Phát triển bền vững 2019: Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

Hội nghị tập trung thảo luận và chia sẻ các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phát triển nguồn vốn con người, xây dựng một nền kinh tế phi phát thải và thúc đẩy các mô hình kinh tế bền vững giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và tiếp nối thành công của chương trình năm 2018, Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD – VCCI), Ngân hàng Thế giới và các bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019, với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”.

Hội nghị tập trung thảo luận và chia sẻ các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm phát triển nguồn vốn con người, xây dựng một nền kinh tế phi phát thải và thúc đẩy các mô hình kinh tế bền vững giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân - Những vấn đề có ý nghĩa quan trọng và tác động lớn đến chiến lược phát triển bền vững của quốc gia.

Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI kiêm Chủ tịch VBCSD, để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội, cũng như giúp thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP) mạnh mẽ hơn nữa, như sớm ban hành Luật đầu tư theo hình thức PPP, thay đổi mô hình PPP hiện nay – các cơ quan quản lý PPP phải thay đổi cách thức quản lý và nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho nhà đầu tư theo hình thức PPP, thu hút các nhà đầu tư mới, phát huy hiệu quả vai trò của Ủy ban Quan hệ đối tác công tư trong việc thúc đẩy PPP bền vững.

Kinh tế tuần hoàn chưa được sử dụng chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam nhưng có rất nhiều khái niệm liên quan đã được đề cập trong các văn bản.

Kinh tế tuần hoàn chưa được sử dụng chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam nhưng có rất nhiều khái niệm liên quan đã được đề cập trong các văn bản.

Tại hội nghị, chia sẻ về kinh tế bao trùm, ông Daniel Dulitzky, Giám đốc chương trình Phát triển con người, khu vực châu Á – TBD, Ngân hàng Thế giới cho biết mặc dù Việt Nam đang thực hiện tốt về chỉ số vốn nhân lực (HCI), nhưng đồng thời cũng đang phải đối mặt với hai thách thức chính trong đảm bảo nguồn vốn nhân lực chất lượng cao, đó là cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động.

Một số khuyến nghị được đại diện của Ngân hàng Thế giới đưa ra gồm: Cải cách các chương trình mục tiêu quốc gia, cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ đó tạo sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 được chia làm hai phiên. Trong phiên buổi sáng diễn ra đồng thời ba hội thảo chuyên đề xoay quanh các nội dung: Phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020-2030 – Mô hình tăng trưởng liên ngành ưu việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên vật liệu; Quan hệ đối tác công tư: Nhu cầu thực tiễn và định hướng chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững; Nguồn vốn nhân lực: Chỉ số vốn con người, vai trò lãnh đạo bền vững và điều phối cấp nhà nước trong dài hạn.

Tham gia phiên buổi chiều, các đại biểu được nghe các báo cáo về lồng ghép SDGs trong Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường quan hệ đối tác công – tư, xây dựng nguồn vốn con người, thúc đẩy đột phá khoa học và công nghệ, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ tới, cũng như vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững.

Nguyễn Tuân

Từ khóa: Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững VCCI Kinh tế tư nhân Phát triển bền vững

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/phat-trien-ben-vung-2019-khoi-thong-nguon-luc-kinh-te-tu-nhan-post312716.info