'Phát súng lệnh' đặc biệt cho ngành Y

Chỉ thị của Thủ tướng chính là 'phát súng lệnh' đặc biệt cho ngành Y trong công tác chấn chỉnh vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Sự thiếu minh bạch đã dẫn đến những tồn tại trong công tác quản lý chất lượng thuốc ở cấp vĩ mô khiến “con voi chui lọt lỗ kim” dẫn đến quá trình phân phối thuốc đến tay người dân muốn bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả còn nhiều thử thách.

Mỗi năm, có 200.000 người chết vì thuốc giả, kém chất lượng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị yêu cầu tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Thật ra hàng giả, hàng kém chất lượng không phải là câu chuyện mới. Đáng buồn là càng ngày, nhiều người vì hám lợi mà sáng tạo ra những sản phẩm có hại cho người tiêu dùng ở mức độ ngày càng cao hơn. Đáng Lên án là các vấn đề về thuốc giả, mua bán không hóa đơn chứng từ, bán thuốc thuốc tự do không có ý kiến của bác sĩ không có dấu hiệu dừng lại và còn là vấn nạn của ngành dược.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo trên toàn cầu, thống kê cho thấy, có khoảng 200.000 người chết vì uống phải thuốc giả, đây chỉ là con số thống kê trên giấy tờ. Trong đó, châu lục bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là ở châu Phi, nơi có khoảng 120.000 người chết mỗi năm có liên quan đến việc sử dụng các loại thuốc chống sốt rét giả mạo không đạt tiêu chuẩn hoặc không có thành phần hoạt chất.

Song song, trong quý I năm 2018, Cục quản lý Dược - Bộ Y tế đã công bố danh sách 51 cơ sở sản xuất thuốc nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng 100% lô thuốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Cho đến việc Cục này liên tiếp có công văn khẩn gửi các Sở y tế, thông báo đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán sử dụng thuốc mang tên “Nhức khớp tiêu bại hoàn”. Trên nhãn thuốc này ghi tên cơ sở đông nam dược Đại an (40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội).

Hoặc yêu cầu Sở Y tế tỉnh Bến Tre phối hợp các cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra cơ sở y học cổ truyền Vạn An Đường (thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) về chứng từ, hóa đơn mua bán, xác định nguồn gốc xuất xứ của thuốc và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Liên quan đến vấn nạn dược phẩm giả, chúng ta không thể không nhắc tới sản phẩm Vinaca của Cty TNHH Vinaca làm bằng bột than, cũng như vụ thuốc ung thư H-Capita 500mg Caplet do Công ty VN Pharma nhập về Việt Nam là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng thật sự gây bất bình cho dư luận thời gian qua.

Từ những thực tế đau lòng, đáng buồn về dược phẩm, các cơ quan chức năng mới “giật mình” vào cuộc và phát hiện việc buôn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền lộn xộn đến mức “sờ tay vào đâu, phát hiện vi phạm đến đó”.

Trong khi, thuốc là một mặt hàng đặc biệt và ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người không thể có khái niệm kém chất lượng được mà là hàng giả hàng nhái, khi đi buôn họ thừa biết, vì mua giá rẻ về bán đắt như thuốc thật. Theo đó, để chống lại vấn nạn này, không phải bằng việc cơ quan chức năng có liên quan cứ phải “sống chết” cãi đó không phải là giả và tạo ra những bản báo cáo đẹp để che đậy thực tế.

Điều này cũng có nghĩa chính sự thiếu minh bạch đã dẫn đến những tồn tại trong công tác quản lý chất lượng thuốc ở cấp vĩ mô khiến “con voi chui lọt lỗ kim” dẫn đến quá trình phân phối thuốc đến tay người dân muốn bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả còn nhiều thử thách.

Vậy nên, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các cơ quan chức năng như Cục quản lý dược - Bộ Y tế, , Cục Quản lý thị trường – Bộ Công thương, Bộ Công an và Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm minh, không khoan nhượng kể cả tử hình mới đủ sức răn đe.

Và chỉ thị của Thủ tướng chính là “phát súng lệnh” đặc biệt cho ngành Y trong công tác chấn chỉnh vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/phat-sung-lenh-dac-biet-cho-nganh-y-131522.html