Phát triển các mô hình 'chợ 4.0'

Tại chợ du lịch Phố Mới (thành phố Lào Cai), nhiều ki-ốt bán hàng đã đặt mã QR để người tiêu dùng có thể thanh toán không dùng tiền mặt. Sau khi tham quan, lựa chọn được một số mặt hàng thời trang, chị Mai Thị Ngọc Linh - du khách đến từ Nam Định - chọn cách quét mã QR để thanh toán. Chị Linh cho biết: Tôi đi du lịch Lào Cai. Vì di chuyển nhiều chặng và nhiều hành lý nên tôi hạn chế mang theo nhiều tiền mặt. Khi qua đây thấy gắn biển “Chợ 4.0”, tôi ghé vào mua hàng. Các cửa hàng ở đây đều có thể quét mã hoặc chuyển khoản thanh toán, rất tiện lợi.

Khách hàng quét mã QR để thanh toán khi mua sắm tại chợ Nguyễn Du.

Khách hàng quét mã QR để thanh toán khi mua sắm tại chợ Nguyễn Du.

Tại thành phố Lào Cai, không chỉ chợ du lịch Phố Mới, hầu hết cửa hàng tại các chợ Kim Tân, Nguyễn Du, Cốc Lếu… cũng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt bằng hình thức quét mã QR hoặc chuyển khoản. Chị Nguyễn Thị Thu Nhiên, chủ một cửa hàng kinh doanh tại chợ Nguyễn Du cho biết: Nhiều người tiêu dùng đi mua sắm, đặc biệt là khách hàng trẻ thường chọn thanh toán không dùng tiền mặt. Các đơn vị cung ứng dịch vụ QR Pay hoặc các ngân hàng cũng kích cầu bằng cách phát hành các mã giảm giá cho người tiêu dùng khi thanh toán. Thanh toán bằng các ứng dụng không chỉ thuận tiện mà còn tiết kiệm chi phí.

Khách mua sắm có thể quét mã thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều ki-ốt của các chợ 4.0.

Không chỉ ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống ở các địa phương từ vùng thấp đến vùng cao cũng bắt kịp xu thế “4.0” khi tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Những chủ cửa hàng thông thạo công nghệ thông tin còn mở rộng lượng khách hàng của mình thông qua các hình thức bán hàng trực tuyến để tương tác, bán hàng cho những người tiêu dùng không có thời gian đi mua sắm tại chợ.

Anh Trần Hải Linh, tiểu thương chợ Sa Pa (thị xã Sa Pa) cho biết, dù ở Sa Pa nhưng chỉ cần có internet là có thể kết nối với khách hàng khắp nơi. Anh thường kinh doanh các mặt hàng qua kênh Shopee, Facebook. Việc tiếp cận và tương tác với khách hàng cũng dễ dàng, giúp lượng hàng bán ra nhiều hơn so với chỉ kinh doanh thông thường tại chợ như trước đây.

Tiểu thương tại chợ Sa Pa livestream bán hàng online cho khách hàng trên internet.

Được biết, có hơn 90% tiểu thương tại chợ Sa Pa áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, nhiều tiểu thương cũng bắt kịp xu thế trong “kỷ nguyên công nghệ số”, sử dụng các tiện ích của mạng xã hội phục vụ bán hàng. Thời gian tới, thị xã Sa Pa tiếp tục tuyên truyền, vận động tiểu thương kinh doanh ở các chợ đa dạng các hình thức bán hàng, đặc biệt là chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch mua, bán.

Ông Triệu Thiết Nghĩa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động tiểu thương đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào kinh doanh, đặc biệt trong việc đưa các loại hàng hóa của Sa Pa lên sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để thuận tiện hơn cho người dân và du khách trong mua sắm, mang lại những trải nghiệm tốt hơn, tiện lợi hơn khi đến Sa Pa.

Xây dựng mô hình “chợ 4.0” là cách mà nhiều chợ truyền thống đang hướng đến. Đây cũng là điều kiện để các tiểu thương có thể cạnh tranh với nhiều hình thức bán hàng trên không gian mạng. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của ngành chức năng, giúp tiểu thương và người dân tiếp cận nhiều tiện ích hiện đại, thúc đẩy hoạt động dịch vụ phù hợp với thời đại công nghệ số.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365469-phat-trien-cac-mo-hinh-cho-40