Phát triển các mô hình nông, lâm, thủy sản ở Liệp Tè

Những năm qua, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, nhân rộng các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La của HTX nuôi trồng thủy sản Liệp Tè.

Liệp Tè có 15 bản, 938 hộ với 4.356 nhân khẩu; trong đó hộ nghèo có 571 hộ (chiếm 60,8%), hộ cận nghèo 131 hộ (chiếm 13,97%); xã có 2 dân tộc Thái và La Ha sinh sống. Cùng với tận dụng đất ven triền đồi để sản xuất, xã quan tâm triển khai các chương trình hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La, chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng, chăn nuôi gia cầm tại các trang trại... Hiện nay, toàn xã có 432 hộ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ 14 tỷ 313 triệu đồng; 96 hộ vay nguồn vốn Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn với dư nợ 11 tỷ 200 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo trong xã đã có vốn đầu tư các mô hình kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Từng là hộ nghèo của xã, gia đình ông Quàng Văn Hùng, bản Ban Xa được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 30 triệu đồng từ năm 2018, thời hạn cho vay 5 năm, đầu tư mua một con trâu sinh sản và đàn lợn giống 5 con; trồng cỏ voi nuôi trâu. Sau mỗi lứa lợn xuất chuồng, gia đình dùng tiền làm vốn quay vòng đầu tư lứa tiếp theo và nuôi thêm ngan, vịt. Ông Hùng cho biết: Năm 2020, gia đình tôi tiếp tục được hỗ trợ vay 30 triệu đồng để làm 5 lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La và trồng cây ăn quả. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã xuất bán được gần 1 tấn cá chép, trắm đen, lăng đen ra thị trường, thu gần 80 triệu đồng. Trồng hơn 2 ha xoài, nhãn dọc bờ sông Đà đang phát triển tốt.

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Liệp Tè tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư gắn với chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, phòng chống hạn. Toàn xã đã chuyển đổi hơn 333 ha diện tích ngô, sắn sang trồng cây ăn quả, gồm 233 ha xoài, 100 ha nhãn; các diện tích xoài trồng năm 2017 và 2018 đến nay đã cho thu hoạch 400 tấn xoài được bán ra thị trường.

Tận dụng lợi thế địa hình của xã có lòng hồ thủy điện Sơn La, các bản có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn dồi dào, xã chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi gia súc nhốt chuồng, gia cầm tại các trang trại, nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, đàn trâu có trên 390 con; đàn bò gần 1.950 con; đàn dê 749 con, lợn 347 con; đàn gia cầm gần 15.000 con. Duy trì nuôi gần 700 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La, trong đó Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Liệp Tè có 43 hộ tham gia liên kết với tổng số 322 lồng cá. Từ đầu năm đến nay, sản lượng cá thương phẩm xuất bán ra thị trường đạt gần 40 tấn.

Phong trào trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cũng được chú trọng chỉ đạo. Xã đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát việc sản xuất nương rẫy theo chỉ giới, bảo vệ tốt 2.740 ha rừng hiện còn. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm với việc tuyên truyền luật bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR ở các cụm bản, ký cam kết với các bản và từng gia đình. Hiện đã có 15 bản, 938 hộ tham gia ký cam kết thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp.

Ông Quàng Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã Liệp Tè, cho biết: Xã tiếp tục huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cây trồng vật nuôi; chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La; hướng dẫn người dân chăm sóc cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, chăm sóc các cành ghép mắt để cây phát triển tốt. Duy trì và phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm hiện có gắn liền với công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh đúng định kỳ, chủ động dự trữ nguồn thức ăn, gia cố chuồng trại để giữ ấm cho đàn gia súc trong mùa đông...

Với việc phát huy nội lực của người dân trong phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất hàng hóa, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn để lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện gia đình và địa phương. Liệp Tè đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất phù hợp, người dân có thu nhập ổn định, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-cac-mo-hinh-nong-lam-thuy-san-o-liep-te-45276