Phát triển bền vững nhưng không đánh đổi bằng mọi giá, để lại hệ lụy

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, trong nông nghiệp hiện đại, cần nâng liên kết từ 4 nhà lên 5, thậm chí 6 nhà: Từ nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nay có thêm nhà ngân hàng, nhà xuất khẩu. Nhưng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn là cốt lõi.

 Không chỉ tăng về chuỗi giá trị, ngành gỗ đang tăng cả uy tín, thượng hiệu trên thị trường quốc tế. Ảnh: Kh.V

Không chỉ tăng về chuỗi giá trị, ngành gỗ đang tăng cả uy tín, thượng hiệu trên thị trường quốc tế. Ảnh: Kh.V

Doanh nghiệp, doanh nhân là cốt lõi

Tại "Hội thảo Thương mại Mỹ - Trung và cơ hội cho ngành gỗ về phát triển ngành gỗ" vừa được tổ chức, Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đã nhấn mạnh vấn đề trên và khẳng định đây là chủ trương phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước.

“Lần đầu tiên nhà nước chúng ta có quy định về việc nhà nước sẽ hình thành hệ thống kiểm soát Gỗ hợp pháp theo thông lệ quốc tế. Đây là chủ trương phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước. Mỗi người dân Việt Nam, mỗi DN đều thấu hiểu tuyên ngôn của Thủ tướng là chúng ta phát triển nhưng không đánh đổi kinh tế, làm thất thoát tài nguyên môi trường bằng mọi giá, không để hệ lụy cho thế hệ mai sau”-Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, Chính phủ đã chỉ đạo chủ trương dừng khai thác rừng tự nhiên và chủ trương này được toàn dân và các DN thực hiện nghiêm túc. Chính phủ cũng đã có quy định về những chính sách hỗ trợ của nhà nước, trong đó có hẳn một chương về chính sách đối với lâm nghiệp, chủ yếu tập trung vào những chính sách về xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Phát triển thị trường chủ yếu và trước hết là các DN và hiệp hội, nhưng nhà nước đồng hành, nhà nước tạo môi trường, tạo điều kiện. Ví dụ như tổ chức các chuyến đi tiếp thị quốc tế, tham gia các hội chợ quốc tế và tổ chức Hội chợ…

Bộ NNPTNT sẽ xây dựng 3 Nghị định và 7 Thông tư (đã có Nghị định được ban hành-PV), tất cả các Nghị định, Thông tư triển khai sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, sẽ là chế bảo đảm cho người làm ăn đúng pháp luật sẽ có lợi hơn, sẽ có điều kiện để phát triển hơn. Những người làm ăn sai trái, vi phạm pháp luật sẽ phải chịu chế tài nặng hơn trước.

“Hiệp định VPA đó là đối tác tự nguyện thực hiện Chương trình Quản trị rừng và thực thi pháp luật về lâm nghiệp-Hiệp định về đối tác tự nguyện về FLEGT thể hiện chúng ta cam kết cùng với đối tác để nâng cao tầm của mình lên, kể cả DN kể cả quản trị. Nếu chúng ta không quản lý được nguồn gốc gỗ lâm sản, chúng ta sẽ không chơi với ai, không bán cho ai được… Đấy là những yêu cầu bắt buộc chúng ta phải làm, không thể dễ dãi trong việc quản lý”-Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.

Theo ông Nguyễn Chiến Thắng-Chủ tịch Scansia Pacific-một DN chuyên chế biến, XK gỗ, trong bối cảnh mới của thế giới, thương mại Mỹ Trung cùng song phương hiệp định EVFTA, CPTPP được đồng loạt triển khai vào đầu năm 2019, sẽ là cơ hội vàng những hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam sẽ rất mạnh và lớn trong thời gian tới, đòi hỏi DN trong ngành phải có những chiến lược mới bởi lợi thế con người khi đó sẽ không còn là của riêng DN Việt.

Kh.V

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/phat-trien-ben-vung-nhung-khong-danh-doi-bang-moi-gia-de-lai-he-luy-645813.ldo