Phát huy vai trò người uy tín trong phòng, chống dịch bệnh

Ma Bảo (trái), người uy tín ở buôn Thu, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân trong buôn. Ảnh: VĂN THÙY

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các huyện miền núi đang nỗ lực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS), vai trò của các già làng, người uy tín được phát huy hiệu quả.

Tuyên truyền viên tích cực

Tại địa bàn các huyện miền núi, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được triển khai từ rất sớm, với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với thói quen, tập quán của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, vai trò của các già làng, người uy tín, trưởng thôn, buôn được phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, kiểm soát dịch bệnh.

Ma Pin, người uy tín thôn Xây Dựng (xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa) cho biết: Khi dịch bệnh bùng phát tại địa phương, tôi đã trấn an bà con bình tĩnh, chấp hành chỉ đạo của chính quyền. Những người cần đi cách ly tập trung hoặc nằm trong khu vực bị phong tỏa cần nghiêm túc thực hiện quy định của Nhà nước; vì Đảng, chính quyền sẽ không để ai bị đói, thiếu ăn.

Những người ở các khu vực còn lại thì cần tiếp tục nâng cao cảnh giác; thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, không tụ tập đông người, hạn chế ra ngoài để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Hiện nay, bà con xã Suối Trai đã ổn định tâm lý và bình tĩnh thực hiện theo sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Huyện Đồng Xuân mặc dù chưa xảy ra dịch bệnh, nhưng cả chính quyền và người dân cũng không lơ là, mất cảnh giác. Già làng Mang Hiếu ở thôn Kỳ Đu, xã Xuân Quang 2, chia sẻ: Hơn một năm nay, trong buổi sinh hoạt cộng đồng của thôn, tôi đều nhắc nhở, lưu ý mọi người thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Nhờ vậy, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, không chỉ phụ nữ trong thôn mà đàn ông cũng chịu khó đeo khẩu trang để không bị lây bệnh. Tôi cũng thường xuyên giải thích, vận động người dân không tổ chức đám tiệc, ăn uống tập trung đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm; đồng thời nắm bắt thông tin những người đi làm xa về để vận động ra xã khai báo y tế.

Còn với Ma Bảo, người uy tín ở buôn Thu, xã Ea Trol, huyện Sông Hình thì việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh đã trở thành trách nhiệm. Đi đến đâu, Ma Bảo cũng vận động, hướng dẫn mọi người đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay với xà phòng để phòng dịch bệnh. Ma Bảo còn thường xuyên theo dõi, kiểm soát khi có người lạ ra, vào buôn; nhắc nhở mọi người hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết.

“Bà con mình còn nghèo, khó khăn lắm, nên mình phải chủ động phòng bệnh. Nếu xảy ra dịch bệnh ở thôn, thì không chỉ khổ cho một nhà mà cả thôn đều bị ảnh hưởng. Do vậy, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải ý thức, giữ gìn cho cả cộng đồng”, Ma Bảo tâm sự.

Nâng cao ý thức phòng dịch

Thời gian gần đây, mỗi khi ra đường, Hờ Nhơn ở buôn Mùi (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) đã quen với việc đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh. Không những vậy, Hờ Nhơn cũng ý thức được việc hạn chế đến nơi đông người, không tiếp xúc với người lạ. Hờ Nhơn nói: Bây giờ, ai cũng sợ bệnh dịch nên không dám ra đường đâu. Mình chỉ ra ngoài khi cần đi cắt cỏ cho bò và mua thức ăn.

Không riêng Hờ Nhơn, từ ngày có dịch, người dân vùng miền núi đã có ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh nơi ở, không tụ tập đông người và tự giác đến xã khai báo y tế nếu bị ho, sốt hoặc mới đi từ vùng dịch trở về địa phương.

Anh Ksor Y Minh ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, nói: Mỗi ngày tôi đều được nghe các thông tin về tình hình dịch bệnh tại các nơi trong tỉnh, trong nước. Nhờ vậy, tôi ý thức được việc chủ động phòng chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình. Cũng theo Y Minh, bây giờ, không chỉ người lớn tuổi mà thanh niên cũng không dám đi chơi như trước. Ai cũng nghiêm túc thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, cho biết: Sơn Hòa có hơn 34% dân cư là người đồng bào DTTS. Do vậy, khi tuyên truyền các nội dung phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chúng tôi phải cố gắng xây dựng các bản tin một cách ngắn gọn, dễ hiểu; tuyên truyền liên tục trên hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động đến từng khu dân cư, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, với mục tiêu để tất cả người dân đều hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống tốt nhất. Nhờ vậy, đến nay mỗi người dân đều có ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Tại huyện Đồng Xuân, các thông tin, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn huyện cũng được cập nhật hàng ngày, hàng giờ trên hệ thống đài truyền thanh, trang mạng xã hội của huyện nhằm nhắc nhở người dân không lơ là, mất cảnh giác trước tình hình phức tạp của dịch bệnh.

Địa phương nỗ lực truy vết, dập dịch

Đến thời điểm này, dịch bệnh đã bùng phát và diễn biến rất phức tạp ở 2 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh. Cả hai địa phương này nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, truy vết, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.

Theo UBND huyện Sơn Hòa, diễn biến bệnh ngày càng phức tạp, địa phương đã phong tỏa 7 điểm, cụm dân cư có nguy cơ lây nhiễm cao; đồng thời triển khai nhiều biện pháp truy vết, xác định các trường hợp có nguy cơ. Đến ngày 4/7, ngoài 42 trường hợp bệnh xác định F0, huyện Sơn Hòa còn có 8 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế; 219 trường hợp F1 cách ly tại các điểm cách ly tập trung; 683 trường hợp F2 và 925 trường hợp khác đang theo dõi sức khỏe tại nhà.

Địa phương đã bố trí 6 điểm cách ly tập trung cho các trường hợp F1; chủ động hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn uống cho người dân trong các khu cách ly tập trung. Đối với các khu vực dân cư bị phong tỏa, chính quyền địa phương cũng kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của các đơn vị, doanh nghiệp nên đã ổn định được cuộc sống của người dân.

Tương tự, huyện Sông Hinh cũng đang ráo riết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên toàn địa bàn. Trong đó tập trung vào hoạt động truy vết, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm và xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Sông Hinh đã khẩn trương thành lập thêm 2 khu cách ly tập trung để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, huyện Sông Hinh cũng tăng cường đảm bảo đời sống người dân, để không ai bị bỏ lại trong cuộc chiến chống COVID-19 của cả nước”, ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh nhấn mạnh.

Thời gian qua, đội ngũ các già làng, người có uy tín luôn làm tốt vai trò là cầu nối của Đảng, Nhà nước với đồng bào DTTS. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống COVID-19, các già làng, người có uy tín rất nhiệt tình, chủ động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Qua đó giúp đồng bào DTTS có niềm tin và sẵn sàng chấp hành mọi chỉ đạo của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/260784/phat-huy-vai-tro-nguoi-uy-tin-trong-phong-chong-dich-benh.html