Phát triển cây quế theo hướng bền vững ở Lào Cai

Tỉnh Lào Cai đã quy hoạch vùng trồng cây quế và hệ thống các cơ sở chế biến trên địa bàn tỉnh với quy mô đạt 25.000 ha đến năm 2025.

Chăm sóc vườn quế giống ở huyện Văn Bàn (Lào Cai). Ảnh: HM

Cây quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, ở cây trưởng thành có thể cao trên 15m. Toàn bộ thân, cành, rễ và lá của cây quế đều có thể chưng cất tinh dầu, làm thuốc, làm gia vị. Cây quế sau 6 - 7 năm trồng có thể khai thác bóc vỏ. Vỏ quế là nguồn đặc sản xuất khẩu có giá trị. Gỗ quế có màu nâu nhạt, thớ thẳng, mịn, có thể dùng đóng đồ gia dụng, làm nhà.

Từ trực trạng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, đến hết năm 2017, diện tích trồng cây quế toàn tỉnh đạt 25.211 ha, đạt 100,8% so với quy hoạch đến năm 2025. Trong đó: huyện Văn Bàn có 4.783,5 ha đạt 108,7%; huyện Bảo Yên có 8.901,3 ha đạt 114,1%; huyện Bảo Thắng có 4.950 ha đạt 90%; và huyện Bắc Hà có 6.577 ha đạt 90,1%.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất kinh doanh giống, vườn ươm và 54,6 ha rừng giống quế chuyển hóa, khối lượng hạt giống quế trung bình hàng năm thu được dao động từ 15-20 tấn hạt, đảm bảo nhu cầu giống trồng rừng trên địa bàn tỉnh và cung cấp một phần cho các tỉnh lân cận. Chủ yếu là giống quế lá nhỏ, dầy lá được khách hàng tiêu thụ ưa chuộng.

Theo tính toán của các chuyên gia, ước tính tổng giá trị kinh tế trên diện tích trồng 01 ha quế (15 năm) đạt 580 triệu đồng từ việc tỉa thưa sẽ thu cành, lá, vỏ; từ việc khai thác năm cuối thu cành, lá, vỏ, thân gỗ; ngoài ra còn các sản phẩm phụ như hạt giống, viên nén sinh học. Lợi nhuận trung bình người dân trồng quế thu được ước tính mỗi năm đạt 38,7 triệu đồng/ha/năm, cao gấp hơn 2 lần so với trồng cây gỗ khác (mỡ, keo).

Đến nay, diện tích khai thác cây quế hàng năm toàn tỉnh bình quân khoảng 300 ha, tỉa thưa 200 ha sản phẩm. Qua đó đạt khoảng 921 tấn vỏ quế khô; 11.000 tấn cành, lá quế; 20 tấn hạt quế; 160 tấn tinh dầu quế; 9.210 m3 gỗ quế, ngoài ra các sản phẩm tận dụng được dùng để sản xuất viên nén. Với giá thị trường hiện tại thì tổng giá trị từ quế của tỉnh ước đạt 200 tỷ đồng/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh dầu quế chủ yếu tại Trung Quốc, Ấn Độ, một số nước Trung đông và một phần nhỏ sang Mỹ, Anh, Tây Ban Nha.

Trên cơ sở diện tích trồng quế hiện có, việc có các nhà máy cũng như cơ sở chế biến tinh dầu là rất cần thiết để đảm bảo đầu ra cho cây quế. Với hơn 20 cơ sở chế biến tinh dầu thủ công và 03 nhà máy chế biến tinh dầu đang hoạt động, đó là Công ty Techvina tại xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng với công suất 40 tấn sản phẩm/năm, Công ty TNHH chế biến nông sản xuất khẩu Sơn Hải tại xã Tân Dương, huyện Bảo Yên với công suất 40 tấn sản phẩm/năm, Xưởng sơ chế nông sản An Nghiệp - tại Km 23 QL 70, xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng, với công suất 39 tấn sản phẩm/năm, 01 nhà máy đang trong quá trình xây dựng tại khu Công nghiệp Phố Ràng, huyện Bảo Yên với công suất 40 tấn sản phẩm/năm (dự kiến đi vào hoạt động trong quý III/2018) và hơn 40 cơ sở thu mua cành, lá, vỏ quế hoạt động thường xuyên cơ bản đã đáp ứng đầu ra cho sản phẩm của cây quế trong giai đoạn hiện nay.

Về chế biến vỏ quế, hiện tại mới chỉ có 01 cơ sở ở huyện Bảo Thắng thu mua và chế biến. Thực tế sản phẩm quế vỏ được thu mua chủ yếu bởi các tư thương, đại lý nhỏ thu mua quế bán cho các công ty tại Hà Nội và Yên Bái, với diện tích khai thác trung bình trên 300ha/năm. Đây là một thị trường mới, với nguồn lợi nhuận lớn, trong thời gian tới rất cần địa phương xây dựng chính sách kêu gọi đầu tư, phát triển sơ chế vỏ quế và thủ công mỹ nghệ từ cây quế trên địa bàn tỉnh.

Đến phát triển bền vững

Theo đánh giá của cơ quan chuyên ngành, chất lượng cây quế giống ở Lào Cai nói riêng và Việt Nam nói chung chưa đạt yêu cầu so với các nước có vùng trồng quế trên thế giới, bởi hàm lượng tinh dầu chưa cao nên tạo ra các sản phẩm cạnh tranh với sản phẩm quế của Trung Quốc, Syngenta… Công tác quản lý giống tại các địa phương trong vùng quy hoạch chưa chặt chẽ, còn để xảy ra tình trạng người dân mua giống không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc tiêu thụ sản phẩm quế (vỏ, lá) phụ thuộc nhiều vào thương lái, chưa hình thành hiệp hội người sản xuất quế.

Tỉnh Lào Cai nằm trong vùng trồng quế lớn của cả nước và đã trở thành vùng quế tiềm năng. Song thực tế cho thấy, công tác quản lý quy hoạch của các địa phương chưa tốt dẫn tới tình trạng người dân trồng quế ồ ạt không theo quy hoạch; dẫn đến nguy cơ vượt quy hoạch, khó kiểm soát. Điều đó cũng dẫn đến hệ lụy phá vỡ sự cân bằng cung - cầu của thị trường quế; giá quế sụt giảm gây thiệt hại về kinh tế cho người trồng quế; gây khó khăn cho công tác quản lý, phát triển kinh tế xã - hội tại địa phương. Hơn nữa, nếu trồng quế tập trung với diện tích lớn dễ dẫn tới nguy cơ về sâu, bệnh hại, sự cạnh tranh về thị trường tiêu thụ và người dân bị ép giá. Đây là vấn đề cấp bách trong việc quản lý quy hoạch quế.

Tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, quế Lào Cai trở thành sản phẩm quế quốc gia. Bởi vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay, địa phương cần rà soát, bổ sung mở rộng vùng quy hoạch trồng quế; quản lý tốt quy hoạch vùng trồng cây quế và phát triển hệ thống các cơ sở chế biến quế trên địa bàn tỉnh. Tăng cường tuyên truyền vận động người dân trồng quế đúng trong vùng quy hoạch.

Thực tế cho thấy, đón hướng đi cho cây quế trở thành hàng hóa và góp phần cây quế phát triển bền vững ở Lào Cai, được sự hỗ trợ của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), Công ty cổ phần Techvina đã liên kết với các nhóm nông dân tại xã Nậm Đét - huyện Bắc Hà xây dựng chuỗi liên kết, chuẩn bị các điều kiện để đạt chứng chỉ Hữu cơ quốc tế. Tháng 5/2016 Công ty cổ phần Techvina đã có báo cáo gửi tổ chức ACT Thái Lan (Organic Agriculture Certification Thailand) để xin cấp chứng chỉ quế hữu cơ nằm trên địa bàn 05 thôn, xã Nậm Đét, thuộc quản lý của 216 hộ gia đình với diện tích 400 ha đã cho thu hoạch vỏ quế, tuy nhiên đến nay vẫn đang trong quá trình xem xét hồ sơ. Đây là hướng đi đúng cho cây quế, rất cần các địa phương có vùng trồng quế trong tỉnh phát triển mở rộng sản xuất quế hữu cơ trên địa bàn tỉnh để sản phẩm quế đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ, xây dựng thương hiệu “Quế hữu cơ tỉnh Lào Cai”; tiến tới thành lập Hiệp hội quế Lào Cai và các nhóm nông dân trồng quế làm cầu nối và tạo sự công bằng cho quyền lợi của người dân trồng quế và các doanh nghiệp chế biến quế.

Bên cạnh đó, việc chế biến các sản phẩm từ quế cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chú trọng chất lượng, chiết xuất tinh dầu quế tinh với hàm lượng tinh dầu cao, năng suất chất lượng tốt. Tăng cường gắn kết 4 nhà: Nhà nước – nhà nông- nhà kinh doanh – nhà khoa học tạo môi trường trao đổi thông tin minh bạch; đào tạo người dân cùng sản xuất quế hữu cơ và xây dựng chứng chỉ hữu cơ cho sản phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm từ cây quế; xây dựng các hợp tác xã thu mua sản phẩm quế để đảm bảo ổn định đầu ra cho cây quế và xây dựng mô hình phát triển vùng trồng quế gắn với du lịch cộng đồng./.

Nguyễn Thị Hồng Minh

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/phat-trien-cay-que-theo-huong-ben-vung-o-lao-cai-487694.html