Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần chiến lược bài bản để thay đổi về chất

Sáng ngày 25/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố năng lực công nghiệp hỗ trợ (CNHT) lĩnh vực chế tạo hàng năm và Lễ công nhận các doanh nghiệp chế tạo tiêu biểu giai đoạn 1.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần chiến lược bài bản để thay đổi về chất "Mong muốn Việt Nam trở thành công xưởng phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ" Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cụ thể hóa chính sách - Kỳ II: Định hướng từ thực tiễn Công nghiệp hỗ trợ ô tô: Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp

Nhiều cơ hội và thách thức đặt ra đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT đã được chia sẻ tại hội thảo

Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của CNHT trong phát triển nền kinh tế, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa… ngày 22/2/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT. Ngày 3/11/2015, Chính phủ tiếp tục có Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với 6 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi, bao gồm: Dệt- may, da-giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm hỗ trợ cho công nghệ cao.

Liên quan đến chính sách phát triển CNHT, Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định “Sản xuất sản phẩm CNHT là lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên ưu đãi đầu tư tại Việt Nam”. Luật số 71/2014/QH13 cũng bổ sung các ưu đãi về Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển…

Với các chính sách hiện hành, ông Lê Hoàng Anh - đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Bộ Công Thương đã cấp 28 giấy xác nhận ưu đãi dự án sản xuất CNHT ưu tiên phát triển đã được Chính phủ quy định (các DN được ưu đãi chủ yếu vẫn là DN FDI – Việt Nam chỉ có 2 DN). Năm 2018, cũng đã có 43 đề án thuộc Chương trình phát triển CNHT (được phê duyệt tại QĐ số 68/QĐ-TTg) do 17 đơn vị chủ trì thực hiện đã được phê duyệt với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai một số chương trình dự án, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực CNHT với Nhật Bản, Hàn Quốc, Worldbank…

Theo thống kê từ Cục Công nghiệp, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu linh kiện, phụ tùng của ngành CNHT đã đạt hơn 26 tỷ USD, tăng hơn 24% so với năm 2015. Nếu tính cả ngành CNHT cho dệt may, da – giày, kim ngạch xuất khẩu CNHT của Việt Nam đạt hơn 32 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản…Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, đến nay, tỷ lệ hóa các ngành điện tử gia dụng là 30-35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy. Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô: Một số dòng xe đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao: Xe tải đến 7 tấn, tỉ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng tỉ lệ nội địa hóa đạt từ 20-50%.

Để cạnh tranh toàn cầu, DN cần chiến lược bài bản, hệ thống

Mặc dù số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT ở Việt Nam tính đến nay là khoảng hơn 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày…, tuy nhiên, theo bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) - mới có hơn 300 DN Việt Nam tham gia vào sản xuất cho các công ty, tập đoàn đa quốc gia và được công nhận, còn lại chủ yếu vẫn là các DN FDI.

“Nguyên nhân dẫn đến số lượng DN Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu còn khiêm tốn là do những “tín hiệu xấu” của DN Việt Nam đều nằm ở chính “nội tại”. Kết quả khảo sát của VASI cho thấy, năng lực tổ chức, năng lực thương mại, vốn nhân lực, năng lực hấp thụ… của nhiều DN đều đang xếp loại yếu” – bà Trương Thị Chí Bình nhấn mạnh, đồng thời nêu ví dụ: Rất nhiều DN thiếu tiêu chuẩn quản lý phù hợp, nhưng khi được mời xây dựng tiêu chuẩn, DN thẳng thắn từ chối vì sợ tốn chi phí “nuôi tiêu chuẩn”. Đến khi các công ty đa quốc gia tìm đến đặt hàng, DN lại không thể tham gia vì chưa có tiêu chuẩn!

Để khắc những bất cập, hạn chế này của các DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, tháng 5/2018, Nhóm Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Trung tâm Phát triển CNHT (thuộc Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh) đã tổ chức Chương trình Thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP). Chương trình đặt mục tiêu: hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước xuyên suốt chuỗi giá trị trong các ngành mục tiêu, cải thiện hiệu quả hoạt động để có thể đáp ứng yêu cầu của các công ty đa quốc gia về chất lượng, giá thành, giao hàng và các yêu cầu khác. Với chương trình đánh giá, đào tạo được xây dựng bài bản, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu đến từ Anh quốc, 30/45 DN được tham gia đào tạo đã được công nhận đủ điều kiện tham gia vào sản xuất chuỗi của các công ty, tập đoàn đa quốc gia.

Các DN chế tạo tiêu biểu Chương trình Thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) giai đoạn 1 nhận hoa chúc mừng

Ông Nguyễn Văn Hùng đại điện Công ty An Phú Việt - 1 trong những đơn vị được công nhận DN chế tạo tiêu biểu giai đoạn 1 - phấn khởi chia sẻ: Sau khi tham gia vào Dự án Hỗ trợ tư vấn SDP, công ty đã có những thay đổi rõ rệt về tư duy quản lý, sản xuất. Bản thân DN đã ý thức được rất rõ hiệu quả và những tác động tích cực khi DN đảm bảo được các tiêu chuẩn mà mạng lưới sản xuất toàn cầu đặt ra.

Thời gian tới, để mục tiêu phát triển công nghiệp của Việt Nam đạt như kỳ vọng, bà Trương Thị Chí Bình cho rằng: Nếu tiếp tục để các DN trong lĩnh vực CNHT hoạt động như hiện tại, DN sẽ chỉ tiến với tốc độ “con rùa”. Thay vào đó, để cạnh tranh toàn cầu, rất cần những chiến lược mang tính bài bản, hệ thống. Cụ thể như, Việt Nam có nhiều công ty đầu chuỗi tốt, Cục Công nghiệp có thể chủ động đàm phán để các công ty này “chỉ việc” cho DN Việt Nam. Cùng với đó, quan tâm hơn nữa tới việc khởi sự DN lĩnh vực chế tạo, để có thêm những DN mới, bởi nếu không đủ số lượng, năng lực, DN Việt Nam mãi mãi sẽ chỉ là người đi sau trong các cuộc chơi toàn cầu… “Có được các cam kết của các công ty đầu chuỗi, cùng sự đầu tư mạnh hơn của Chính phủ, DN sẽ có cơ hội tham gia nhiều hơn, sâu sắc hơn vào những cuộc chơi lớn hơn để từng bước thay đổi về chất. Được như vậy, tham vọng “Việt Nam” trở thành công xưởng của thế giới mới sớm có cơ hội trở thành hiện thực”.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-can-chien-luoc-bai-ban-de-thay-doi-ve-chat-113941.html