Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong các KCN, KKT

Cụ thể hóa Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, hiện các KCN, KKT của Quảng Ninh đang tập trung thu hút đầu tư những dự án chất lượng, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm có giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Sản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (KCN Cái Lân, TP Hạ Long).

Nền móng vững chắc

Xây dựng, phát triển các KCN, KKT theo hướng bền vững, đảm bảo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được Quảng Ninh xác định từ rất sớm và được Chính phủ phê duyệt 11 KCN, 5 KKT với tổng diện tích quy hoạch trên 368.000ha, phân bố ở 11/13 địa phương của tỉnh.

Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đã bám sát những định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước triển khai đồng bộ các biện pháp xúc tiến, thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế có tiềm lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN, đầu tư nhà xưởng sản xuất. Qua quá trình thu hút đầu tư, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 10 KCN được lập, phê duyệt quy hoạch và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư gần 2 tỷ USD; 5 KKT của tỉnh đã và đang đồng loạt triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hấp dẫn, thu hút hàng trăm nhà đầu tư đến nghiên cứu, đồng thời triển khai thực hiện các dự án.

Doanh thu từ hoạt động sản xuất vải của Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang Việt Nam năm 2020 đạt trên 33 triệu USD.

Tại KCN Cảng biển Hải Hà, một trong những KCN được tỉnh xác định là trọng điểm, với ngành công nghiệp dệt may là mũi nhọn, được Tập đoàn Texhong vừa triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, vừa xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Sau 6 năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đến nay KCN Cảng biển Hải Hà đã thu hút được 17 dự án của nhà đầu tư thứ cấp. Toàn bộ các dự án này đều là chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may và phụ trợ dệt may với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư trên 1 tỷ USD.

Một số dự án hiện đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu lớn và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động được kể đến như: Nhà máy nhuộm Texhong Khánh Nghiệp Việt Nam; chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may Texhong Ngân Hà; nhà máy dệt may của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt; dự án sản xuất khăn tắm, khăn mặt Đại Đông Việt Nam…

Ông Fu Qi Gang, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam (chủ đầu tư hạ tầng KCN Cảng biển Hải Hà), cho biết: Trên tinh thần chủ trương, định hướng của tỉnh Quảng Ninh và căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đơn vị đã tích cực huy động và góp vốn để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Hiện chúng tôi đã hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật khoảng 340/410ha đất sạch, với tổng nguồn vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, chiếm gần 49% tổng vốn đầu tư đã đăng ký. Qua quá trình đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp cho thấy, doanh thu hằng năm của các doanh nghiệp này không ngừng tăng. Nếu như năm 2018, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN Cảng biển Hải Hà đạt trên 460 triệu USD, thì đến năm 2020 đạt trên 655 triệu USD.

Cùng với KCN Cảng biển Hải Hà, hiện KCN Đông Mai của tỉnh cũng đã thu hút được nhiều dự án công nghiệp chế biến, chế tạo với hệ thống dây chuyền sản xuất, lắp ráp hiện đại, thân thiện môi trường. Đơn cử như Tập đoàn Foxconn đã đầu tư nhà máy sản xuất màn hình tinh thể lỏng tại KCN Đông Mai. Sau đúng 1 năm triển khai đầu tư, ngày 17/11/2020, Tập đoàn này đã sản xuất thành công lô sản phẩm đầu tiên tại nhà máy trong KCN Đông Mai và dự kiến trong năm 2021 này sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao và ti vi, với giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD, đồng thời tiếp tục nâng giá trị xuất khẩu lên 500 triệu USD, 1 tỷ USD vào những năm tiếp theo.

Sản xuất mũ xuất khẩu sang thị trường Châu Âu của Công ty TNHH Dệt may Weitai Hạ Long (KCN Việt Hưng, TP Hạ Long).

Được biết, hiện Tập đoàn Foxconn đang tiếp tục có những dự án mở rộng nâng công suất, thu hút các nhà đầu tư tạo thành chuỗi liên kết sản xuất tại KCN Đông Mai và trở thành tập đoàn hàng đầu về giá trị xuất khẩu tại Quảng Ninh.

Từ kết quả thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo trong các KCN, KKT đã góp phần gia tăng giá trị của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh từ gần 3.700 tỷ đồng (năm 2010) lên trên 20.200 tỷ đồng (năm 2020); tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP tăng từ 6,7% (năm 2010) lên khoảng 9,9% (năm 2020). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được khẳng định là một trong những ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước của tỉnh.

Động lực cho giai đoạn mới

Xác định ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tác động lớn đến quá trình phát triển bền vững của tỉnh, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 thành công, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020).

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU trong bối cảnh hiện tại là chủ trương đúng đắn, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của quốc gia, khu vực và của tỉnh, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần chiếm ưu thế trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn cầu.

Dự kiến năm 2021, Nhà máy S-Việt Nam tại KCN Đông Mai của Tập đoàn Foxconn sẽ sản xuất khoảng 1 triệu màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao và ti vi, với giá trị xuất khẩu khoảng 250 triệu USD.

Chia sẻ về định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Trong giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh phải đạt được 3 đột phá trong phát triển ngành này. Cụ thể, đột phá về thu hút tổng vốn đầu tư, tốc độ giá trị gia tăng; đột phá về tỷ trọng đóng góp vào GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và thu ngân sách địa phương; đột phá về thu hút lao động chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh phải thực hiện tốt 4 giải pháp cốt lõi, trong đó yếu tố mặt bằng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phải gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” là khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Mới đây (tháng 2/2021), Ban Quản lý KKT tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 226/KH-BQLKKT triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các KCN, KKT của tỉnh đến năm 2025. Mục tiêu được đơn vị đưa ra, đó là chú trọng thu hút có chọn lọc dự án vốn FDI có chất lượng thuộc các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; nghiên cứu, đề xuất bổ sung các KCN mới để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với hành lang giao thông trọng điểm sắp được mở ra thuộc tuyến phía Tây và phía Đông của tỉnh tại địa bàn Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái; nghiên cứu, đề xuất các đề án, cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội để tăng tính hấp dẫn, thu hút đầu tư nhằm phấn đấu đến năm 2025, các dự án ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại KCN, KKT đóng góp 70-80% của tỷ trọng 15% ngành công nghiệp chế biến, chế tạo toàn tỉnh trong GRDP và thu nộp cho ngân sách nhà nước từ 1.500-2.000 tỷ đồng/năm.

KCN Cảng biển Hải Hà thu hút 17 dự án của nhà đầu tư thứ cấp, với tổng số vốn đầu tư trên 1,2 tỷ USD. (Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm dệt may tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt).

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Nhằm đảm bảo được mục tiêu, định hướng đã xác định, hiện nay đơn vị đang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan, tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư chiến lược đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, nhất là những dự án ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo đến năm 2023 các dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động, tạo ra năng lực sản xuất mới, đóng góp hiệu quả, tích cực vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh.

Trên quan điểm chỉ đạo của tỉnh về thúc đẩy phát triển bền vững các KCN, KKT với các ngành nghề phù hợp, không tạo nên sự chồng chéo giữa các ngành nghề trong cùng một KCN, tạo cơ chế mở, hấp dẫn đối với nhà đầu tư, hiện nay, mỗi KCN, KKT của tỉnh đều được định hướng ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư. KCN Cảng biển Hải Hà được ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dệt kim, với trọng tâm là các nhà máy sản xuất, gia công các loại sợi, gia công thêu hoa các loại khăn, vải và trang phục; KCN Đông Mai ưu tiên thu hút các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, ti vi, cơ khí lắp ráp; KCN Việt Hưng giai đoạn 2 ưu tiên thu hút đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện phục vụ lắp ráp, sản xuất ô tô...

Cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh, hiện nay nhiều nhà đầu tư trong các KCN, KKT đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, lắp đặt thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo ra những sản phẩm mới có chất lượng, gia tăng tính cạnh tranh.

Với chủ trương, định hướng đúng đắn của tỉnh, cùng nền tảng vững chắc từ niềm tin và hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư, chắc chắn rằng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong các KCN, KKT sẽ tiếp tục được bứt tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững, đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định.

Mạnh Trường

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202105/phat-trien-cong-nghiep-che-bien-che-tao-trong-cac-kcn-kkt-2531271/