Phạt tiền cô gái trốn cách ly ra Nội Bài để sang Anh có đủ răn đe?

Luật sư cho rằng việc phạt tiền cô gái 25 tuổi trốn cách ly ra Nội Bài để bay sang Anh chưa đủ răn đe, nếu có căn cứ có thể xử lý hình sự.

Tối 25/3, UBND quận Long Biên (Hà Nội) lập biên bản xử phạt V.T.H. (25 tuổi, người địa phương) 10 triệu đồng sau khi cô này đang được cách ly nhưng trốn ra sân bay Nội Bài, lên máy bay sang Anh.

Cơ quan chức năng cho hay đây là mức phạt cao nhất do H. có yếu tố tăng nặng.

Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) nhận định hành vi của V.T.H. là cố tình trốn tránh cách ly, cho thấy cô gái hoàn toàn nhận thức được việc làm có thể gây nguy hiểm khi dịch bệnh đang lây lan.

"Cố ý thực hiện hành vi di chuyển ra khỏi khu vực cách ly là thể hiện thái độ bỏ mặc hậu quả xảy ra", luật sư nói và cho rằng đây là lỗi cố ý vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dịch truyền nhiễm.

 Thủ tục kiểm tra thông tin y tế trước khi nhập cảnh tại sân bay. Ảnh: Phạm Ngôn.

Thủ tục kiểm tra thông tin y tế trước khi nhập cảnh tại sân bay. Ảnh: Phạm Ngôn.

Với hành vi này, ông Cường nói người vi phạm đã bị phạt hành chính 10 triệu đồng theo Điều 10, Nghị định 176/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trong trường hợp như H., nếu gây ra hậu quả bệnh dịch lây lan ra cộng đồng mà phải công bố dịch bệnh tại khu vực lây lan thì người trốn cách ly sẽ bị truy cứu theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Hình phạt cao nhất có thể áp dụng là 12 năm tù.

Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật Trung Hòa) cho rằng chế tài phạt hành chính người cố ý trốn tránh, khai báo gian dối hoặc chống đối để không thực hiện các biện pháp để cách ly và phòng chống dịch vẫn thực hiện theo Nghị định 176, mức phạt tối đa chỉ 10 triệu.

Tuy nhiên, luật sư cho biết trong trường hợp người nghi mình bị nhiễm virus nhưng cố tình trốn tránh các biện pháp cách ly y tế, mang mầm bệnh lây nhiễm cho người khác sẽ bị truy cứu hình sự theo Điều 240.

"Phải xử lý nghiêm các hành vi chống đối, trốn tránh kiểm tra, cách ly của người vi phạm để răn đe, cảnh tỉnh cho người dân", ông Tùng nêu quan điểm.

Theo các luật sư, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, khả năng lây lan trong cộng đồng rất cao thì hành vi trốn cách ly, trà trộn vào đám đông sẽ làm mất kiểm soát về dịch bệnh.

Do đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh hơn, thậm chí phải xử lý hình sự một vài trường hợp vi phạm mới đủ sức răn đe.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp không cách ly, không khai báo, gây hậu quả phải xử lý hình sự.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm ra công điện chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, bộ trưởng yêu cầu phát hiện, xử lý kịp thời người có hành vi chống đối, không thực thi các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/phat-tien-co-gai-tron-cach-ly-ra-noi-bai-de-sang-anh-co-du-ran-de-post1064204.html