Phạt nhiều, giả mạo giấy tờ đi máy bay vẫn không giảm

Tất cả trường hợp giả mạo giấy tờ đều bị an ninh hàng không phối hợp với hãng hàng không từ chối vận chuyển và hủy vé. Đồng thời lập biên bản xử phạt, tái phạm có thể bị cấm bay.

Kiểm soát an ninh hàng không tại nhà ga hành khách quốc tế, sân bay Nội Bài

Làm giấy tờ giả, mua CMND ở tiệm cầm đồ để đi máy bay

Nhà chức trách hàng không sân bay Nội Bài vừa ra quyết định xử phạt ông N.V.M. (SN 1986, Sơn Tây, Hà Nội) 7,5 triệu đồng do cố tình vào khu vực cách ly, lên tàu bay bằng giấy tờ tùy thân và thẻ lên tàu bay của người khác. Trước đó, hôm 3/10, khi đang kiểm tra CMND của ông N.V.M., an ninh sân bay Nội Bài đã phát hiện ảnh trên chứng minh thư không trùng khớp với khuôn mặt của khách đi máy bay nên đã yêu cầu hành khách này về phòng trực làm rõ. Tại đây, ông N.V.M. thừa nhận do mất giấy tờ tùy thân, ông đã mượn CMND của bạn cùng quê và lên sân bay mua vé đi TP HCM.

14 loại giấy tờ đi máy bay

Khách đi máy bay nội địa có thể sử dụng 1 trong 14 loại giấy tờ sau: Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời; thẻ thường trú, thẻ tạm trú; thẻ căn cước công dân; CMND, chứng nhận của các lực lượng vũ trang; thẻ Đại biểu Quốc hội; thẻ đảng viên; thẻ nhà báo; giấy phép lái xe ô tô, giấy phép lái mô tô; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay, thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam.

Ngoài ra, còn hai loại giấy tờ không phổ biến khác là giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận và giấy của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án. Hai loại giấy tờ này phải được dán ảnh, đóng dấu giáp lai của khách đi máy bay và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ khi xác nhận.

Những trường hợp vi phạm như ông N.V.M. không hiếm nếu không muốn nói là khá phổ biến hiện nay. Ngay cuối tháng 9, Báo Giao thông cũng đã thông tin về một trường hợp vi phạm khác khi một nam hành khách khai nhận do bị mất CMND nên đã nhờ người (không rõ lai lịch) trên mạng internet làm CMND giả với giá 300 nghìn đồng để đi máy bay. Tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Báo Giao thông cũng đã từng ghi nhận các trường hợp khách cố tình sử dụng CMND của người khác và cắt, dán ảnh của mình vào hòng qua mặt nhân viên an ninh hàng không. Các trường hợp này đều khai nhận do mất giấy tờ nên đã “mua CMND ở tiệm cầm đồ” nhằm hợp lý hóa thủ tục hàng không.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc CHK quốc tế Nội Bài cho biết, vi phạm về giấy tờ đi máy bay có 2 loại, thứ nhất là làm giả giấy tờ. “Đây là trường hợp đối tượng mua CMND ở tiệm cầm đồ, dán ảnh người khác hoặc dán ảnh chính bản thân đối tượng đó để đi máy bay hoặc thuê làm CMND giả qua mạng...”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, những trường hợp này không nhiều. Tuy nhiên, khi phát hiện, ANHK sẽ chuyển cho cơ quan công an điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật

Loại vi phạm thứ 2 theo ông Tuấn Anh là mạo danh nhân thân như ông A mua vé không đi được nên cho ông B đi. Để hợp lý hóa, ông A sẽ nhờ chính quyền địa phương xác nhận nhân thân tên mình nhưng lại dán ảnh ông B. Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ lập biên bản và bàn giao cho nhà chức trách hàng không xử lý theo quy định.

Báo cáo mới nhất của Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho thấy, trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn các cảng hàng không, sân bay khu vực miền Bắc, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý tổng số 38 trường hợp hành khách vi phạm.

Nghiêm ngặt giấy tờ đi máy bay, tránh nguy cơ “lọt” tội phạm

Theo quy định, để được lên máy bay, hành khách phải mang vé đã mua đúng tên mình, cùng CMND. Vé “chính chủ” không chỉ giúp các hãng kiểm soát khách mà còn liên quan đến vấn đề ANHK.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc lực lượng ANHK kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm liên quan đến giấy tờ giả mạo không đơn thuần là vấn đề thương mại, phòng ngừa vấn đề “lậu vé” mà quan trọng hơn là để phát hiện các trường hợp tội phạm nguy hiểm cố tình thâm nhập lên tàu bay bằng giấy tờ giả. Thực tế, hãng hàng không không bị thiệt hại kinh tế, chỉ có hành khách vừa bị phạt nặng, vừa không được bay, nếu tái phạm nhiều lần có thể bị cấm bay.

“Sự nghiêm trọng của loại vi phạm này không phải thiệt hại kinh tế mà là ở yếu tố đe dọa đến ANHK. Tuy nhiên, những vụ vi phạm này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn trong giấy tờ đi máy bay nội địa có thể bị lợi dụng cho các hành vi can thiệp bất hợp pháp chống lại hàng không dân dụng”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam nói và cho biết thêm: Kết quả xác minh cho thấy các trường hợp được phát hiện đều là những người ham vé rẻ, lợi dụng sự lỏng lẻo trong chứng thực giấy tờ để tư lợi cá nhân, chưa có đối tượng tội phạm. Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam vẫn đánh giá đây là nguy cơ đe dọa ANHK cần được ngăn chặn.

Thực tế, sau vụ khủng bố bằng máy bay ngày 11/9/2001 ở Mỹ, hàng không thế giới nhận thấy những kẻ khủng bố đã sử dụng nhiều tên giả để đi máy bay nhiều lần. Do đó, nguyên tắc khách bay đúng vé, đúng người luôn phải được tuân thủ nghiêm ngặt.

Cũng từ đây, tất cả các trường hợp hành khách sử dụng CMND có dấu hiệu làm giả, giấy xác nhận nhân thân mang tên người khác do cán bộ công an tại các địa phương ký xác nhận đóng dấu không đúng quy định đều được nhà chức trách hàng không gửi các địa phương để khuyến cáo và yêu cầu xác minh xử lý triệt để, không để xảy ra các vụ việc tương tự. Cùng đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng liên tục có báo cáo gửi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64 - Bộ Công an) để biết và có những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.

Thanh Bình

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/phat-nhieu-gia-mao-giay-to-di-may-bay-van-khong-giam-d275441.html