Phát huy vai trò hương ước, quy ước cộng đồng

Xây dựng và triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng.

Thực hiện hương ước, quy ước góp phần xây dựng xã hội học tập. Trong ảnh: Mô hình Dạy học tiếng Chăm của đồng bào dân tộc ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Ảnh: L.Na

Thực hiện hương ước, quy ước góp phần xây dựng xã hội học tập. Trong ảnh: Mô hình Dạy học tiếng Chăm của đồng bào dân tộc ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành. Ảnh: L.Na

Các hương ước, quy ước gắn với Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tuyên truyền các chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân.

Bám sát tình hình thực tế

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vũ Đình Trung cho biết, toàn tỉnh hiện có 100% khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước. Các hương ước, quy ước được phổ biến công khai, rộng rãi ở các địa phương; nội dung bám sát với tình hình thực tế, xoay quanh các vấn đề như: thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; giữ gìn trật tự địa phương, bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan; xây dựng gia đình văn hóa; vệ sinh môi trường…, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng cảnh quan môi trường văn minh, phòng ngừa tệ nạn xã hội.

“Các hương ước, quy ước được xây dựng trên tinh thần tự nguyện, công khai, đảm bảo phát huy dân chủ, thống nhất của cộng đồng dân cư. Trên cơ sở đó, ý thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực và đồng lòng chung tay thực hiện” - ông Trung cho hay.

Đã có nhiều mô hình thực hiện theo hương ước, quy ước ở cộng đồng dân cư được duy trì. Cụ thể như, tại huyện Định Quán, trước lễ cưới, nhiều cặp vợ chồng cùng nhau thăm các các di tích lịch sử, viếng Tượng đài Chiến thắng La Ngà. Trên địa bàn thành phố Long Khánh, các phường, xã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho các cặp nam, nữ thanh niên…

Với việc tang, 11 huyện, thành phố trong tỉnh đều thành lập và duy trì ban lễ tang đối với các trường hợp Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng. Nhiều hộ gia đình khó khăn khi có người qua đời, các ban vận động ấp, khu phố đã đi quyên góp hỗ trợ cho gia đình tổ chức tang lễ một cách ấm cúng với tinh thần đoàn kết cộng đồng.

Trưởng ấp Tân Thành, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) Lê Việt Trì cho hay, ngay từ đầu năm, ban ấp đã triển khai thực hiện hương ước, quy ước đến người dân. Nếu có sửa đổi, bổ sung, người dân địa phương đều được trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến. Bên cạnh các quy định chung, ban ấp đã bổ sung một số quy định sát với thực tế như: không gây ô nhiễm môi trường, đổ rác đúng nơi quy định; nghiêm cấm dựng rạp lấn chiếm lòng đường… Từ đó, mỗi người dân đều nâng cao ý thức hơn.

Theo Trưởng ấp 2, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) Võ Tấn Tài, nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn ấp 2, xã Long Thọ có những quy tắc ứng xử đề cao, tôn trọng vai trò của phụ nữ. Điều này góp phần tạo môi trường tiến bộ từ gia đình, cộng đồng để giới nữ có điều kiện phát triển toàn diện. Đặc biệt, từ năm 2023, địa phương đã ra mắt Câu lạc bộ nghệ thuật Chuyện làng, chuyện ấp, thường xuyên xây dựng kịch bản, tiểu phẩm sân khấu phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng đời sống văn hóa mới để tuyên truyền tại khu dân cư.

Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã có hướng dẫn gửi các đơn vị, địa phương về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024. Sở đề nghị các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai, thực hiện hương ước, quy ước; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản có liên quan, bảo đảm tính thống nhất; đồng thời, có báo cáo kết quả thực hiện về sở trước ngày 15-11 hàng năm.

Khơi dậy tính chủ động, tự nguyện

Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu ở Đồng Nai, hệ thống đường giao thông cần được mở rộng, nâng cấp. Hiểu rõ điều này, đa số cộng đồng đưa tiêu chí giữ gìn cảnh quan, khuyến khích người dân hiến đất mở rộng đường, chung tay thực hiện các công trình giao thông nông thôn vào quy ước. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình hiến đất, hiến ngày công làm đường...

Tại ấp 7, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Nguyễn Văn Phát là người đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường.

Ông Phát cho biết, thời điểm xã Thạnh Phú thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tuyến đường Tân Huệ đi vào địa bàn ấp 7 còn khá lầy lội và rất nhỏ. Ông đã tình nguyện hiến hàng chục m2 đất để mở rộng tuyến đường. Việc làm của ông đã được nhiều hộ gia đình noi theo. Nhờ vậy, đường giao thông nông thôn trên địa bàn ấp hiện nay khang trang, sạch đẹp, gần 100% bê tông, nhựa hóa và có đèn chiếu sáng.

Phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa) mới đây đã khánh thành, đưa vào sử dụng tuyến đường liên khu phố 7-8 trên địa bàn. Với tổng chiều dài hơn 500m, ngang 3,5m, tuyến đường liên khu phố được đổ bê tông và hệ thống thoát nước chạy dọc theo toàn tuyến. Công trình được thực hiện hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa do người dân tự nguyện đóng góp… với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 750 triệu đồng.

Hiện các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh còn lồng ghép xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước nhằm gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh. Các hương ước, quy ước cộng đồng đã và đang xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Cộng đồng dân cư đã chung tay đóng góp vào các quỹ: Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học, Vì người nghèo; xây dựng gia đình văn hóa, xã hội học tập, khu dân cư văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu… Nhờ vậy, năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt 98,8%.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202405/phat-huy-vai-tro-huong-uoc-quy-uoc-cong-dong-246619c/