Phất lên sau lệnh...đóng cửa rừng!

Dù Chính phủ đã quyết định đóng cửa rừng tự nhiên nhưng tình trạng phá rừng ngày càng tăng, có tổ chức và đáng nói là được tiếp tay bởi những người được giao bảo vệ rừng

Ngày 25-8, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk, cho biết sở đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Bùi Văn Khang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Ông Khang đã bị bắt khẩn cấp do liên quan đến trùm gỗ lậu Phan Hữu Phượng (tức Phượng "râu"; ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).

"Không biết"!?

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ tuyên bố tái khẳng định chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc bảo vệ rừng. Thế nhưng, từ đó đến nay, những vụ phá rừng quy mô lớn vẫn liên tiếp diễn ra. Điều khó hiểu là những vụ phá rừng này chỉ bị phanh phui khi Bộ Công an vào cuộc hoặc người dân báo tin, chứ không phải là những người trực tiếp làm công tác quản lý, bảo vệ rừng phát hiện.

Đơn cử, trong vụ trùm Phượng "râu", gỗ được khai thác tại khu vực biên giới thuộc phạm vi quản lý của các đồn biên phòng tỉnh Đắk Lắk. Con đường vận chuyển gỗ lậu phải đi qua nhiều trạm chốt của biên phòng, công an, công ty lâm nghiệp; nhiều xưởng gỗ lậu nằm công khai trong khu dân cư ở huyện Cư Jút nhưng suốt nhiều năm, những cơ quan này cho rằng không biết.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Tổ phó tổ dân phố 2, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút - kể Phượng "râu" đến huyện này sinh sống vào khoảng năm 1998, không có nghề nghiệp mà chỉ chăm chăm khai thác gỗ. Đến khoảng năm 2013, sau khi Chính phủ có lệnh đóng cửa rừng lần thứ nhất, nhiều đại gia khai thác gỗ trong vùng dần bỏ nghề, riêng Phượng "râu" phất lên trông thấy. Những năm gần đây, Phượng "râu" mở xưởng gỗ và nuôi đội quân chuyên đi khai thác gỗ. Khi lực lượng của Bộ Công an phá đường dây gỗ lậu này, người dân địa phương không hề bất ngờ.

Một vụ phá rừng khác xảy ra vào cuối tháng 11-2017. Từ nguồn tin báo của người dân, phóng viên đã có mặt tại "công trường" khai thác, tập kết gỗ lậu ngay trên đường tuần tra bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Chư Phả (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) với hơn 45 m3. Lâm tặc còn ung dung đưa nhiều xe đầu kéo, xe máy cày vào khai thác gỗ lậu. Bãi tập kết gỗ này cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 (Công ty Lâm nghiệp Chư Phả) hơn 5 km. Trạm này đặt cạnh con đường tuần tra dẫn vào bãi tập kết gỗ nhưng lực lượng bảo vệ rừng đều khẳng định không biết (!?).

Theo lãnh đạo Công an huyện Ea H’leo, cơ quan công an đã làm rõ được 2 đối tượng tham gia khai thác gỗ lậu. Thật bất ngờ, sau gần 1 năm điều tra, đến nay, Công an huyện Ea H’leo vẫn còn chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan cấp trên để xem xét có khởi tố vụ án hay không.

Bãi tập kết gỗ trên đường tuần tra của Công ty Lâm nghiệp Chư Phả

Bãi tập kết gỗ trên đường tuần tra của Công ty Lâm nghiệp Chư Phả

Hàng trăm cán bộ liên quan

Trở lại vụ án Phượng "râu", bước đầu, cơ quan điều tra đã xác định được có cán bộ kiểm lâm tiếp tay, đó là ông Bùi Văn Khang. Trong thời gian giữ chức vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, ông Khang là người xác nhận vận chuyển gỗ cho Phượng "râu" tại khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, ông Khang đã ký xác nhận không đúng quy định nhiều bảng kê lâm sản từ tháng 4 đến tháng 9-2017 và được "lại quả" nhiều lóng gỗ cùng hàng trăm triệu đồng. Ông Khang khai với công an rằng số tiền nhận hối lộ ông không "ăn" một mình, riêng gỗ thì đã cho người khác một phần.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết liên quan đến đường dây gỗ lậu Phượng "râu", UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan công an xử lý quyết liệt, ai dính líu phải chịu trách nhiệm. Ngành nông nghiệp cũng đã xử lý trách nhiệm hành chính nhiều cán bộ. Còn việc cán bộ có cấu kết hay không, cụ thể thế nào thì vẫn đang chờ cơ quan điều tra kết luận. "Để mất rừng cũng đã xử lý ráo riết rồi, nói gì đến việc cấu kết" - ông Lộc nói.

Ông Lộc cho rằng sau lệnh đóng cửa rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn chưa đạt yêu cầu dù Tỉnh ủy Đắk Nông đã có nghị quyết thành lập nhiều ban quản lý bảo vệ rừng các cấp. Trong đó, những người trong ban thường vụ các cấp làm trưởng ban, định kỳ hằng tháng đưa ra quyết sách để xử lý những tồn tại...

"Thời gian qua, hàng trăm cán bộ đã bị xử lý liên quan đến việc để mất rừng nhưng phải thừa nhận chỉ có tính chất giảm thiểu, răn đe. Tuy các vụ phá rừng có giảm dần nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, không kiểm soát được toàn bộ" - ông Lộc thừa nhận.

Vợ mua gỗ, chi cục trưởng kiểm lâm không biết?

Liên quan đến việc gia đình ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, giao nộp 8 m3 gỗ cà chít (nhóm 3) do liên quan đến vụ án Phượng "râu" mà Báo Người Lao Động phản ánh, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết sau khi báo nêu, ông đã yêu cầu ông Y Sy H’Đơk báo cáo vụ việc. Ông Y Sy H’Đơk cho rằng số gỗ đó do vợ ông nhờ ông Khang mua. Sau đó, ông Y Sy H’Đơk yêu cầu phải đưa hóa đơn để thanh toán tiền nhưng ông Khang không thực hiện.

Bài và ảnh: CAO NGUYÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/phat-len-sau-lenhdong-cua-rung-20180825203441487.htm