Phát triển cụm công nghiệp: Giảm vướng mắc, tăng sức hút

Với nhiều nỗ lực, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung phát triển các cụm công nghiệp, đến nay đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết, tháo gỡ.

Cụm công nghiệp số 3 cảng Đa Phúc hiện cơ bản được lấp đầy. Các doanh nghiệp trong Cụm đang tạo việc làm cho trên 1.000 lao động.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 21 CCN có chủ đầu tư hạ tầng, với tổng số vốn trên 5.701 tỷ đồng; trong đó có 11 CCN đã đi vào hoạt động, gồm: Sơn Cẩm 3, Cao Ngạn 1, Trúc Mai, Cây Bòng, Điềm Thụy, Kha Sơn, Nguyên Gon, Khuynh Thạch, Số 3 cảng Đa Phúc, An Khánh 1 và Phú Lạc 2. Các CCN này đã thu hút được 60 dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh, với tổng vốn đăng ký 8.502 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 11.000 lao động.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Quản lý CCN Số 3 cảng Đa Phúc, cho biết: Đến nay, CCN cơ bản đã được lấp đầy. Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ổn định trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Chế tạo cơ khí, sản xuất gỗ ván ép, vật liệu xây dựng…, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động.

Theo đánh giá của ngành Công Thương, việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh đã tạo quỹ đất sạch, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước thực hiện dự án sản xuất - kinh doanh; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư sản xuất theo hướng tập trung, tăng tỷ trọng ngành Công nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh các CCN đã đi vào hoạt động, Thái Nguyên hiện có 10/21 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng nhưng chưa thể hoạt động do còn vướng mắc. Tiến độ xây dựng nhiều CCN còn chậm, chưa đảm bảo mặt bằng sạch để mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp (như: CCN Bá Xuyên, CCN Sơn Cẩm 1, CCN Sơn Cẩm 3…). Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong công tác thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên (TP. Sông Công), cho hay: CCN Bá Xuyên được triển khai trên địa bàn xã từ năm 2018, diện tích quy hoạch 48,5ha, do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Tuân làm chủ đầu tư hạ tầng. Nguyên nhân CCN chậm tiến độ là do một số vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng, hết thời hạn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa. Ngoài ra, năng lực tài chính của chủ đầu tư hạn chế cũng ảnh hưởng tới tiến độ triển khai.

Ông Đỗ Trọng Lư, Chủ tịch UBND xã Bá Xuyên (TP. Sông Công): Gần đây, nhờ nỗ lực gỡ khó của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp, những vướng mắc tại CCN Bá Xuyên đang từng bước được tháo gỡ. Hạ tầng khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành, nhiều hộ dân trước đây còn băn khoăn thì nay đã đồng ý nhận tiền đền bù để bàn giao mặt bằng. Chủ đầu tư cũng cam kết tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Một vướng mắc khác là tiến độ các dự án liên quan ngoài hàng rào CCN không đồng bộ với tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng. Điển hình như: Dự án đường 47m đấu nối với CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 (TP. Phổ Yên); Dự án Khu đô thị số 1 Lương Sơn đấu nối với CCN Lương Sơn (TP. Sông Công)… Ngoài ra, một số chủ đầu tư hạ tầng CCN năng lực yếu, nguồn lực hạn chế, thiếu vốn. Đối với các CCN được quy hoạch tại miền núi, vùng cao, công tác thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng càng gặp nhiều khó khăn.

CCN Yên Lạc (Phú Lương) có quy mô diện tích 25,6ha, là dẫn chứng điển hình. Dự án có tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 225,3 tỷ đồng; tiến độ thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2023, nhưng đang bị chậm tiến độ. Nguyên nhân là do chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Công Hà chưa bố trí đủ kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng; việc đấu nối giao thông tạm thời từ CCN Yên Lạc vào tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới còn nhiều khó khăn…

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy may TNG Phú Bình (Cụm công nghiệp Kha Sơn).

Để phát triển các CCN theo hướng thực chất, hiệu quả bền vững, một trong những giải pháp tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện là nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và thu hút đầu tư. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tăng cường rà soát để tham mưu điều chỉnh và bổ sung quy hoạch các CCN phát triển theo chiều sâu...

Qua quá trình sàng lọc, nhiều CCN đã được đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chỉnh giảm diện tích. Cụ thể, ngày 29/3/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 893/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo quyết định này, 5 CCN được đưa ra khỏi quy hoạch có tổng diện tích 202ha; 3 cụm giảm diện tích với tổng số gần 80ha. Đồng thời, 5 CCN mới được bổ sung có tổng diện tích 356ha, thuộc huyện Phú Bình và TP. Phổ Yên. Ông Trần Anh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp và năng lượng (Sở Công Thương), thông tin: Các CCN được bổ sung đều có đủ tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi giao thông và có quỹ đất rộng.

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên được phê duyệt quy hoạch 41 CCN, với tổng diện tích 2.067ha. Nhìn vào Quy hoạch tỉnh có thể thấy sự dịch chuyển trong quy hoạch CCN từ vùng khó khăn đến các địa phương có điều kiện hạ tầng và tiềm năng thu hút đầu tư tốt hơn. Việc này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là "Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu, CCN phía Nam; phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay và định hướng phát triển trong những năm tới. Việc phát triển các CCN sẽ gắn với phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống đô thị, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn".

Hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thu hút các doanh nghiệp thứ cấp vào CCN. Đối với những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hoàn thiện hạ tầng các CCN đã có chủ đầu tư, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn và các địa phương tăng cường đối thoại để có giải pháp tháo gỡ; vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách, quy định của Nhà nước và địa phương để tập trung thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về đấu nối giao thông, cấp thoát nước và xử lý nước thải tập trung; xử lý các vi phạm trật tự xây dựng tại một số CCN, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương: Cùng với linh hoạt điều chỉnh quy hoạch, tỉnh Thái Nguyên quan tâm lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm để đầu tư hạ tầng kỹ thuật và sản xuất - kinh doanh tại các CCN. Việc đẩy mạnh phát triển CCN sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Tỉnh cũng hướng dẫn, giải quyết hồ sơ thành lập, điều chỉnh quyết định thành lập, gia hạn tiến độ dự án CCN nhanh, gọn, theo đúng quy định hiện hành và quy chế làm việc. “Quan điểm thực hiện là vận dụng, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN. Đồng thời kiên quyết xử lý, chấm dứt chủ trương đầu tư với các đơn vị có năng lực kém, không có khả năng xây dựng CCN” - lãnh đạo Sở Công Thương nhấn mạnh.

Đối với việc thu hút đầu tư vào CCN, các cấp, ngành trong tỉnh cũng luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hạ tầng trong việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, ưu tiên thu hút dự án đầu tư có ngành nghề sản xuất phù hợp với quy hoạch, vốn đầu tư lớn, công nghệ sản xuất hiện đại, sử dụng tiết kiệm đất và đảm bảo về môi trường.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/cong-nghiep/202312/phat-trien-cum-cong-nghiepgiam-vuong-mac-tang-suc-hut-4bc0726/