Phạt tiền tới 100 triệu đồng hành vi quảng cáo vape, shisha...

Hành vi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, kinh doanh, mua bán vape (thuốc lá điện tử), thuốc lá nung nóng, shisha là hành vi vi phạm pháp luật do đây là những sản phẩm cấm kinh doanh. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 70-100 triệu đồng theo quy định của Luật Quảng cáo, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nêu rõ.

Nhiều chiêu trò “hút” khách

Ông Bùi Minh Tuấn, quản lý truyền thông - Tổ chức chiến dịch vì Trẻ em không khói thuốc cho biết, mặc dù quảng cáo thuốc lá là hành vi bị cấm theo các quy định về quảng cáo tại Việt Nam nhưng ngành công nghiệp thuốc lá vẫn tận dụng nhiều chiêu trò nhằm quảng cáo thuốc lá thế hệ mới-đặc biệt là nhằm vào giới trẻ Việt Nam.

Thông qua các kênh quảng cáo như sử dụng giới trẻ, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng để quảng cáo sản phẩm, sử dụng hashtag trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter để thu hút giới trẻ, quảng cáo tại các sự kiện thể thao, âm nhạc, in quảng cáo trên các sản phẩm như mũ, quần áo, bao đựng thiết bị sử dụng cho thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…trên hội nhóm. Thậm chí có những điểm bán thuốc lá điện tử còn được đặt ở gần trường học…

Ông Bùi Thế Sơn, giảng viên trường ĐH Thương mại cho biết, qua khảo sát về tình trạng mua bán thuốc lá điện tử tại một số tỉnh, TP như Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Cà Mau, Thanh Hóa, Yên Bái cho thấy, các điểm bán thuốc lá điện tử được đặt công khai với mật độ khá dày ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Các điểm bán thuốc lá điện tử được để dưới các tên như: Vape Music store, The Vape club, The Vapist Vapor Bontinque... trong đó Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng là những địa phương có mật độ các điểm bán thuốc lá thế hệ mới nhiều nhất cả nước với khoảng gần 20 điểm lớn. Điểm đáng chú ý là, hầu hết các cửa hàng bán thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đều được thiết kế rất hiện đại, bắt mắt nhằm thu hút giới trẻ.

“Một số cửa hàng thiết kế đẹp như các cửa hàng bán đồ công nghệ, một số lại thiết kế như các quán cà phê với người bán là thanh niên và bạn gái trẻ. Người mua do đó đại đa số là giới trẻ. Các sản phẩm được bán tại những điểm này cũng rất đa dạng với các mức giá từ rẻ đến cao. Nguồn gốc sản phẩm có từ các mặt hàng rất đa dạng đến từ Trung Quốc tới các mặt hàng của các Cty lớn", ông Bùi Thế Sơn thông tin.

 ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế cho rằng, việc kiểm soát thuốc lá thế hệ mới sẽ giảm được mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Ảnh:T.A

ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế cho rằng, việc kiểm soát thuốc lá thế hệ mới sẽ giảm được mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Ảnh:T.A

Cần kiểm soát thị trường, ngăn chặn sử dụng trong thanh thiếu niên

ThS. Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Cán bộ WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, thuốc lá điện tử có tác hại rất lớn tới sức khỏe con người. Hầu hết các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chứa nhiều chất độc hại như nicotine, kim loại, formaldehyde… Vì vậy, thuốc lá điện tử gây hại cho cả người dùng và người xung quanh.

“Trong khi các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam thì cần có các biện pháp kiểm soát thị trường và ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh niên”, ông Bùi Thế Sơn kiến nghị.

Trước những tác hại do thuốc lá thế hệ mới mang lại, Bộ Y tế cũng đề xuất Chính phủ không cho phép kinh doanh các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh: Hành vi quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, kinh doanh, mua bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha là hành vi vi phạm pháp luật. Các sản phẩm này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Bà Hương phân tích, theo Điều 8 của Luật Quảng cáo, những sản phẩm, hàng hóa dịch vụ bị cấm quảng cáo là sản phẩm hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh; thuốc lá. Sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng dù có hay không phải là sản phẩm thuốc lá nhưng là hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha là sản phẩm chưa được phép lưu thông trên thị trường. Hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa cấm kinh doanh là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo.

Với hành vi quảng cáo thuốc lá, quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo thì mức phạt tiền từ 40-50 triệu đồng; hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh thì bị phạt tiền 70-100 triệu đồng.

Nghị định 59/2006/NĐ-CP và Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 7-5-2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59 có nêu: Hành vi kinh doanh, buôn bán các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là trái pháp luật do các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường hiện nay là sản phẩm nhập lậu; thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha là sản phẩm nhập lậu vì chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng lậu mức xử phạt cao nhất là từ 40-50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa trị giá từ 100 triệu đồng trở lên…

“Mới chỉ có 2,6% lứa tuổi 13-17 sử dụng mà mức độ quảng cáo kinh doanh đã mạnh mẽ với sự “trợ giúp” của công nghệ hiện đại, mạng xã hội. Nếu cho tiêu dùng hợp pháp được nhập khẩu, phân phối kinh doanh ở Việt Nam thì mức độ ảnh hưởng đến người sử dụng sẽ lớn, hệ lụy sẽ nhiều hơn”, ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế nhấn mạnh.

ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, việc cấm nhập khẩu, kinh doanh, quảng cáo các sản phẩm này khả thi hơn là cho nhập để quản lý vì nếu đơn vị quản lý cho phép nhập khẩu thì thêm lựa chọn cho người sử dụng, tăng cường cung cấp sản phẩm này.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phat-tien-toi-100-trieu-dong-hanh-vi-quang-cao-vape-shisha-206164.html