Phát triển cây dược liệu ở Mường Chà

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm gần đây, huyện Mường Chà đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, trong đó chú trọng hỗ trợ, hướng dẫn người dân tham gia liên kết trong sản xuất, đưa cây dược liệu vào trồng thử nghiệm ở một số xã vùng cao.

Cán bộ HTX 7/5 kiểm tra mô hình cây dược liệu tại bản Thèn Pả.

Năm 2019, sau khi khảo sát địa hình, khí hậu thổ nhưỡng tại xã Ma Thì Hồ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Chà triển khai mô hình trồng sả java trên diện tích 10ha tại bản Huổi Chua với sự tham gia của 10 hộ dân. Thời điểm ấy, mô hình đã nhận được sự đồng tình của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Mùa A Dơ, Chủ tịch UBND xã Ma Thì Hồ cho biết: Sau gần 4 năm triển khai, điều mà xã rất yên tâm đó là cây sả đã phù hợp thổ nhưỡng nơi đây. Theo tính toán, một năm, loại sả này có thể cho thu hoạch khoảng 3 lần, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với những cây trồng như lúa nương, sắn, chít. Từ hiệu quả của mô hình, đến nay, xã đang tiếp tục vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời xem đây là hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo của xã.

Cũng như cây sả, quế cũng là một loại cây dược liệu mà mấy năm gần đây huyện Mường Chà đang triển khai trồng tại một số xã có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, như: Huổi Lèng, Na Sang, Sá Tổng, Mường Tùng... Đến nay, toàn huyện đã có gần 165ha. Trong đó, có 1 dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm quế theo Quyết định 45/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh với 82,1ha; 23ha trồng theo dự án phát triển lâm nghiệp bền vững; 58ha còn lại do người dân trồng.

Anh Sùng A Măng, Bí thư Đảng ủy xã Sá Tổng cho biết: Với giá bán từ 3 - 5 nghìn đồng/kg lá, cành tươi; 35 - 40 nghìn đồng/kg vỏ tươi, theo tính toán, trừ chi phí ban đầu 0,1ha quế sẽ có lãi hơn 10 triệu đồng. Như vậy, việc chuyển đổi những diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng quế là chủ trương phù hợp với tình hình thực tiễn tại xã Sá Tổng nói riêng và một số xã theo dự án của tỉnh nói chung.

Nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, cùng với sả và quế; đầu năm 2023, nhận thấy bản Thèn Pả, xã Sa Lông nằm ở thung lũng khá rộng, sở hữu gần 20ha đất nông nghiệp tương đối bằng phẳng, thời tiết, khí hậu mát mẻ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với UBND xã Sa Lông, người dân bản Thèn Pả liên kết với Hợp tác xã Công nghệ cao Phú Mỹ Xanh, Hợp tác xã 7/5 triển khai mô hình trồng 12ha khoai tây xuất khẩu, 2ha cây dược liệu (sâm ngọc linh, sâm Lai Châu, đẳng sâm, cát sâm) tại bản Thèn Pả. Dù mới thực hiện, các loại cây trồng tại đây đều đang sinh trưởng tốt. Ông Phạm Công Thành, Chủ nhiệm Hợp tác xã 7/5 cho biết: Mới triển khai chưa lâu song chúng tôi nhận thấy vùng đất này có điều kiện phù hợp để phát triển cây dược liệu. Đây cũng là tín hiệu tích cực để có thể nhân rộng thành vùng nguyên liệu; góp phần vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một chủ trương lớn, là nội dung quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án, từ năm 2019 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà đã và đang hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp cũng như đưa một số giống cây trồng mới vào sản xuất, trong đó có các loại cây dược liệu. Với những thành công bước đầu của các mô hình, có thể thấy, đây sẽ là hướng đi phù hợp để người dân trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ông Trần Đức Cương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà cho biết: Với sự định hướng và giúp đỡ của các cấp, các ngành, lĩnh vực nông nghiệp của huyện những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Huyện cũng tin tưởng và kỳ vọng nhiều giống cây trồng mới được đưa vào sẽ giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/205804/phat-trien-cay-duoc-lieu-o-muong-cha