Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) là phương thức chăn nuôi bao gồm hệ thống biện pháp tổ chức quản lý và kỹ thuật chăn nuôi thú y bảo đảm cho vật nuôi phát triển bình thường. Đồng thời, cách ly được với các vi khuẩn, virus và các tác nhân sinh vật gây bệnh khác để có sản phẩm con giống, nguồn thực phẩm sạch bệnh.

Trang trại chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của HTX Hán – Sơn – Dương, xã Giao Thiện (Lang Chánh).

Với phương pháp chăn nuôi theo hệ thống khép kín, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, nên việc phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH được xác định là giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi, nhất là trong thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp. Vì thế, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất theo phương thức này.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, như: Chi cục Thú y, trung tâm khuyến nông lập danh sách các bước kiểm soát ATSH và khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn dư thừa để chăn nuôi. Phối hợp với chính quyền các địa phương tập huấn cho các chủ hộ chăn nuôi về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ATSH. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn xuống các hộ dân để trực tiếp hướng dẫn thực hiện các quy trình chăn nuôi theo hướng ATSH.

Thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH mà các sở, ngành, địa phương đã và đang thực hiện, nhiều hộ dân đã có cơ hội tiếp cận với phương thức chăn nuôi tiên tiến, nâng cao kỹ thuật và kiến thức chăn nuôi. Sau khi được tiếp cận và tìm hiểu những lợi ích về phương thức chăn nuôi mới, đã có nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và đã gặt hái được kết quả xứng đáng. Đơn cử như: Gia đình anh Lê Hoàng Thu, xã Quý Lộc (Yên Định). Trước đây, việc chăn nuôi của gia đình anh được thực hiện theo phương thức nuôi nhốt thông thường, nên con giống, thức ăn, dịch bệnh và kỹ thuật chăm sóc con nuôi đều không có sự kiểm soát. Vì vậy, đàn vật nuôi thường xuyên bị bệnh, chi phí cho các loại thuốc điều trị cao, con nuôi chậm lớn, nên hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, từ năm 2017, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện Yên Định, gia đình anh Thu đã đầu tư xây dựng chuồng trại; đồng thời, ứng dụng phương pháp ATSH vào quá trình chăn nuôi. Theo đó, khu chuồng chăn nuôi của gia đình anh được xử lý nền lên men sinh học, con giống được tuyển chọn kỹ từ các cơ sở sản xuất giống uy tín, chất lượng, quy trình chăn nuôi được tuân thủ nghiêm ngặt, như: Trước khi xuất bán 1 tháng, đàn vật nuôi được sử dụng thức ăn từ ngô, lúa lên men sinh học nhằm bảo đảm không còn tồn dư thức ăn công nghiệp trong cơ thể con nuôi. Sử dụng kháng sinh thực vật thay cho các loại thuốc kháng sinh tổng hợp; đồng thời, định kỳ thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại... Từ khi áp dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng ATSH, anh nhận thấy con nuôi có sức đề kháng cao, hạn chế nhiễm các loại dịch bệnh, nên chi phí kháng sinh giảm khoảng 30%, chi phí thức ăn giảm khoảng 10 đến 15%, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Do đó, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 15% so với chăn nuôi theo phương pháp thông thường.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ chứng minh được hiệu quả về kinh tế và phòng, chống dịch bệnh nên phương pháp chăn nuôi theo hướng ATSH ngày càng được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng. Theo thống kê bước đầu từ các địa phương, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 90.000 hộ chăn nuôi đang thực hiện chăn nuôi theo hướng ATSH. Nhằm phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngày 15-5-2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 5850/UBND-NN về giải pháp phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị, bảo đảm ATSH và bền vững. Đây là căn cứ quan trọng để các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, nhất là trong thời điểm các loại dịch bệnh nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng đang diễn biến phức tạp.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-an-toan-sinh-hoc/104267.htm