Phát mệt với 'bệnh soi' của mẹ

Hồi cô con gái của chị tôi bước vào tuổi teen, cô bé ngoan hiền và học giỏi, ai cũng yêu quý. Song, có ở gần mới biết, chị tôi cư xử với con 'lạ' thế nào.

1. Nghỉ hè năm lớp 8, chị đăng ký cho con gái tham gia trại hè ở cách nhà hơn 100km. Trước khi đăng ký, chị không hề hỏi qua ý kiến của con. Đến khi đăng ký xong mới “thông báo”, con bé nhất quyết không chịu đi. Chị phải nghĩ đủ cách để thuyết phục con và cuối cùng chị hứa sau khi con đi trại hè về, cả nhà sẽ đi du lịch biển cùng nhau một chuyến, cháu gái tôi mới miễn cưỡng đồng ý.

Ngày con lên đường, chị dặn con mỗi ngày được gọi điện 15 phút, con nhớ gọi về cho mẹ vì mẹ sẽ rất nhớ con. Mắt con bé ầng ậc nước lúc rời đi. Vậy mà, ngay tối đầu tiên, con gái gọi điện về chị đã thao thao bất tuyệt lôi đủ “tính xấu” của con, nào là: “Tính con cẩu thả nên thay đồ, giặt đồ chịu khó gấp gọn gàng ngay!”, “Con ngủ hay ngáy, ngọ nguậy không nằm im nên sẽ rất ảnh hưởng đến bạn bè xung quanh nếu ngủ cùng. Con nhớ xin phép thầy, cô cho nằm riêng một giường...”, “Lúc con ăn miệng hay phát ra tiếng chóp chép, người ngồi gần sẽ khó chịu lắm, con phải...”...

Hết 15 phút theo quy định, tôi vẫn chưa thấy chị hỏi xem con đi có mệt lắm không, trại hè có gì thú vị không, các bạn thế nào... Tôi nghĩ, cháu gái tôi hôm đó sẽ buồn lắm vì đó là ngày đầu tiên cháu xa nhà, lại không có người thân bên cạnh. Vậy mà mẹ cháu thì quá hồn nhiên.

Khi tôi trao đổi với chị, chị bảo, không phải chị không hỏi thăm mà chị muốn nó cảm thấy đi xa là chuyện bình thường, không việc gì phải cảm thấy buồn chán, ủy mị nên mới nói những chuyện đâu đâu như thế...

Tối thứ hai, chị đi ra đi vào vì mong điện thoại của con. “Lạ nhỉ, tối hôm qua giờ này nó gọi về từ lâu rồi mà!”. Cuối cùng không kìm được, chị tự bấm máy gọi cho con, điện thoại của con bé tắt máy. Chị vội vàng gọi cho giáo viên hỏi. Cô giáo nói, con gái chị đã đi ngủ. “Ở nhà có bao giờ con ngủ sớm thế đâu nhỉ?”, tắt máy rồi chị vẫn thắc mắc. Chị không biết, khi đó, con bé đang nằm ôm gối khóc thầm vì cảm thấy cô đơn.

Tối thứ ba, con bé không gọi về cho mẹ, mà gọi cho bố. Khi bố nó vừa hỏi: “Con gái bố đi trại hè có mệt không?”, đầu dây bên kia lặng đi một lúc rồi tiếng khóc nức nở của nó to dần. Anh rể tôi lúc đầu còn bật loa để cả nhà cùng nghe giọng con, nhưng thấy con khóc, anh đứng phắt dậy, cầm máy đi về phòng. Lúc quay ra anh bảo: “Con nói nhớ nhà, mong thời gian trôi thật nhanh vì chưa thấy bạn nào hợp để chơi cùng!”, “Con còn nhờ bố nói với mẹ đừng gọi điện cho con. Nghe điện thoại của mẹ con càng thấy mệt thêm!”...

Khi đó, chị gái tôi ngồi lặng đi, nước mắt cũng bắt đầu viền quanh mi.

"Con nhờ bố nói với mẹ đừng gọi điện cho con. Nghe điện thoại của mẹ con càng thấy mệt thêm!” - Ảnh minh họa

2. Cháu gái tôi sang năm sẽ thi đại học. Chị gái tôi sau vụ trại hè năm nào đã rút ra bài học sâu sắc trong việc làm bạn với con. Nhưng gần đây, tôi lại tiếp tục chứng kiến cách cư xử thiếu tinh tế của chị.

Hôm đó, tôi cùng chị gái và cháu đi ăn sáng. Vào hàng phở, chị đã gọi một bát không hành cho con gái, nhưng có lẽ vì đông khách nên chủ nhà mang ra cả ba bát đều có hành. Con bé vẫn hào hứng bảo: “Không sao đâu mẹ, đằng nào họ cũng làm rồi, con gắp ra là được mà”.

Chị cầm bát phở của con sang phía mình, loay hoay xúc hành ra. Tôi thấy mấy bà mẹ ở bàn bên cạnh bảo nhau: “Mẹ này tâm lý nhỉ!”. Nhưng thực ra, khi đó chị vừa nhặt hành ra, vừa lầu bầu với con: “Đổi bát khác là xong, có phải đỡ khổ không?”, “Mà mẹ đã bảo con tập ăn hành bao lần rồi, sau này vào đại học, ăn uống tập thể, họ có làm riêng đồ không có hành cho con ăn như mẹ làm đâu?”, “Con mà cứ thế này thì chỉ có thiệt”...

Cứ thế, chị ca cẩm đến khi nhặt hết hành trong bát phở cho con. Nhưng lúc chuyển sang cho con bé, thái độ của nó đã khác hẳn, không còn tươi tỉnh như lúc mới nhận bát phở đầy hành. “Con cảm ơn mẹ!”, nó lí nhí nói rồi gượng gạo ngồi ăn. Tôi biết, cháu gái không vui nên đã cố gắng gợi chuyện khác để cháu quên đi, nhưng suốt cả bữa ăn, mặt nó buồn thiu.

Lúc hai dì cháu ra trước, chờ mẹ cháu thanh toán tiền, con bé nói với tôi: “Cháu thấy mẹ cháu càng ngày càng vô duyên. Trời đánh còn tránh miếng ăn. Mẹ thiếu gì lúc để nhắc nhở hay mắng cháu mà cứ phải nhằm đúng lúc cháu chuẩn bị ăn chứ? Lần sau, cháu sẽ ăn sáng ở nhà, không ra hàng nữa đâu dì ạ!”.

3. Tôi biết, chị gái tôi cũng là một trong những bà mẹ thương con bậc nhất thiên hạ. Nhưng cách chị ứng xử với các con thì đúng là rất có vấn đề. Tôi chia sẻ câu chuyện này với hy vọng các bà mẹ có thể “soi vào” và rút kinh nghiệm cho mình nếu thực sự muốn trở thành bạn của con...

Hải Giang

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/phat-met-voi-benh-soi-cua-me-post45915.html