Phạt nguội xe máy thế nào sau định danh biển số?

Sau định danh biển số, việc phạt nguội xe máy vi phạm giao thông đã hiệu quả hơn. Bởi nếu phớt lờ nộp phạt, người vi phạm có thể bị xử lý bất cứ khi nào nếu CSGT dừng xe và xác định được lỗi trước đó.

Dừng xe phạt trực tiếp từ hình ảnh

Chiều 28/10, Tổ Tuần tra của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút giao Cửa Nam - Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm. Ngoài phát hiện và xử lý phương tiện mắc các lỗi như đi sai làn, đè vạch, không đội mũ bảo hiểm… tổ công tác còn thực hiện việc xử phạt vi phạm qua hình ảnh đối với người ngồi trên xe máy.

CSGT Đội 1, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho một tài xế xe máy vi phạm giao thông xem lại hình ảnh hệ thống camera giám sát ghi lại.

Lúc 14h, nhận được thông báo từ Trung tâm Điều khiển giao thông đề nghị dừng xử lý tài xế xe máy BKS 19S1-347.XX vượt đèn đỏ trên phố Lê Duẩn, cán bộ CSGT lập tức quan sát hình ảnh phương tiện vi phạm được gửi qua điện thoại. Ngay sau đó, CSGT nhận dạng chiếc xe len lỏi giữa dòng xe cộ rồi ra hiệu lệnh cho người điều khiển vào chốt.

"Lúc tôi vượt đèn vẫn chưa chuyển màu đỏ", nam tài xế tên T.Đ.B (SN 1988, quê Hà Tĩnh) phân bua. Lập tức, CSGT mở hình ảnh do camera giao thông ghi lại thời điểm chiếc xe không tuân thủ đèn tín hiệu. Quan sát hình ảnh rõ nét, anh B thừa nhận vi phạm.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền của Cục CSGT, Bộ Công an cho hay, từ 15/8, toàn quốc đã áp dụng cấp biển số xe định danh. Biển số định danh được cấp sẽ theo tổ chức, cá nhân suốt đời.

Việc này nhằm hỗ trợ cho việc quản lý, truy xuất thông tin của phương tiện và thông tin của chủ xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu. Từ đó, sẽ hỗ trợ hiệu quả việc gửi thông báo phạt nguội vi phạm giao thông.

Đây chỉ là một trong 4 trường hợp bị CSGT phát hiện lỗi vi phạm thông qua hình ảnh, lập biên bản xử phạt hành chính trong chiều 28/10.

Theo thống kê của Đội CSGT số 1, trong một tháng qua, bằng hình thức dừng xe trực tiếp xử phạt những lỗi vi phạm được phát hiện qua camera, Đội 1 đã lập biên bản xử lý khoảng 50 tài xế. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vượt đèn đỏ và đi sai làn.

"Việc dừng xe phạt trực tiếp như vậy đã được Phòng CSGT Công an TP Hà Nội áp dụng từ lâu. Thực tế, đây là cách áp dụng linh hoạt kết hợp giữa phạt nguội và dừng xe trực tiếp, nếu thực hiện từ hình ảnh vi phạm ghi lại, gửi thông báo về nơi cư trú, làm việc của chủ xe, thì tỷ lệ đến nộp phạt rất ít", một cán bộ chia sẻ.

Tuy nhiên, kể khi Thông tư 24 của Bộ Công an về việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh có hiệu lực (từ ngày 15/8), các hình ảnh vi phạm đều được lưu lại trên hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành. Nếu chiếc xe đó vi phạm ở bất cứ đâu, vào một thời điểm khác mà các tổ công tác dừng trực tiếp, CSGT chỉ cần tra cứu hệ thống là có căn cứ xử phạt.

Tương tự, Đội CSGT số 15, Phòng CSGT Công an Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức ghi hình xe máy chạy quá tốc độ. Bên cạnh những trường hợp dừng xe xử phạt trực tiếp, đơn vị sẽ căn cứ vào dữ liệu biển số định danh, gửi thông báo vi phạm kèm hình ảnh đến địa chỉ cư trú mà chủ phương tiện đó đăng ký trên hệ thống.

Mỗi tháng, Đội CSGT số 15 phát hiện và gửi thông báo phạt nguội cho khoảng 200 chủ xe máy vi phạm, tuy nhiên, tỷ lệ người đến nộp phạt chỉ lác đác. Dù người vi phạm không tới, nhưng các vi phạm vẫn bị lưu lại để khi chiếc xe đó bị phạt trực tiếp, hoặc khi làm thủ tục bán xe, CSGT sẽ truy phạt những vi phạm trước đó.

Truy thu vi phạm phạt nguội

Thiếu tá Bùi Thanh Toàn, cán bộ Trạm Kiểm soát giao thông Ngã Ba Hàng, Phòng CSGT Công an tỉnh Hải Dương chia sẻ, việc xử phạt nguội đối với xe máy vẫn khó khăn. Bởi xe máy không có sự ràng buộc như ô tô (xe không thể đăng kiểm nếu chưa nộp phạt nguội) để chủ phương tiện thực hiện việc nộp phạt vi phạm hành chính.

CSGT bắn tốc độ rồi gửi thông báo phạt nguội cho chủ xe.

"Hiện các lỗi vi phạm giao thông của xe máy mà camera ghi lại được hình ảnh vi phạm, đơn vị vẫn gửi giấy thông báo về địa phương và công an địa bàn sẽ mời chủ xe lên làm việc. Nhưng khi họ không nộp phạt thì cũng không xử lý được vì đây là vi phạm hành chính. Do đó, chỉ có thể truy thu phạt khi xe này tiếp tục vi phạm mà CSGT phạt trực tiếp và tra cứu được vi phạm trước đó", thiếu tá Toàn cho biết.

Thiếu tá Phạm Đức Minh, cán bộ Đội CSGT - Trật tự, Công an TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực tế cho thấy khi gửi thông báo vi phạm của xe máy về địa phương, nơi công tác, gần như không có người đến nộp phạt.

"Để xử lý được phạt nguội xe máy hiệu quả, theo tôi cần định danh số tài khoản ngân hàng đối với các chủ phương tiện. Khi xe máy bị ghi hình phạt nguội, nếu cơ quan chức năng thông báo nộp phạt mà chủ xe không chấp hành, đến thời hạn, cơ quan chức năng có thể thông báo lỗi để ngân hàng trừ tiền trong tài khoản của chủ xe", thiếu tá Minh đề xuất.

Đại diện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, từ khi áp dụng quy định về định danh biển số, lượng xe chính chủ tăng mạnh, thực tế này giúp cơ quan chức năng dễ dàng tìm ra chủ xe, người vi phạm hơn, hiệu quả phạt nguội cao hơn.

Tuy nhiên, đối với xe ô tô, việc phạt nguội dễ dàng, còn với xe máy, nhiều chủ xe nhận được giấy phạt vẫn sẽ phớt lờ, bởi xe máy không có định kỳ kiểm định như ô tô.

Thiếu tá Trần Ngọc Trung, Đội trưởng Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, thực tế cho thấy, nhiều tài xế xe máy vi phạm sau khi bị tạm giữ phương tiện còn bỏ xe không đến nộp phạt, nên khi nhận phiếu thông báo phạt nguội vi phạm giao thông, họ cũng bỏ qua với tâm lý "chẳng ai làm gì được".

Tuy nhiên, Thông tư 24/2023 cũng đã có quy định để xử lý tình trạng người vi phạm không đến nộp phạt. Cụ thể, người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ không được giải quyết đăng ký xe khác. Đến khi cá nhân đó mua xe mới, nếu dữ liệu thể hiện họ từng vi phạm mà không xử phạt, sẽ bị truy thu trước khi được đăng ký chiếc xe mới.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, khi biển số phương tiện đã được định danh thì quy trình triển khai phạt nguội sẽ thuận lợi hơn, xác định được chủ phương tiện nhanh hơn.

Công an thành phố đang tham mưu UBND TP triển khai lắp đặt camera giám sát an ninh trật tự và giao thông. "Hiện nhiều nơi đã có camera nhưng mới chỉ là camera giám sát an ninh, chưa đủ chuẩn để phục vụ việc xử lý vi phạm giao thông.

Sắp tới sẽ bổ sung hệ thống camera đủ chuẩn để vừa giám sát, vừa có thể xử lý vi phạm", ông Hà nói và cho biết, trong 10 tháng qua, công an thành phố trích xuất hơn 110.000 trường hợp vi phạm, xử phạt được hơn 20.000 trường hợp.

Nhóm PV

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phat-nguoi-xe-may-the-nao-sau-dinh-danh-bien-so-192231030222610515.htm