Phát triển công nghiệp ô tô: Tiếp tục 'Hoàn thiện và hỗ trợ' chính sách thuế và tài chính

Nhấn mạnh phát triển công nghiệp ô tô là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ, ngày 22/10, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo 'Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô' với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) để bàn thảo, đưa ra các kiến nghị liên quan đến chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, tài chính.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, có sự tham gia của đại diện Viện Chiến lược và chính sách tài chính-Bộ Tài chính, VAMA, VASI... Tuy nhiên, tại Hội thảo đại diện Bộ Công Thương chỉ có tham luận chứ không tham dự. Ảnh Nguyễn Hà

Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức, có sự tham gia của đại diện Viện Chiến lược và chính sách tài chính-Bộ Tài chính, VAMA, VASI... Tuy nhiên, tại Hội thảo đại diện Bộ Công Thương chỉ có tham luận chứ không tham dự. Ảnh Nguyễn Hà

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: đã có rất nhiều hội thảo bàn về chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô, 1 trong 6 ngành được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển, tuy nhiên đến nay, đây vẫn là chủ đề “nóng”, mang tính thời sự do sự cấp bách, cũng như cần thiết của vấn đề này. Bởi hiện điểm vẫn được các ngành, Hiệp hội cũng như doanh nghiệp quan tâm và cho rằng là yếu tố then chốt để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô, đó các hỗ trợ liên quan đến chính sách thuế, tài chính, hiện vẫn cần được rà soát và hoàn thiện.

Đề cập đến vấn đề này theo bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và chính sách tài chính-Bộ Tài chính thì: hiện đã và đang có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam. Trong bài tham luận của mình, bà Bình liệt kê ra hàng loạt các qui định, chính sách để chứng minh cho nhận định này. Song ngành công nghiệp ô tô qua 20 năm phát triển hiện đang còn thua xa các nước trong khu vực. Ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô được xem như “gần bằng không” khi hiện trong nước mới sản xuất được một số chi tiết giản đơn trong hơn 30-40 nghìn linh kiện lắp ráp ô tô.

Song bà Bình cũng cho rằng: các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như sản xuất ô tô nằm rải rác trong nhiều văn bản, qui định khác nhau, có sự thiếu đồng bộ trong một số chủ trương chính sách .

Đặc biệt sự thay đổi, nhanh, nhiều của chính sách thuế, đặc biệt là chính sách thuế đối với linh kiện là những vấn đề đã được đặt ra và cần sớm được giải quyết.

Sản xuất ô tô trong nước đang phát triển nhanh. Ảnh Nguyễn Hà

Đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban chính sách-VAMA, phân tích nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam mới chỉ đang đạt loanh quanh mức nội địa hóa 20%.

Theo ông Hiếu dung lượng thị trường nhỏ, vật liệu có chất lượng cao tại Việt Nam chưa có, phụ thuộc vào nhập khẩu; trình độ sản xuất thấp, thiếu kinh nghiệm quản trị…. là những điểm bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô.

Tuy nhiên vị đại diện VAMA cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ qua các lợi thế đang có sẵn như nhân công rẻ, trình độ tay nghề về sản xuất giản đơn thuần thục, nền tảng hệ thống các doanh nghiệp cơ khí đã có sẵn, tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô cao… để đẩy mạnh phát triển sản xuất phụ tùng linh kiện cho lắp ráp ô tô.

Theo ông Hiếu, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cũng đã có những cơ chế, chính sách, hoạt động để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng đầu tư sản xuất, tuy nhiên Nhà nước có những chính sách nền tảng để khắc phục các điểm bất lợi để có thể thúc đẩy nhanh nội địa hóa.

Thị trường ô tô trong nước tăng trưởng từ 10-20%/năm, nhưng hiện đang có 40% là sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc. Xe nhập khẩu (được hưởng thuế nhập khẩu 0%) đang cạnh tranh quyết liệt với xe sản xuất trong nước. Ảnh Nguyễn Hà

Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng cần sớm có những chính hỗ trợ về thuế và tài chính cụ thể để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình cho rằng: Bộ Tài chính cần rà soát lại các loại thuế; Bộ Công Thương cần rà soát Các danh mục ưu tiên trong lĩnh vực sản xuất ô tô; Cơ chế quản lý hành chính thuế, thủ tục hành chính về thuế thông thoáng, hỗ trợ tốt cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Cụ thể:

Để thu hút đầu tư cần sửa đổi các chính sách về thuế như thuế TTĐB, thuế TNDN và các ưu đãi hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện (bao gồm chính sách cho người mua)

Để thúc đẩy tăng tỉ lệ NĐH thông qua việc miễn thuế TTĐB phần linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước; giảm thuế với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước; ưu đãi thuế nhập khẩu với đối nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô.

Phát triển phụ tùng, cần tập trung chính sách tài chính nhằm phát triển cụm phụ tùng linh kiện hoặc khu công nghiệp ô tô theo chuỗi giá trị.

Nguyễn Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/phat-trien-cong-nghiep-o-to-tiep-tuc-hoan-thien-va-ho-tro-chinh-sach-thue-va-tai-chinh-113761.html