Phát ngôn ấn tượng của Tổng bí thư, Thủ tướng tại phiên họp đón 2020

Vạch ra phương hướng cho 2020, các lãnh đạo đều có phát ngôn mạnh mẽ nhằm lan tỏa tinh thần quyết liệt, hành động, cùng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 30-31/12, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra với sự tham dự của 15 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Bí thư Trung ương Đảng, 60 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy cùng các chủ tịch tỉnh, thành phố, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty.

Hội nghị ghi nhận nhiều phát ngôn ấn tượng của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và nhiều bộ trưởng, lãnh đạo địa phương. Các quan điểm được đưa ra xoay quanh thành tích của đất nước trong năm 2019 và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ cho 2020.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm 2020 là chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí. “Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!”, ông nói.

Nhắc đến vụ án AVG, Tổng bí thư nhấn mạnh đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, lần đầu tiên xét xử công khai, kết án rất nghiêm minh hai cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông và nhiều quan chức khác về tội tham nhũng, nhận hối lộ, chứ không chỉ là tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về bài học kinh nghiệm về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, giữa Trung ương và địa phương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải làm thực chất và phải “đúng vai, thuộc bài”. "Thành tích nhận của mình mà trách nhiệm đổ cho người khác là không được”, ông nói.

Nói lại thông điệp về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải bổ sung thành "không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”. Theo ông, môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí.

Gần một tháng nữa là Tết Nguyên đán, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm chủ trương của Ban Bí thư và Thủ tướng là không tranh thủ dịp Tết để cấp dưới biếu quà cấp trên.

“Tất cả các đồng chí đều phải nêu gương. Tất cả các cấp không chạy ra Hà Nội để mang quà biếu, xe cộ ùn ùn tới các nhà lãnh đạo chúc Tết”, Thủ tướng quán triệt.

Về phương châm năm 2020, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc đến 12 chữ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả". Ông nhấn mạnh Chính phủ mong muốn lan tỏa tinh thần quyết liệt, hành động để cùng hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.

Đại diện địa phương, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu nhiều kết quả đạt được của thành phố. Ông cũng nhắc đến bất cập như ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí, ý thức chấp hành của cán bộ công chức chưa tốt nên có trường hợp phải xử lý hình sự. Riêng năm 2019, Hà Nội có 1.019 đảng viên và cá nhân xử lý, chuyển cơ quan điều tra 37/40 vụ việc.

Đưa ra 5 kiến nghị với Chính phủ, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết cho phép TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù, rút ngắn việc tái định cư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Việc này nhằm tạo nguồn lực tương xứng, mạnh mẽ hơn cho thành phố trong thời gian tới.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, cho biết năm 2019 đã kéo giảm 7,39% tội phạm, tức là giảm khoảng 7.500 vụ phạm pháp hình sự. Việc này mang lại hạnh phúc cho khoảng 7.500 gia đình và khoảng 15.000 người không phải vào trại giam. Điều này tương đương giảm được khoảng 5 trại giam. “Đó là con số rất ấn tượng, rất nhân văn”, ông Lâm khẳng định.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết số nộp ngân sách Nhà nước năm 2019 chủ yếu nhờ số thu phát sinh các năm trước chuyển sang. Vì vậy, ông rất lo về thu ngân sách Nhà nước năm 2020.

Một giải pháp được ông Dũng đề cập là tiết kiệm chi thường xuyên, đặc biệt, cần triệt để tiết kiệm trong mua sắm trang thiết bị, ôtô, tổ chức hội nghị, đi nước ngoài...

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói về mục tiêu giảm nghèo bền vững và cho rằng cần quan tâm đến kế sinh nhai của người dân. “Có những cụ già 80-90 tuổi, tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Họ đã nhường lại chính sách của mình cho những người khó khăn hơn. Tôi cho rằng cần phải tổng kết, nhân rộng mô hình này”, ông nói.

Hoài Thu - Như Ý
Ảnh: Thống Nhất - Hoàng Hà - Hải Quân

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phat-ngon-an-tuong-cua-tong-bi-thu-thu-tuong-tai-phien-hop-don-2020-post1031264.html