Phát triển bền vững nghề đón 'lộc trời'

Bài cuối:
QUY HOẠCH GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

BPO - “Người dân khi làm hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng nhà ở, nhưng quá trình xây dựng các hộ dân lại cải tạo phù hợp với nhà yến, gắn âm thanh để dẫn dụ yến về. Hệ thống âm thanh dẫn dụ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nhưng thành phố đã phối hợp Trung tâm quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và quy định giờ mở. Hiện các hộ dân đã chấp hành khá tốt” - Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài Vũ Văn Mười nêu thực trạng về xây dựng và quản lý hộ nuôi chim yến trên địa bàn.

Có gây ô nhiễm môi trường?

Tại tổ 5B, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài, dù có rất nhiều nhà yến nhưng khu dân cư nơi đây khá yên bình, bởi thời gian, cường độ âm thanh của loa dẫn dụ yến được đảm bảo, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân xung quanh. Bà Ngô Thị Hoa, nhà ở khu vực này cho biết, các hộ nuôi chim yến đều thống nhất mở loa đúng quy định nên không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân xung quanh. Ngoài tiếng loa dụ thì theo bà Hoa, việc nuôi chim yến không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Tổ 3, khu phố 5, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cũng có nhiều hộ nuôi chim yến. Tuy nhiên, các hộ đảm bảo khung thời gian quy định nên không ảnh hưởng nhiều đến các hộ bên cạnh. Bà Đoàn Thị Phượng, hộ nuôi chim yến nhiều năm nay cho biết, muốn ổn định phát triển lâu dài thì tuyệt đối không để ồn ào, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của người dân xung quanh. Đối với loa dẫn dụ, ngoài phát theo khung giờ quy định, không nhất thiết phải mở thật to. Mở loa to là điều hoàn toàn không đúng mà cường độ âm thanh, tần sóng luôn vừa phải, đúng quy định.

Công ty TNHH MTV yến sào Nam Phú ở khu phố 1, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành đã có sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020

Công ty TNHH MTV yến sào Nam Phú ở khu phố 1, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành đã có sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020

Cũng theo kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi chim yến, ngoài chấp hành về cường độ âm thanh thì vào chập tối, khoảng 18 giờ 30 phút nên tắt loa dụ, bởi lúc đó chim đã về hết nên mở loa không còn tác dụng. “Tiếng loa dẫn dụ chim yến có ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra tần suất âm thanh đều đạt tiêu chuẩn quy định” - Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài Vũ Văn Mười khẳng định.

Trên địa bàn thị xã Chơn Thành, nhiều nhà yến xây dựng trong khu vực đông dân cư nên ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân từ tiếng loa dẫn dụ. Song hiện nhiều hộ đã ứng dụng kỹ thuật tăng cường độ sóng âm dẫn dụ, không còn mở âm lượng quá lớn. Trên thực tế, UBND các xã, phường thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở các hộ có nhà yến trong khu dân cư vệ sinh, nâng cấp hoặc chuyển đổi thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến đảm bảo quy định (có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA), điều chỉnh thời gian phát loa dẫn dụ từ 5 giờ đến 11 giờ 30 phút và từ 13 giờ 30 phút đến 19 giờ mỗi ngày, tránh hoạt động vào giờ cao điểm.

Gia đình ông Đinh Văn Sơn, khu phố 10, phường Hưng Long trồng cây ăn trái kết hợp xây hơn 10 nhà dẫn dụ nuôi yến và được xem là hộ có quy mô lớn, khép kín trong vườn nhà tại Chơn Thành

Gia đình ông Đinh Văn Sơn, khu phố 10, phường Hưng Long trồng cây ăn trái kết hợp xây hơn 10 nhà dẫn dụ nuôi yến và được xem là hộ có quy mô lớn, khép kín trong vườn nhà tại Chơn Thành

Nghề dẫn dụ nuôi chim yến không đúng quy hoạch có phát sinh hay lây nhiễm dịch bệnh không? Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Văn Phương cho biết: Yến là loài chim hoang dã và ở nước ta chỉ mới dừng lại việc làm nhà dẫn dụ chim yến về trú ngụ, làm tổ, chưa thực hiện việc quản lý và nhân giống. Và do tự phát trong khu dân cư, đô thị nên chủ yếu gây tiếng ồn do âm thanh của loa dẫn dụ. Chim yến có thể mắc một số bệnh chung như trên gia cầm nhưng đến nay chưa có số liệu và thực tế ở Bình Phước chưa xảy ra dịch đối với chim yến. Tuy nhiên, trong quá trình dẫn dụ nuôi chim yến phải chú ý giám sát điều kiện vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh.

Cần quản lý chặt chẽ

Ngày 22-7-2013, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Tuy nhiên, các quy định còn khá sơ lược, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi chim yến. Sau khi có Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, công tác quản lý về nuôi chim yến được quan tâm và đã quy định cụ thể hơn. Thời gian qua, tỉnh Bình Phước chưa ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn (theo điểm a, khoản 1, Điều 25, Nghị định số 13/2020/NĐ-CP). Đây là một trong những khó khăn cho các địa phương khi thực hiện kiểm tra và quản lý về hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn.

Chia sẻ về giải pháp quản lý hiệu quả nghề nuôi chim yến trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chơn Thành Dương Hoài Pha cho biết, trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, trật tự xây dựng và quản lý sử dụng đất, UBND thị xã đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên các lĩnh vực này, trong đó có việc xây dựng nhà yến. Đặc biệt, từ khi thành lập thị xã và các phường trực thuộc, UBND thị xã đã chỉ đạo phòng quản lý đô thị và UBND các xã, phường thực hiện nghiêm quản lý về trật tự xây dựng, nhất là cấp phép xây dựng công trình nhà ở, kiên quyết không cho xây mới nhà dẫn dụ chim yến trong khu dân cư và không được cải tạo, cơi nới các nhà yến hiện có. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân có nhà yến, khai thác, sơ chế, bảo quản thực hiện đầy đủ quy định hiện hành. Thường xuyên kiểm tra hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn, kịp thời xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Loa dẫn dụ chim yến là tác nhân gây tiếng ồn trong khu dân cư cần được quản lý chặt chẽ

Loa dẫn dụ chim yến là tác nhân gây tiếng ồn trong khu dân cư cần được quản lý chặt chẽ

“Đa số nhà yến trên địa bàn là cải tạo, nâng cấp từ nhà ở được cấp phép xây dựng và thành phố đã kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chuyển đổi công năng này. Thành phố đặc biệt quan tâm đến các giải pháp, bởi là đô thị trẻ và đang trên đà phát triển, các khu đô thị mới mọc lên nên nhà yến không thể cho xây mới. Hiện thành phố đang nghiên cứu, phối hợp với Sở NN&PTNT xem xét việc quy hoạch vùng nuôi chim yến trình UBND tỉnh nhưng không ấn định mà phải phù hợp thổ nhưỡng, địa lý và môi trường” - Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Xoài Vũ Văn Mười nêu giải pháp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phương cho biết thêm: Theo Luật Chăn nuôi năm 2020, chim yến là đối tượng phải quản lý. Hiện nay, các bộ, ngành Trung ương đang triển khai xây dựng các quy trình, quy chuẩn về sản xuất, phát triển và các địa phương cũng đang quy hoạch vùng nuôi chim yến. Việc các hộ cải tạo, cơi nới nhà ở hoặc từ các công trình khác thành nhà dẫn dụ chim yến là tự phát, không đúng quy định của pháp luật. Để thực hiện công tác quản lý nhà yến theo quy định của Luật Chăn nuôi và Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Trong đó, quy định rõ “vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài quy hoạch đất khu dân cư, đất quốc phòng, đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời đảm bảo khoảng cách từ nhà yến đến khu dân cư tối thiểu 300m”. Đối với những nhà yến hoạt động trước ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới và tuân thủ các quy định hiện hành.

“Việc quy hoạch vùng nuôi chim yến sẽ giúp công tác quản lý nhà yến, các hoạt động liên quan đến dẫn dụ cũng như những yếu tố về môi trường được chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời đây cũng là cơ sở để cấp phép, truy xuất nguồn gốc, điều kiện để sản phẩm đạt yêu cầu về xuất khẩu”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT
TRẦN VĂN PHƯƠNG

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/146352/phat-trien-ben-vung-nghe-don-loc-troi