợt giám sát, khảo sát, đại biểu HĐND và cơ quan HĐND cần chủ động yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin trước mỗi kỳ họp. Thời gian qua, Quốc hội, HĐND tỉnh, huyện quan tâm đến công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử, bồi dưỡng kỹ năng chất vấn, giám sát, phản biện cho đại biểu HĐND. Việc này rất ý nghĩa đối với những đại biểu không giữ chức vụ trong hệ thống chính trị hoặc tham gia HĐND lần đầu.

Ở các địa phương, hoạt động của HĐND cấp tỉnh cần đóng vai trò hình mẫu để HĐND cấp huyện và cấp xã noi theo. Do đó, trọng tâm đổi mới trong thời gian tới chính là hoạt động giám sát của HĐND các tỉnh, thành phố. Hoạt động giám sát cần tránh dàn trải, tập trung vào các vấn đề nổi cộm, bức xúc mà nhân dân, báo chí và cử tri quan tâm. HĐND các tỉnh, thành phố cần tiếp tục đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng phát huy dân chủ, tăng tranh luận, đi sâu phân tích vấn đề một cách tập trung và thực chất, qua đó, làm rõ hơn tình hình và nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. HĐND đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri, của nhân dân cũng chính là cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân.

-------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 6-11-2018.

HÀ DUY và HẢO LONG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38173902-phat-huy-vai-tro-giam-sat-cua-hoi-dong-nhan-dan-cac-cap-tiep-theo-va-het.html