Phát triển BHXH trong khu vực lao động phi chính thức có khả thi?

Nhiều băn khoăn việc cải cách chính sách BHXH, trong đó có mục tiêu gia tăng người tham gia BHXH có hiệu quả như kỳ vọng?

Với mục tiêu tăng nhanh độ bao phủ BHXH, thời gian qua, ngành BHXH đã triển khai nhiều giải pháp thu hút người lao động tham gia BHXH. 35 triệu lao động trong khu vực phi chính thức là khu vực tiềm năng khai thác cho loại hình BHXH tự nguyện.

Thế nhưng suốt 10 năm qua, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp. Đến thời điểm này chỉ có hơn 240 nghìn người và chủ yếu là những người đã đóng BHXH bắt buộc, tiếp tục tham gia đủ năm để được hưởng lương hưu. Nhiều người băn khoăn, việc cải cách chính sách BHXH, trong đó có mục tiêu gia tăng người tham gia BHXH có hiệu quả như kỳ vọng?

Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có hơn 50 triệu người thuộc độ tuổi lao động, trong đó chỉ có gần 15 triệu người tham gia chính sách BHXH và phần lớn thuộc nhóm có quan hệ lao động. Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light) cho biết, hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH, chiếm tới gần 98%. Chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,8% đóng BHXH tự nguyện. Điều này dễ dẫn đến tình trạng người lao động không có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhất là khi hết độ tuổi lao động.

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Giang nói: “Trong những khảo sát của chúng tôi thấy rằng, khá nhiều người lao động họ tiếp cận loại hình bảo hiểm nhân thọ, là loại hình bảo hiểm thương mại. Bảo hiểm thương mại đó, rõ ràng họ phải chi trả cho cả một hệ thống thương mại có kinh doanh, có lợi nhuận. Vậy tại sao BHXH của chúng ta được nhà nước hỗ trợ, có rất nhiều thuận lợi như vậy và không phải là kinh doanh, thương mại mà họ lại không hiểu được, không tiếp cận được. Chúng tôi cho rằng đây chính là cái thách thức lớn nhất trong việc thu hút người lao động tham gia BHXH”.

Như vậy có thể thấy, những nỗ lực để đưa chính sách BHXH đến khu vực phi chính thức chưa thành công.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trải qua rất nhiều giai đoạn thực hiện chính sách BHXH, đến nay, mới có 15 triệu người tham gia BHXH, chiếm 29% lực lượng lao động. Con số 35 triệu người lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức chính là nguồn lực dồi dào để mở rộng diện bao phủ BHXH. Nhưng tại sao không thu hút được lực lượng này tham gia? Có nhiều nguyên nhân như thu nhập không ổn định, khả năng chi trả, hiểu biết của người dân chưa đầy đủ, chưa thấy hết quyền lợi khi tham gia loại hình BHXH…Mặc dù từ đầu năm nay, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người lao động khu vực phi chính thức với các mức từ 10% đến 30% tùy từng đối tượng. Tuy nhiên, việc chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất khiến cho người dân không mặn mà tham gia.

Do đó, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Nhà nước cần thiết kế các chế độ bảo đảm công bằng trong việc hưởng chính sách cho người tham gia. Có thể hình thành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí, tăng thêm chế độ hưởng lợi cũng như sự linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng.

Ông Bùi Sỹ Lợi-Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội.

Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích: “BHXH nên theo hình thức nhà nước hỗ trợ hay trợ cấp cho BHXH người già mà hiện đang hưởng. Thứ hai là BHXH bao gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện để chúng ta mở rộng và bao phủ toàn diện BHXH toàn dân. Thứ ba là chúng ta có cả chính sách bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Người có điều kiện đóng cao hơn thì khi về hưu có lương cao hơn. Đây chính là sự linh hoạt và nó kết nối giữa các loại hình BHXH cho toàn dân”.

Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, việc cải cách chính sách BHXH từ đơn tầng sang đa tầng sẽ tạo ra cơ hội để nhiều người dân tham gia. Nghị quyết số 28 của Trung ương đã điều chỉnh các mục tiêu, phấn đấu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 là 45% và đến năm 2030 là 60%”. Phát triển đối tượng tham gia BHXH trong khu vực không có quan hệ lao động là giải pháp đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy nhanh nhưng gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Minh, để tiếp cận nhóm lao động này, trước tiên phải cho họ thấy việc tham gia được thuận tiện, linh hoạt về mức đóng và thời gian đóng. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ một phần để người lao động cảm thấy yên tâm hơn. Trong đó, tập trung vào các giải pháp để người lao động được tham gia đầy đủ chính sách BHXH, BHYT, BHTN, tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện theo quy định của pháp luật.

“Chúng ta không thể cầu toàn, bởi vì ngay khi tham gia mà được hưởng như khu vực chính thức thì chưa thể thực hiện được. Chúng tôi cũng sẽ tham gia với Đảng và Nhà nước về thực hiện chính sách, tạo ra một tầng đế thật vững. Đế vững thì phải rộng và mức đóng có thể là thấp và có sự hỗ trợ của Nhà nước. Chúng ta cũng phải tuyên truyền, giải thích cho người ta hiểu rõ là Nhà nước quan tâm đến họ và họ cảm thấy không phải dựa hoàn toàn vào xã hội hay con cháu”.

Để làm chuyển biến nhận thức và thu hút người dân tham gia BHXH là điều không dễ nhưng cần phải làm. Người dân tham gia vào hệ thống BHXH không chỉ là quyền mà còn trách nhiệm đối với xã hội. Nếu chính sách linh hoạt hơn, tuyên truyền tốt hơn, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thì có thể tiệm cận được những mục tiêu mà Nghị quyết 28 đề ra./.

Kim Thanh/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/phat-trien-bhxh-trong-khu-vuc-lao-dong-phi-chinh-thuc-co-kha-thi-801532.vov