Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn

Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, người nông dân cần cù, chịu khó, cùng kinh nghiệm canh tác lâu đời, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển vùng sản xuất rau an toàn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từ đó góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Năm 2023, diện tích rau toàn tỉnh đạt 15 nghìn ha, năng suất đạt 165,6 tạ/ha, sản lượng đạt 247,8 nghìn tấn. Tư duy, nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, diện tích các vùng sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị được mở rộng. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 24 vùng sản xuất rau an toàn tập trung với tổng diện tích 430ha, phát triển 20 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng rau an toàn theo chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm ổn định cho hệ thống các siêu thị lớn như: Go, Co.opmart, Winmart...

Hội viên HTX nông nghiệp Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ thu hoạch hành lá

Làng Phú Lợi, phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ là vùng chuyên canh rau, củ, quả lâu đời nhất tại thị xã. Trước đây, người dân chủ yếu trồng theo phương thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng đến chất lượng nên giá trị sản phẩm chưa cao. Năm 2012, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Trường Thịnh được thành lập, từ đó người dân được HTX liên kết tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sơ chế rau sau thu hoạch đúng quy trình nên chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, đồng thời tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp ổn định đầu ra.

Ông Vũ Xuân Phượng - Giám đốc HTX nông nghiệp Trường Thịnh cho biết: Hiện nay, HTX có 50 hộ thành viên tham gia liên kết sản xuất với tổng diện tích 40ha trong đó có 8ha trồng rau an toàn, có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là cà chua và rau cải ngọt.

Sơ chế rau tại HTX Rau an toàn Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, các tiêu chuẩn chất lượng an toàn trong sản xuất ngày càng được quan tâm. Toàn tỉnh, hiện có 11,2 nghìn ha áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) chiếm 75% tổng diện tích, trong đó diện tích được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn đạt trên 200ha, thực hiện cấp và quản lý 50 mã số vùng trồng rau với diện tích 150ha, đảm bảo truy suất nguồn gốc sản phẩm, một số sản phẩm xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu như: Bí xanh Hạ Hòa, rau an toàn Tứ Xã, Hương Nộn, Tu Vũ..., có 21 sản phẩm rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên.

Xã Tứ Xã là một trong những địa phương có diện tích sản xuất rau khá lớn trên địa bàn huyện Lâm Thao. Hiện xã có 6 hợp tác xã, doanh nghiệp hợp tác, liên kết, bao tiêu sản phẩm, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Rau được người dân thu hoạch vào sáng sớm và chiều muộn, sau đó được chuyển về khu sơ chế của HTX và doanh nghiệp để tiến hành sơ chế, đóng gói, dán tem, nhãn mác trước khi cung cấp ra thị trường và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Đồng chí Bùi Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hàng năm, UBND xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện... và các HTX, doanh nghiệp tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức giúp người dân cập nhật mới các thông tin, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn... Hiện xã Tứ Xã có 3 sản phẩm rau an toàn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Người dân xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao thu hoạch dưa chuột.

Mặc dù, hiệu quả sản xuất rau ngày càng được cải thiện, nâng cao theo hướng hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn như: Quy mô sản xuất còn nhỏ, thiếu liên kết, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ ổn định theo chuỗi, việc liên kết giữa phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến thiếu chặt chẽ, diện tích được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn còn thấp; năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ còn khó khăn.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu diện tích rau toàn tỉnh đạt khoảng 15,5 nghìn ha, năng suất rau bình quân đạt 167,1 tạ/ha, sản lượng đạt 259 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Hình thành 150 vùng trồng tập trung với diện tích 890ha, 100% diện tích vùng trồng tập trung, sản xuất rau đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, được cấp mã số vùng trồng. Thu hút phát triển thêm khoảng 9-10 HTX, Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, tỷ lệ sản phẩm được liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 30%....

Để tập trung phát triển các vùng sản xuất rau an toàn theo hướng bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030, trong đó ưu tiên phát triển các giống rau đặc sản, bản địa, sản xuất theo hướng hữu cơ, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, chế biến nâng cao năng lực và kỹ năng tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng, tiếp cận thị trường, thông tin về sản phẩm; thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau trong nước và hướng tới xuất khẩu, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Vy An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/phat-trien-cac-vung-san-xuat-rau-an-toan/209193.htm