Phát huy vai trò 'nhạc trưởng' trong tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn tới ngày càng quan trọng, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò 'nhạc trưởng' trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật.

Sáng 23.12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tư pháp năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo Hội nghị. Cùng dự Hội nghị có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự...

Triển khai đồng bộ nhiều mặt công tác

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế - xã hội nói chung đã tác động lớn đến việc triển khai công tác, nhưng toàn ngành Tư pháp đã khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác. Công tác chỉ đạo điều hành được thực hiện quyết liệt, bám sát chương trình, kế hoạch công tác, các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL nhìn chung được cải thiện tốt hơn; công tác rà soát VBQPPL được các bộ, ngành triển khai quyết liệt, nhất là rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành theo yêu cầu, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành , địa phương tham dự Hội nghị. (Ảnh: TH)

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành , địa phương tham dự Hội nghị. (Ảnh: TH)

Đã giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp phiếu lý lịch tư pháp gắn với việc hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục thu được nhiều kết quả ấn tượng.

Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về phát luật đạt nhiều kết quả tốt. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số, hội nghị trực tuyến, các phần mềm chuyên ngành, trong ngành được đẩy mạnh; chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được duy trì ở mức cao.

Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác tư pháp, pháp chế trong năm 2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo VBQPPL còn thấp; tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết có xu hướng tăng trở lại...

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe một số Báo cáo chuyên đề về việc Triển khai thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; những vấn đề lưu ý chuẩn bị triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và tiếp tục thi hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính; phát huy vai trò của cơ quan tư pháp địa phương trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...

Tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thể chế pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước. “Chính phủ chúng ta trong bất kỳ điều kiện nào cũng nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngành tư pháp”, Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, đến nay, khi đã đi gần hết nhiệm kỳ và nhìn lại, chúng ta vui mừng nhận thấy, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực phấn đấu, Bộ và ngành Tư pháp đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tạo sự tin tưởng không chỉ đối với Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật mà còn là chỗ dựa vững chắc cho các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong chỉ đạo, điều hành. Bộ Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là “nhạc trưởng”, cơ quan “gác cửa” trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật của Chính phủ trong những năm qua.

Thủ tướng cho rằng, hệ thống ngành tư pháp, với đội ngũ đông, hơn 45.000 người, “gương mẫu, tận tụy trong công việc, thực thi pháp luật, thực thi công vụ”, thì đất nước có sự chuyển biến đáng mừng. Cán bộ tư pháp gương mẫu, làm tốt, tham mưu tốt sẽ ngăn chặn bớt các vi phạm.

Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập cần tập trung tháo gỡ, giải quyết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: TH)

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Vai trò, trách nhiệm của Bộ, ngành Tư pháp trong giai đoạn tới ngày càng quan trọng, đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò “nhạc trưởng” trong việc tham mưu xây dựng và thi hành pháp luật.

Cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị 43 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao chất lượng thi hành pháp luật, bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Tư pháp và các Sở Tư pháp cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tập trung khắc phục cho được những mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

“Không để xảy ra tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng yêu cầu đổi mới và cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp, bồi thường nhà nước, hình thành được mạng lưới dịch vụ pháp lý rộng khắp, thuận tiện, tin cậy cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành hiệu quả các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.

Tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ, UBND các cấp xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và các cơ quan tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực pháp luật, tư pháp có năng lực, trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Thực hiện đề án số hóa hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp…/.

Thu Hằng

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/phat-huy-vai-tro-nhac-truong-trong-tham-muu-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-571579.html