Phát huy vai trò tộc, họ trong đời sống xã hội

Trong thiết chế đời sống VH-XH, từ xa xưa tộc, họ có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các hành vi ứng xử trong gia đình và cộng đồng. Nhờ vậy, "tình làng, nghĩa xóm", mối quan hệ giữa người với người ngày càng gắn kết. Ngày nay, trong xu thế phát triển của thời đại, tính cố kết cộng đồng và mối liên hệ giữa những người trong cùng tộc, họ không mất đi mà đang trở thành "thế mạnh" được nhiều tộc, họ phát huy. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì vai trò tộc, họ càng đậm nét hơn. Ngoài việc tương trợ giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, thì phần lớn các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, tộc, họ đều được hòa giải thấu tình, đạt lý, hạn chế việc đưa ra chính quyền giải quyết.

Ông Y Ríu (Ama Hậu), họ ÊBan ở buôn Tơng Rang, xã Cư Drăm (H. Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, ông luôn quý trọng, thương yêu mọi người trong cùng một họ như con, em ruột thịt một nhà. "Trong những năm qua, nhìn thấy cảnh bà con của mình túng thiếu, gia đình nghèo đói, mình không thể khoanh tay đứng nhìn, nên mình đã giúp cho 6 gia đình trong họ ÊBan của mình được số tiền 25 triệu đồng để mua giống, phân sản xuất và giúp cho 5 gia đình nuôi rẽ 5 con bò. Nhờ ý thức siêng năng làm ăn vươn lên, sau 5 năm đã có 7 hộ trong họ thoát nghèo... Mỗi khi xảy ra mối bất hòa giữa những người trong tộc, họ, tôi thường tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức họp gia đình phân tích đúng, sai cho mọi người hiểu, vì thế không xảy ra mâu thuẫn, sau hòa giải tình cảm gia đình thêm thắm thiết hơn"- ông Ríu chia sẻ.

Ông Nguyễn Trưởng, thuộc tộc Nguyễn Phước ở thôn Điện Tân, xã Cư Pui (H. Krông Bông) tâm sự: Gia đình ông trước kia ở xã Hòa Tiến (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), năm 1977 ông đi xây dựng kinh tế mới ở Krông Bông. Thời điểm đó, gia đình ông chỉ có 5 người. Sau này con cái lớn lên lập gia đình đến nay dòng họ của ông đã lên đến trên 50 người kể cả con, cháu, dâu, rể. Để con cháu luôn nhớ về tổ tiên, dòng họ, ông đã xây dựng một ngôi nhà thờ tộc, hàng năm vào những ngày Thanh Minh, giỗ chạp, cháu con tề tựu đông đủ. Việc quy tụ không chỉ đơn thuần là cúng tế, mà chính là để mọi thành viên trong tộc, họ hiểu biết, thương yêu, tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, học tập, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Ông Trưởng thường giáo dục cho con cháu hiểu đạo lý "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ". Việc riêng của một gia đình cũng chính là việc chung của cả họ, nên khi một người trong gia đình cần vốn kinh doanh, sản xuất thì mọi người tương trợ tùy theo khả năng của mình. Do vậy, đến nay tất cả những gia đình thuộc dòng họ của ông đều khá giả. Không chỉ hạn hẹp trong phạm vi gia đình, những người trong tộc, họ của ông luôn hăng hái tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện trong và ngoài xã.

Điển hình như con trai thứ của ông Trưởng là Nguyễn Đức Giờ đã tự nguyện hiến 250m2 đất thổ cư để làm đường giao thông vào Trường Mẫu giáo thôn Dhung Knul (xã Cư Pui); đóng góp mỗi năm nhiều triệu đồng vào các hoạt động văn hóa thể thao của xã; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối với những gia đình có hoàn cảnh ốm đau, bệnh hoạn khi cần tiền ông sẵn sàng cho mượn, trả dần hàng tháng hoặc theo vụ sản xuất mà không tính lãi...

Có thể thấy, mỗi họ tộc có cách làm khác nhau nhưng đều chung một mục đích là "Tất cả vì cộng đồng". Như ông Y Tớ họ Byă ở buôn Tliêr, xã Hòa Phong (H. Krông Bông) là một người cần cù chịu khó, bao nhiêu lợi nhuận từ trồng trọt ông tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc. Hiện tại, gia đình ông luôn duy trì đàn trâu, bò khoảng 70 con. Khi họ hàng và những người trong buôn làng cần đến sự giúp đỡ, ông chưa bao giờ từ chối một ai. Hàng chục năm qua, ông Y Tớ luôn dành riêng 30 con bò cho 30 hộ nuôi rẽ quay vòng (trong đó có 15 người thuộc họ Byă và 15 hộ nghèo khác trong buôn). Khi bò sinh sản, các hộ nuôi được hưởng lợi ngay từ con đầu tiên. Nhờ vậy, đã có 15 hộ thoát nghèo tự nguyện trả lại bò mẹ, ông tiếp tục cho hộ khác nuôi. Ông còn cho 4 hộ mượn 8 chỉ vàng để mua giống, phân bón mà không tính lãi.

Còn gia đình ông Trần Viết Hường ở thôn 3, xã Hòa Phong (H. Krông Bông), cách đây hơn 10 năm gia đình ông thuộc diện khó khăn. Được sự giúp đỡ của những người trong tộc, họ bên vợ, con cái ông lớn lên đều được sắp xếp công ăn, việc làm. Nhờ chăm chỉ, cần cù nên hầu hết những người trong gia đình ông đã có cuộc sống ổn định. Kinh tế phát triển, tộc họ của ông luôn nhớ đến những ngày khó khăn, sẵn sàng sẻ chia với những mảnh đời cơ nhỡ. Với tôn chỉ vận động bà con trong dòng họ tích cực tham gia các hoạt động an sinh, thiện nguyện, xóa đói giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Do vậy, trong 3 năm qua, những người trong gia đình ông cùng 2 người bạn thân của người con đóng góp 225 triệu đồng, tổ chức 5 đợt thiện nguyện, tặng 750 suất quà cho hộ nghèo xã Hòa Phong... Ngoài ra, gia đình ông còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động của địa phương, trong đó có 2 người là đồng bào dân tộc thiểu số với mức thu nhập ổn định bình quân trên 5 triệu đồng/tháng...

Trong phát triển kinh tế hiện nay, việc liên kết giữa những người trong cùng tộc, họ cũng như vận động tham gia các hoạt động an sinh xã hội là rất quan trọng. Hy vọng từ một số điển hình trên, sẽ được nhân ra diện rộng đến các tộc, họ ở các địa phương khác.

MAI VIẾT TĂNG

Ông Y Tớ Byă (ngồi trên ghế) ở buôn Tliêr, họp tộc họ để hỗ trợ bò cho người dân. Ông Trần Viết Hường (bên trái) nhận Bảng ghi nhận Tấm lòng vàng trong một đợt thiện nguyện đầu năm 2019.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_212174_phat-huy-vai-tro-toc-ho-trong-doi-song-xa-hoi.aspx