Phát triển bền vững

Tại Hội nghị về phát triển bền vững năm 2018 diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phát triển bền vững là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi cá nhân.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch.

Thủ tướng nhìn nhận phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi, mà ẩn sau đó là cả những nội hàm rất sâu sắc xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức. Nói cách khác để phát triển bền vững là một quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của sự phát triển.

Các chuyên gia chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế, là tăng thu nhập quốc dân trên đầu người. Tuy nhiên, thước đo này về tăng trưởng kinh tế đã có nhiều hạn chế. Đó là trường hợp các nước dù mức thu nhập bình quân đầu người như nhau, nhưng chất lượng sống của người dân lại rất khác nhau. Dù có mức tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người khá cao, nhưng vẫn có nhưng nhóm người trong xã hội không được hưởng lợi thành quả từ tăng trưởng.

Năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thay thế 8 Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ bằng 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) với 168 chỉ tiêu cụ thể. Từ đó, các quan điểm về phát triển bền vững bắt đầu được mở rộng ra và mang tính bao trùm lớn hơn, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại là được sống trong hòa bình, phát triển xanh, môi trường sống trong sạch, bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, không còn chiến tranh và đói nghèo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây chính là khát vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam,

Nhìn lại hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam đã được chú ý xây dựng trên 3 trụ cột gồm bền vững kinh tế, bền vững xã hội, và bền vững môi trường.

Những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 19-2018/NQ-CP. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Cùng với đó là hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỉ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Tin rằng với những nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của xã hội và sự ủng hộ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững cùng Chương trình Nghị sự 2030 với những kết quả tốt nhất, đặc biệt trong bối cảnh tối ưu hóa mọi thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.

Bảo Dân

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/phat-trien-ben-vung-266228.html