Phát huy vai trò người có uy tín trong bảo vệ biên giới ở Đắk Lắk

Thời gian qua, quân và dân vùng biên tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ 'Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới'. Trong đó, đội ngũ người có uy tín đã và đang đóng vai trò nòng cốt, là 'cánh tay nối dài' của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) cùng chính quyền địa phương trong vận động quần chúng tham gia bảo vệ biên giới.

Mỗi người dân là một “cột mốc sống”

Những ngày cuối tháng 4, dưới cánh rừng khộp vàng cháy bởi no cái nắng của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi có dịp chứng kiến buổi tuần tra, bảo vệ đường biên, cột mốc định kỳ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk (BĐBP tỉnh Đắk Lắk) cùng cán bộ, nhân dân xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Sau khi len lỏi qua những cành cây khô, phóng tầm mắt về phía thung xa, Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sêrêpôk chia sẻ: “Đồn Biên phòng Sêrêpôk có nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới dài hơn 12km thuộc xã Krông Na-địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê Đê, M’nông sinh sống. Những năm qua, nhân dân khu vực biên giới xã Krông Na đã phối hợp tốt với lực lượng BĐBP để tuần tra đường biên, cột mốc biên giới. Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng mỗi dịp phối hợp tuần tra định kỳ hằng tháng, bà con đều tham gia đầy đủ, nghiêm túc”.

Không chỉ có đồng bào tại chỗ tích cực tham gia bảo vệ biên giới mà các dân tộc di cư từ phía Bắc cũng góp sức cùng địa phương, BĐBP. Xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) có 15 dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Thái và người Kinh di dân theo dự án phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng từ năm 2004. Trong lần đầu tiên tham gia tuần tra biên giới cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo (BĐBP tỉnh Đắk Lắk) và lực lượng công an, dân quân xã Ia Lốp, chị Hà Thị Phê-thành viên Tổ tự quản đường biên, cột mốc thôn Đừng Nhạp (xã Ia Lốp) bày tỏ: “Tôi thấy rất xúc động và vinh dự vì được là một phần trong lực lượng bảo vệ biên giới. Những buổi tuần tra như thế này giúp lớp trẻ chúng tôi noi gương thế hệ đi trước, hiểu rõ ý nghĩa thiêng liêng của từng tấc đất cha ông để lại. Từ đó chúng tôi luôn ý thức phải gắn kết với BĐBP và chính quyền địa phương xây dựng vùng biên giàu mạnh”.

Ông Y Khái Niê-người có uy tín buôn Ea Mar (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cùng chiến sĩ Bộ đội Biên phòng lau dọn cột mốc biên giới.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề các lực lượng tham gia bảo vệ đường biên, Thiếu tá Vũ Văn Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ea H’leo cho biết: "Song song với công tác phối hợp tuần tra biên giới, đơn vị thường xuyên cùng chính quyền địa phương tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới tới quần chúng nhân dân. Từ đó giúp bà con nâng cao nhận thức, ý thức được vai trò của mình và trở thành những "cột mốc sống” kết hợp cùng BĐBP đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới, bảo vệ từng đường biên, cột mốc, góp phần củng cố nền biên phòng toàn dân".

“Cánh tay nối dài” của Bộ đội Biên phòng

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 71km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia ở xã Ia R'vê, Ia Lốp và Ea Bung thuộc huyện Ea Súp và xã Krông Na, với hơn 23.000 nhân khẩu, 26 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tính đến nay, trong 51 thôn, buôn trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh đã có 23 tập thể, 421 gia đình, hơn 3.290 cá nhân tự nguyện cam kết tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội và 14 tập thể, 350 hộ, hơn 1.350 cá nhân đăng ký tham gia các tổ tự quản đường biên, cột mốc. Để tuyên truyền, vận động bà con tham gia các hoạt động trên, BĐBP cùng chính quyền địa phương đã tranh thủ sự góp sức của đội ngũ người có uy tín tại các thôn, buôn trên địa bàn.

Ông Y Khái Niê, người có uy tín buôn Ea Mar (xã Krông Na), tâm sự: “Là người có uy tín trong buôn, tôi thấy mình có trách nhiệm vận động bà con tham gia cùng chính quyền lên biên giới, phối hợp với BĐBP để tuần tra, bảo vệ cột mốc. Bởi bao năm nay, người dân ở đây đã gắn bó với BĐBP mà sinh sống nên khi BĐBP cần thì chúng tôi sẽ góp sức. Mỗi người dân, nhất là lớp thanh niên cần phải yêu và hiểu rõ trách nhiệm với chủ quyền biên giới đất nước”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết: “Địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, đồng thời thường xuyên tuyên truyền để nhân dân nhận thức đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong bảo vệ an ninh trật tự biên giới và chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đến nay, xã đã có 12 tổ chức, 206 gia đình, 290 cá nhân tự nguyện tham gia thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, trong đó tỷ lệ đoàn viên, thanh niên tham gia ngày càng đông. Để làm được điều này, xã luôn ưu tiên phát huy vai trò của đội ngũ già làng, người có uy tín hướng việc tuyên truyền, vận động tới người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần tiếp nối truyền thống, xây dựng vùng biên ngày càng vững chắc”.

Đề cập tới vai trò của đội ngũ người có uy tín, Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Đội ngũ người có uy tín chính là “cánh tay nối dài” của BĐBP với nhân dân, góp phần thắt chặt đoàn kết quân-dân và cũng là cầu nối trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động nhân dân góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia. Trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để đội ngũ người có uy tín phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, BĐBP tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín; tổ chức thăm hỏi, động viên và tập huấn nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của họ, thông qua đó người có uy tín đưa các nội dung cần tuyên truyền xuống tới nhân dân, góp phần cùng BĐBP củng cố an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Bài và ảnh: LÊ HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-bao-ve-bien-gioi-o-dak-lak-726120