Phát triển con nuôi đặc sản đáp ứng nhu cầu của thị trường

Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong việc tìm kiếm, tiêu thụ các sản phẩm từ con nuôi đặc sản, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, phát triển mô hình nuôi con đặc sản nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Đàn lợn rừng được nuôi tại hộ gia đình anh Trịnh Đình Tư, thôn 2, xã Yên Ninh (Yên Định).

Những nhà hàng, khách sạn trưng biển quảng cáo kinh doanh các loại thực phẩm, như: Gà đồi, lợn rừng, vịt trời, cá trắm đen... không phải hiếm và những sản phẩm từ con nuôi đặc sản đã và đang trở thành thực đơn chủ lực của nhiều nhà hàng. Anh Trịnh Văn Lực, quản lý nhà hàng Đồng Xanh, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), cho biết: “Đa phần khách đến với nhà hàng đều lựa chọn những loại thực phẩm sạch, thuộc hàng đặc sản. Dù giá cả có đắt hơn so với những sản phẩm khác song sản phẩm con nuôi đặc sản có nguồn gốc bản địa như: Lợn mán, gà đồi, gà mía, vịt Cổ Lũng, cá lăng... vẫn được khách hàng lựa chọn”. Nắm bắt được tâm lý đó, các nhà hàng kinh doanh ẩm thực đều tìm kiếm, liên kết với những hộ chăn nuôi đặc sản để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ kinh doanh. Đây cũng chính là cơ hội để các địa phương, hộ chăn nuôi có thể liên kết tiêu thụ bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm con nuôi đặc sản.

Trên địa bàn tỉnh ta, nhiều địa phương nổi lên với những mô hình nuôi con đặc sản hiệu quả kinh tế cao, như: Xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa) với sản phẩm ba ba, rùa câm; xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) với sản phẩm đà điểu; hàng trăm hộ nông dân ở các huyện Thạch Thành, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Tĩnh Gia, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa với mô hình nuôi nhím... Theo đánh giá của các hộ chăn nuôi, việc phát triển con nuôi đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần những loại con nuôi khác. Song, nếu phát triển mô hình nuôi con đặc sản tự phát, không có liên kết với thị trường tiêu thụ sản phẩm thì hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Chính vì vậy, những năm gần đây, cùng với việc phát triển quy mô đàn, hầu hết các hộ chăn nuôi đều chú trọng liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm con nuôi đặc sản.

Theo giới thiệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định, chúng tôi tìm đến gia đình ông Trịnh Đình Tư, thôn 2, xã Yên Ninh, một trong những hộ đầu tiên phát triển đàn lợn rừng và con nuôi đặc sản tại địa phương. Năm 2012, sau khi tìm hiểu nhận thấy lợn rừng là con nuôi có khả năng thích nghi tốt, ít nhiễm bệnh, nguồn thức ăn tự nhiên đa dạng và có thị trường tiêu thụ lớn, gia đình anh đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để nhập giống lợn rừng từ các tỉnh Gia Lai, Hòa Bình về nuôi. Sau nhiều năm gắn bó với giống con nuôi này, anh Tư đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tìm kiếm được mối liên kết tiêu thụ ổn định nên hằng năm gia đình anh đều phát triển đàn lợn rừng từ 250 đến 300 con. Sản lượng lợn rừng xuất chuồng đạt khoảng 13 tấn/năm, lợi nhuận đạt 150-200 triệu đồng. Từ thành công của mô hình nuôi lợn rừng của gia đình anh Trịnh Đình Tư, tại địa phương đã có nhiều hộ dân phát triển loại con nuôi này và mở rộng ra nhiều đối tượng con nuôi khác, như: Ba ba, thỏ, gà ri, gà Đông Tảo... Theo thống kê của UBND xã Yên Ninh, toàn xã có 10 hộ dân tham gia nuôi các con nuôi đặc sản với doanh thu trung bình từ 120 đến 150 triệu đồng/hộ/năm.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020 xác định con nuôi đặc sản là 1 trong 7 sản phẩm vật nuôi chủ lực của tỉnh, theo đó nhiều địa phương đã xây dựng những chính sách hỗ trợ phát triển con nuôi đặc sản nguồn gốc bản địa, như: Huyện Bá Thước với sản phẩm vịt Cổ Lũng; huyện Như Xuân với sản phẩm vịt bầu Thanh Quân, gà đồi... Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 10-2019, đàn lợn cỏ, lợn mán, lợn rừng trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 12.300 con; gà ri 486.000 con; đàn vịt Cổ Lũng, vịt bầu, vịt cỏ 47.500 con... và có hơn 1.000 hộ dân được đăng ký cấp phép nuôi các con nuôi đặc sản, như: Ba ba, rùa câm, nhím... với tổng số hơn 20.000 cá thể. Tuy nhiên, một số người dân chưa chú trọng đến liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, để duy trì, bảo tồn nguồn gen của các loại vật nuôi có nguồn gốc bản địa và phát triển bền vững đối tượng con nuôi đặc sản, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển đối tượng con nuôi đặc sản theo định hướng và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, phát triển con nuôi đặc sản quy mô lớn theo định hướng thị trường.

Bài và ảnh: Thanh Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-con-nuoi-dac-san-dap-ung-nhu-cau-cua-thi-truong/110369.htm