Phật ở đâu?

Vương Hải Thiềm, tức Thiền sư Chân Không (1046-1100), người hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm-Hà Nội. Năm 10 tuổi, đã tinh thông sách vở, liền đi du ngoạn khắp các chùa chiền, rồi đi tu, thuộc dòng Thiền Nam Phương. ác phẩm của Vương Hải Thiềm còn lại chỉ có một bài kệ và vài đoạn thơ đối đáp với học trò. Cảm hoài là tên bài do Lê Quý Đôn đặt.

CẢM HOÀI

Vương Hải Thiềm (1046-1110) - (Thiền sư Chân Không)

………….

Phiên âm:

CẢM HOÀI

Diệu bản hư vô nhật nhật khoa,

Hòa phong suy khởi biến sa bà.

Nhân nhân tận thức vô vi lạc,

Nhược đắc vô vi thủy thị gia.

Dịch nghĩa:

CẢM HOÀI

Cái thể tinh thần diệu là hư vô, nhưng ngày ngày

vẫn biểu hiện ra khắp nơi,

Như luồng gió ôn hòa thổi dậy khắp ba nghìn thế giới.

Mọi người đều thấu hiểu “vô vi” là vui,

Nếu được “vô vi” mới coi đấy là nhà.

DỊCH THƠ

Bản dịch của Huệ Chi:

Hư vô, diệu thể vẫn khoe bày,

Khắp cõi sa bà gió dịu bay.

Vui nhất vô vi, ai cũng hiểu,

Vô vi, nhà ở chính nơi này.

Bản dịch của Vũ Bình Lục:

Hư vô diệu thể khắp nơi,

Ba nghìn thế giới gió trời dịu êm.

“Vô vi” vui chốn thần tiên,

Được “vô vi”, mới tới miền tư gia.

Vương Hải Thiềm, tức Thiền sư Chân Không (1046-1100), người hương Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm-Hà Nội. Năm 10 tuổi, đã tinh thông sách vở, liền đi du ngoạn khắp các chùa chiền, rồi đi tu, thuộc dòng Thiền Nam Phương. Sau, Vương Hải Thiềm đến tu ở núi Từ Sơn (Bắc Ninh), nghiên cứu đạo Phật trong hai mươi năm, tiếng tăm lừng lẫy. Lý Nhân Tông (1072-1128) cho mời vào cung giảng kinh Pháp hoa. Thái úy Lý Thường Kiệt, Thượng thư Đoàn Văn Khâm… đều rất nể trọng ông. Tác phẩm của Vương Hải Thiềm còn lại chỉ có một bài kệ và vài đoạn thơ đối đáp với học trò. Cảm hoài là tên bài do Lê Quý Đôn đặt.

Hai câu đầu, trình bầy tổng quát về bản chất của Phật pháp, cái thể tinh thần diệu là hư vô, hư huyễn, nhưng ngày ngày vẫn biểu hiện ra ở khắp nơi, như luồng gió ôn hòa thổi dậy khắp ba nghìn thế giới (hòa phong xuy khởi biến sa bà). Cõi sa bà, tức “Sa bà thế giới”, hay là “Tam thiên đại thiên thế giới”, chính là nơi Phật tổ Thích- Ca giáo hóa chúng sinh. Ba nghìn đại thiên thế giới, là cõi Sa bà vậy.

Hai câu sau, thuyết về “vô vi”. Rằng Ai cũng cũng hiểu “vô vi” là vui. Và nếu được “vô vi” mới coi đấy là nhà. “Vô vi” trong sách Lão Tử, nghĩa là sống thuận theo lẽ tự nhiên, không trói buộc làm mất bản chất của mình. Có thể hiểu như thế, nhưng cũng có thể hiểu thêm ở đây “vô vi” là “vô vi pháp” , tức là những cảnh giới bất biến, không sinh không diệt. Đạt đến “vô vi”, suy cho cùng, đó mới chính là ngôi nhà của mình, như là nơi trú ngụ yên ổn nhất của tâm hồn.

Vũ Bình Lục |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phat-o-dau-60547