Phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học và bền vững

Ngày 15-5, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 5850/UBND-NN về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học và bền vững.

Ảnh minh họa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tổng đàn lợn dao động từ 1 triệu đến 1,2 triệu con, đang được nuôi ở 122.889 hộ gia đình, 3.608 gia trại, 736 trang trại và 31 doanh nghiệp; trong đó, đàn lợn giống ngoại hướng nạc chiếm khoảng 38%, đàn lợn lai chiếm khoảng 52%, các giống lợn địa phương chiếm khoảng 10%. Hệ thống giống lợn ngoại những năm qua đã từng bước được tăng cường, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 cơ sở nuôi giữ đàn lợn nái ngoại cấp giống ông bà với số lượng gần 2.000 con, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, hàng năm sản xuất khoảng 11.500 lợn cái ngoại hậu bị cấp bố mẹ, cung cấp con giống cho người dân trong tỉnh theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia; đàn lợn nái lai, nái nội các hộ đang lai tạo, chọn lọc tại địa phương; đàn lợn được sinh ra từ đàn bố mẹ đều được nuôi thương phẩm, giết thịt, đến nay không còn tình trạng sử dụng lợn thương phẩm vào nuôi sinh sản trong nhân dân.

Trong thời gian qua, dịch bệnh động vật nói chung và bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nói riêng trên địa bàn cả nước và tỉnh ta diễn biến phức tạp; cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, bảo vệ đàn lợn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ động triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh, cũng như chưa có vắc-xin và thuốc phòng trị, đến ngày 14-5-2019, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 345 hộ của 141 thôn, 71 xã, 14 huyện, gồm: Yên Định, Thiệu Hóa, Đông Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Ngọc Lặc, Bá Thước, Nông cống và TP Thanh Hóa, buộc phải tiêu hủy 5.988 con lợn, với trọng lượng 378.442 kg; nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao và nghiêm trọng nếu các cấp ủy đảng, chính quyền, người chăn nuôi không quyết liệt trong thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khống chế.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng trên, để thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn sinh học và phát triển chăn nuôi một cách bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi tập trung áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên sát trùng, tiêu độc và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ các hoạt động thu mua, buôn bán và vận chuyển lợn trên địa bàn. Tập trung tuyên truyền đến các cơ sở chăn nuôi (cả chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại) phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học một cách đồng bộ, hiệu quả và không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi ở các khâu (con giống, chuồng trại, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi; thức ăn, nước uống và dinh dưỡng; chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh thú y và quản lý dịch bệnh; xử lý môi trường).

Trong thời gian chưa công bố hết bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, các cơ sở chăn nuôi chưa vội nhập đàn, tái đàn. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, các huyện chủ động rà soát, thống kê chăn nuôi lợn để có kế hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi lợn phù hợp với địa phương, theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, (bao gồm: chăn nuôi lợn ngoại hướng nạc, lợn lai, lợn sữa thuộc nhóm con nuôi đặc sản), đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng theo phân khúc thị trường tiêu thụ, gắn với bảo vệ môi trường chăn nuôi và an toàn thực phẩm. Chỉ đạo khẩn trương để xây dựng các trang trại, khu trang trại chăn nuôi lợn tập trung đủ điều kiện cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nhất là các trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn; khuyến cáo đến các chủ trang trại nâng cấp, sửa chữa hệ thống chuồng trại, hạ tầng chăn nuôi lợn và có biện pháp xử lý chất thải hữu hiệu như xây rãnh thu gom xử lý chất thải, hệ thống hầm biogas, hố lắng lọc, ao hồ sinh học, hồ điều hòa, máy tách phân, trồng cây xanh,... thực hiện quy trình xử lý mầm bệnh, ký sinh trùng có trong phân, nước tiểu, chất thải của lợn bằng các biện pháp sinh học, hóa học hoặc ủ nhiệt, tạo cảnh quan sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe vật nuôi và cộng đồng.

Khuyến cáo các trang trại chăn nuôi lợn chủ động từ khâu con giống đầu vào đến nuôi thương phẩm, tạo sản phẩm đầu ra. Trường hợp trang trại phải mua lợn giống từ bên ngoài cần thực hiện nghiêm túc về chất luợng, nguồn gốc xuất xứ lợn và bắt buộc phải có bàn công bố tiêu chuẩn chất lượng giống của cơ sở sản xuất cung ứng giống kèm theo, được chứng nhận an toàn dịch bệnh, vận chuyển trên xe tải chuyên dụng đã khử trùng sạch sẽ và phải nuôi cách ly theo dõi, nếu an toàn lợn mới được nhập trại.

Duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị; chú trọng và gắn kết giữa các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, ổn định thị trường. Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm thịt lợn từ các cơ sở sản xuất, cung ứng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Hướng dẫn các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, tận dụng thức ăn dư thừa, không đủ tiềm lực xây dựng chuồng trại, không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y và phòng, chống dịch bệnh gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, sức khỏe vật nuôi và cộng đồng, hiệu quả chăn nuôi lợn thấp nên từng bước chuyển đổi sang ngành nghề khác phù hợp như chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi trâu, bò để vừa đảm bảo sinh kế, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phòng tránh bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tránh thiệt hại đến kinh tế hộ và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Tập trung hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã được tiêu hủy và tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chăn nuôi, không nên tiếp tục chăn nuôi lợn mà chuyển sang chăn nuôi các loại vật nuôi khác như chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi trâu, bò hoặc để trống chuồng trại một thời gian đủ dài để cắt đứt mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường để dịch bệnh không bị tái nhiễm trên đàn lợn mới tái đàn.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giống lợn và thức ăn chăn nuôi, tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh buôn bán, thu mua, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn và thức ăn chăn nuôi theo đúng các quy định hiện hành của pháp luật, nhất là quy định của Luật Thú y về phòng, chống dịch bệnh động vật. Áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, sản lượng; quản trị tốt hoạt động kinh doanh của đơn vị để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, giảm giá thành đáp ứng nhu cầu người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở chăn nuôi hiện nay đang lưu giữ đàn lợn nái ngoại sinh sản cả phẩm cấp giống ông bà và phẩm cấp giống bố mẹ cần thực hiện tốt nhất quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý dịch bệnh để bảo vệ đàn lợn giống. Đây là nguồn cung lợn giống hậu bị sinh sản cũng như nguồn lợn giống nuôi thương phẩm cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh sau khi công bố hết dịch, giúp người chăn nuôi có đàn lợn giống đảm bảo chất lượng, giảm chi phí vận chuyển, giá thành phù hợp, tránh khan hiếm nguồn cung lợn giống, ổn định thị trường. Các cơ sở sản xuất cung ứng thức ăn chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt và trực tiếp hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi lợn khi nhập thức ăn phải thực hiện việc phun hóa chất tiêu độc, khử trùng cho người và phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi bên ngoài hàng rào trang trại; đồng thời, sử dụng lao động, xe chuyên chở của trang trại đã được phun hóa chất tiêu độc, khử trùng để vận chuyển thức ăn từ bên ngoài hàng rào trang trại vào trong trang trại, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh do mua bán, vận chuyển, sử dụng thức ăn chăn nuôi.

Đối với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc thông tin, tuyên truyền với nội dung xác thực, tần suất, hình ảnh phù hợp để vừa bảo đảm công tác chống dịch có hiệu quả, vừa bảo vệ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc buôn bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn và thức ăn chăn nuôi.

Thành lập các Đoàn công tác liên ngành do các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và các bệnh lây từ động vật sang người tỉnh đến từng huyện, thị xã, thành phố để chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển thị trường cho sản phẩm chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng ở các địa phương; khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng thực phẩm từ nguồn cung thịt lợn trong nước, cân đối số lượng thực phẩm sử dụng phù hợp giữa sản phẩm thịt lợn và các sản phẩm gia súc, gia cầm khác, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, nhằm ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn trên địa bàn cả trước mắt và lâu dài.

Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn trực tiếp ký kết với các trang trại, hộ chăn nuôi trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra thông qua các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp với nông dân. Tăng cường mạnh mẽ thực hiện giải pháp về giết mổ, chế biến và thị trường tiêu thụ; các điểm giết mổ nhỏ lẻ, phân tán cần tập trung lại; tổ chức lại hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm theo chuỗi khép kín, tìm kiếm khai thác thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào giết mổ công nghiệp tập trung để khai thác thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư bên ngoài vào phát triển chăn nuôi theo quy mô lớn, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm hảng hóa và tiến tới xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi.

Khuyến khích, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi theo mô hình các chuỗi liên kết, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ sản xuất - giết mổ - chế biến - tiêu thụ, nhất là chế biến, bảo quản thịt lợn cấp đông và chế biến sâu tạo các sản phẩm từ thịt lợn (xúc xích, răm bông, lạp xưởng, ruốc, nem, giò, chả...) để tiêu thụ và ổn định thị trường.

Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các hợp tác xã chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội trang trại, câu lạc bộ chăn nuôi,... để trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật mới, thông tin giá cả thị trường; khuyến khích hình thức chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, uy tín, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các trang trại nhỏ hơn để ổn định đầu tư. Chỉ đạo, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.

BĐT

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-chan-nuoi-lon-theo-chuoi-gia-tri-dam-bao-an-toan-sinh-hoc-va-ben-vung/101080.htm