Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 41 trang trại chăn nuôi các loại. Trong đó: 16 trang trại nuôi lợn; 14 trang trại gia cầm; 9 trang trại nuôi trâu, bò và 2 trang trại nuôi dê. Một số trang trại được đầu tư quy mô lớn, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng công nghệ tiên tiến, tăng nhanh số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Người dân xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) chăm sóc đàn gia súc nuôi tập trung.

Doanh nghiệp Tư nhân thương mại Huy Toan sở hữu một trong những trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất tỉnh, khép kín từ khâu chuẩn bị giống đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trang trại nuôi hơn 90 con lợn nái và 2.000 con lợn thịt, cung cấp sản phẩm thịt lợn cho các công ty lớn tại các tỉnh phía Bắc. Ðại diện Doanh nghiệp tư nhân thương mại Huy Toan cho biết: Ngay từ đầu, doanh nghiệp đã xác định đầu tư theo hướng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao với hệ thống chuồng trại hiện đại, ứng dụng công nghệ ép tách phân bảo vệ môi trường, quy trình chăn nuôi công nghiệp khép kín. Do đó, đàn lợn luôn được bảo vệ an toàn, sinh trưởng phát triển đúng quy trình và sản phẩm chăn nuôi luôn đảm bảo chất lượng.

Mấy năm gần đây, bản Nà Lơi (xã Thanh Minh, TP. Ðiện Biên Phủ) trở thành vùng chăn nuôi gà thịt trọng điểm của thành phố. Hiện nay, bản có 10 hộ chăn nuôi gà theo mô hình trang trại với quy mô khoảng 1.500 con gà thịt/hộ.

Ông Nguyễn Văn Chiến, chủ một trang trại gà thịt, bản Nà Lơi cho biết: Trước đây, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, phục vụ gia đình là chính, sản phẩm bán ra rất ít. Sau này nhận thấy địa bàn có tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi, cùng với đó nhu cầu thị trường lớn nên các hộ dân mở rộng quy mô chăn nuôi. Ðến nay, sản lượng gà cung cấp ra thị trường khoảng 4 - 5 tấn gà thịt/hộ/năm. Ngoài gà thịt, chúng tôi còn cung cấp: Gà giống, trứng gà… Nhận thức được việc chăn nuôi quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến môi trường nên các hộ chăn nuôi đều đầu tư và ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học, đã được cơ quan chuyên môn thẩm định, đánh giá đảm bảo thân thiện với môi trường.

Tỉnh ta có tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc, tuy nhiên không phải hộ dân nào cũng có thể đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại. Do đó vài năm gần đây, từng nhóm hộ hoặc cả bản đã quy hoạch khu vực chăn thả gia súc, chăn nuôi tập trung và phân công nhau chăm sóc, bảo vệ. Ðiển hình cho hình thức chăn nuôi tập thể này là xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên); Si Pa Phìn, Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ); Sín Thầu, Sen Thượng (huyện Mường Nhé).

Ðẩy mạnh chăn nuôi tập trung đã góp phần nâng tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) toàn tỉnh ước đạt 525.256 con. Trong đó, đàn trâu 136.496 con; đàn bò 80.743 con; đàn lợn 308.017 con; đàn dê 68.867 con và 4.445.120 con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại ước đạt 15.546,08 tấn. Sản lượng thịt trâu, bò, dê xuất bán ngoại tỉnh khoảng trên 500 tấn/năm.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Những năm qua, chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại gắn với bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, phát triển chăn nuôi của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. 2 năm gần đây, tỉnh ta chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn lợn giảm đáng kể. Bên cạnh đó, một số chính sách phát triển chăn nuôi do tỉnh ban hành chưa có kinh phí để tổ chức thực hiện. Do đó để phát triển chăn nuôi tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới Sở sẽ tích cực triển khai thực thi Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành và thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại thân thiện với môi trường; hỗ trợ liên kết sản xuất chăn nuôi hữu cơ. Tăng cường kiểm soát phòng chống dịch bệnh và quản lý chặt chẽ việc sử dụng các chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; phát triển các giống đặc sản, chăn nuôi hữu cơ tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Sở cũng chỉ đạo các địa phương kiên quyết di dời, loại bỏ những cơ sở chăn nuôi trong khu vực đông dân cư, không phù hợp với quy hoạch; cương quyết xử lý vi phạm đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186455/phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-tap-trung-ben-vung