Phát triển cây dược liệu gắn với du lịch ở Hợp tác xã Lũng Lô

Hợp tác xã (HTX) Lũng Lô nằm trên địa bàn xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn hiện có 12 thành viên, chủ yếu tập trung vào trồng cây dược liệu. Việc trồng và phát triển cây dược liệu ở địa phương vừa góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo vệ môi trường sinh thái vừa góp phần bảo tồn nguồn dược liệu quý.

Cán bộ Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên trao đổi người dân địa phương về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây Hà Thủ ô

>> Yên Bái bảo tồn, phát triển vùng dược liệu

Nằm ở vị trí có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, đến nay HTX Lũng Lô, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đang duy trì 20 ha cây dược liệu các loại như: Hà thủ ô, Đương quy, Kim ngân hoa... Sản phẩm làm ra đến đâu được thu hái, sơ chế và xuất bán ngay đến đó, duy trì sự ổn định cho các thành viên HTX, tạo công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Sầm Văn Nưa - Phó Giám đốc HTX Lũng Lô cho biết: "Chúng tôi tập huấn cho tất cả cán bộ công nhân viên tư vấn đề chuẩn bị đất, trồng và chăm sóc, toàn bộ bằng thủ công chứ không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. HTX cũng đã liên kết với một số các công ty dược trong tỉnh, ngoài tỉnh để xuất hàng".

Theo ông Nưa, từ năm 2018, Hợp tác xã bắt đầu tiến hành trồng thử phạm vi nhỏ một số loại cây dược liệu để theo dõi khả năng sinh trưởng, đánh giá chất lượng sản phẩm. Về cơ bản, các loại sản phẩm là cây bản địa có sức sống tốt, chất lượng đạt tiêu chuẩn theo Dược điển Việt Nam.

Năm 2019, HTX đã cùng với 6 hộ dân trồng thử 2 ha Hoài sơn theo quy trình hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giống dược liệu Hà Nội. Năm 2020, sau quá trình thử nghiệm, HTX đã cùng với 25 hộ dân trồng 5 ha Hy thiêm theo dự án Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm dược liệu.

Qua hơn 1 năm triển khai, dự án đã mở ra cơ hội phát triển vùng trồng dược liệu tại địa phương. Trong quá trình thực hiện dự án, các thành viên Hợp tác xã luôn theo dõi thị trường, bám sát các chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu, trồng thử nghiệm và nhân rộng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường ở từng thời kỳ.

Các cây trồng đều là cây phù hợp với thời tiết, khí hậu, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia theo tinh thần lấy cộng đồng làm nòng cốt, tạo chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả và tận dụng tối đa mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Do nhu cầu của thị trường tăng lên, cần mở thêm diện tích vùng trồng dược liệu, HTX Lũng Lô tích cực tuyên truyền, vận động thành viên HTX, bà con nhân dân trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô, trồng lúa và những cây có ít giá trị kinh tế sang trồng dược liệu. Cùng với đó, HTX tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các loại cây dược liệu mới, đồng thời mở rộng diện tích các cây dược liệu đang có triển vọng.

>> Văn Chấn phát triển vùng dược liệu

Để bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm dược liệu của thành viên HTX và bà con nhân dân, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần Dược liệu Ninh Hiệp, Công ty cổ phần Dược liệu Sơn Tùng và một số công ty sản xuất và phân phối khác. HTX cũng phấn đấu xuất khẩu được sản phẩm dược liệu sang thị trường nước ngoài trong những năm tới.

Là thành viên tham gia Hợp tác xã từ những ngày đầu mới thành lập, anh Hoàng Quang Diệp cho biết: "HTX đã tạo được việc làm thường xuyên cho người lao động. Ngoài ra, chúng tôi còn được tham đầy đủ các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Từ khi tham gia vào HTX, thu nhập và cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn trước”.

Mặc dù đã có những kết quả khả quan, song HTX Lũng Lô cũng còn gặp không ít khó khăn do vùng trồng nguyên liệu rộng, địa hình đồi núi đi lại khó khăn nên việc vận chuyển nguyên liệu về xưởng chế biến mất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, HTX rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về kết cấu hạ tầng (đường vào khu sản xuất), hỗ trợ về vốn, máy móc, trang thiết bị để chế biến những sản phẩm hàng hóa dược liệu có chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân.

Cùng với đó, để bảo vệ rừng, duy trì nguồn nước đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái và khai thác hợp lý dưới tán rừng, HTX Lũng Lô đề nghị chính quyền các cấp và các sở, ngành chức năng cho HTX được nhận, bảo vệ và khai thác dưới tán rừng quanh khu vực HTX với diện tích 100 ha gắn với giữ gìn khu vực Di tích lịch sử cấp quốc gia Đèo Lũng Lô.

Ông Nưa chia sẻ: "HTX đang thực hiện quy hoạch lại vùng phát triển dược liệu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Du khách đến với HTX sẽ được trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cây dược liệu, được tham gia chế biến các món ăn từ cây dược liệu và tham quan Khu di tích lịch sử Đèo Lũng Lô huyền thoại".

Được biết, HTX cũng đang lên kế hoạch triển khai làm 3 nhà nghỉ homestay kết hợp với dịch vụ tắm lá thuốc để thu hút du khách nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.

Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/301954/phat-trien-cay-duoc-lieu-gan-voi-du-lich-o-hop-tac-xa-lung-lo.aspx