Phát triển đảng trong doanh nghiệp FDI (Kỳ 1)

Quản lý hơn 1,7 triệu lao động trực tiếp và tạo việc làm cho hàng triệu lao động gián tiếp, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta. Ðể vượt qua những thách thức của công tác phát triển đảng trong các DN FDI, cần phải đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Ðảng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đảng (TCÐ).

Bài 1: Vượt qua thách thức

Công tác vận động thành lập TCÐ và phát triển đảng viên trong DN FDI là vấn đề khó, không thể thiếu sự tham gia tích cực của những đảng viên kỳ cựu, những công nhân, cán bộ công đoàn, cán bộ hưu trí tâm huyết, dám dấn thân vào việc mới, việc khó.

Hết mình cho công tác xây dựng đảng

Khu công nghiệp (KCN) Nam Tân Uyên, huyện Tân Uyên (Bình Dương) rộng 600 ha đã được lấp đầy bởi 204 dự án đầu tư, hầu hết là của nước ngoài. Nhờ chủ động trong công tác phát triển đảng, đến nay, Ðảng bộ KCN đã có tám chi bộ với 73 đảng viên, trong đó có năm người làm việc trong các DN FDI của Nhật Bản và Hàn Quốc. Ðồng chí Nguyễn Quan Sĩ, Bí thư Ðảng ủy KCN chia sẻ kinh nghiệm ban đầu: "Khâu khó nhất là vận động để chủ DN đồng ý cho phép thành lập TCÐ. Muốn gặp chủ DN, chúng tôi phải dựa vào đội ngũ cán bộ công đoàn hoặc thông qua bộ phận chăm sóc khách hàng, trong vai người đi tiếp thị đầu tư. Trước là trao đổi về công tác quản trị, đầu tư, sau mới bàn về công tác đảng".

Ở các KCN, cán bộ đảng đều kiêm nhiệm, không có phụ cấp. Ðộng viên lớn nhất đối với họ là sự nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao của đảng viên công nhân. Ðồng chí Sĩ nhấn mạnh: Ðảng viên trong KCN rất hiếm và quý, ai cũng mong sớm đến ngày sinh hoạt chi bộ. Trong các DN FDI, công nhân phấn đấu vào Ðảng hoàn toàn vì cảm tình với Ðảng, vì tình yêu với quê hương, đất nước, vì mong muốn kế tục truyền thống cách mạng của cha ông.

Bên cạnh những người nhiệt tình như đồng chí Sĩ còn có những cộng tác viên phát triển đảng như bác Dương Vinh Thanh, 85 tuổi đời, 50 năm tuổi Ðảng, người có nhiều tâm huyết với công tác phát triển đảng trong đối tượng công nhân. Cùng với đồng chí Nguyễn Quan Sĩ, bác Thanh thường xuyên tham gia thẩm tra lý lịch kết nạp đảng cho các quần chúng ưu tú. Gần thì đi xe máy, xa thì đi xe đò, không ngại khó ngại khổ, đôi bạn vong niên ấy luôn hết mình cho công tác phát triển đảng.

Ở KCN này có rất nhiều quần chúng tâm huyết với Ðảng. Ðáng nhớ nhất là chị Nguyễn Thị Hiền sinh năm 1988, quê Quảng Bình, đã đi khắp vùng Nam Tân Uyên để tìm nơi giới thiệu vào Ðảng. Chị Hiền tốt nghiệp Ðại học Quảng Bình, đạt loại khá và đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức về Ðảng từ những ngày còn là sinh viên. Khi biết ở KCN Nam Tân Uyên có TCÐ, chị tìm đến bày tỏ nguyện vọng học lại lớp bồi dưỡng vì đã quá thời gian quy định. Do Công ty TNHH Hạt nhựa màu Shang Yu, nơi chị Hiền làm việc có giờ giấc nghiêm ngặt, chị phải xin nghỉ phép để hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức về Ðảng. Nghe tin con gái chuẩn bị được đứng trong hàng ngũ của Ðảng, bố mẹ chị ở miền trung rất vui mừng.

Ở Khu kinh tế Hải Phòng, nơi có đến 300 DN FDI và hơn 100 DN tư nhân trong nước, tất cả cán bộ trong Thường trực Ðảng ủy và Văn phòng Ðảng ủy đều phải làm nhiệm vụ vận động thành lập TCÐ, xác minh hồ sơ kết nạp đảng. Ðến nay đã có 28 chi bộ được thành lập trong khu kinh tế với 270 đảng viên, trong đó có 17 chi bộ trong DN FDI. Ðể làm được việc này, Ðảng ủy Khu kinh tế dựa vào đảng viên để phát triển đảng viên. Có trường hợp khi thành lập chi bộ, đảng viên chủ động lựa chọn và suy tôn người có uy tín làm bí thư.

Ðảng ủy Khu kinh tế đã xây dựng đội ngũ cộng tác viên phát triển đảng, thường là những đảng viên thông thạo quy định của DN FDI, có khả năng tiếp cận chủ DN và người lao động, ưu tiên những người biết tiếng nước ngoài. Kinh phí hỗ trợ cộng tác viên bằng hai lần lương tối thiểu, chỉ đủ chi phí đi lại, điện thoại, cho nên hiệu quả công việc phần lớn dựa vào sự nhiệt tình, trách nhiệm cá nhân.

Một trong những cộng tác viên làm việc hiệu quả là bác Bùi Huy Thắng, một cán bộ đảng kỳ cựu đã từng làm Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế. Bác Thắng nắm rất chắc đội ngũ phụ trách nhân sự trong các DN, tiến hành vận động theo cách "tiếp cận từ dưới lên". Bác thường xuyên bám nắm các khu nhà trọ công nhân, gắn bó với người phụ trách nhân sự trong các DN để khai thác thông tin. Khi phát hiện đảng viên hoặc quần chúng ưu tú, bác Thắng và đại diện Ðảng ủy đề nghị chủ DN nhận xét những đảng viên và quần chúng đó. Sau khi xem kỹ danh sách đảng viên, nhiều chủ DN thừa nhận đảng viên là những lao động tiêu biểu, chấp hành tốt quy định, tham gia ban chấp hành công đoàn. Khi biết hoạt động đảng không ảnh hưởng đến giờ giấc, kinh phí của DN, một số chủ DN mới nhất trí cho thành lập TCÐ. Giám đốc Công ty Kyocera Mita (Nhật Bản) đã nói với bác Thắng: "Ðảng viên tốt như thế thì không có vấn đề gì, các ông hãy phát triển thêm nhiều đảng viên nữa". Nhiều chủ DN được thuyết phục theo cách như thế, như Công ty Regina Miracle International (Trung Quốc), Công ty Lite On Việt Nam (Ðài Loan - Trung Quốc)…

Ðể tiếp cận chủ DN nước ngoài, một số đảng bộ khối DN, đảng bộ KCN đã cho dịch ra tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc các nguyên tắc, quy định cơ bản của Ðảng và Ðiều lệ Ðảng để chủ DN hiểu được mục đích, ý nghĩa hoạt động của Ðảng. Tuy nhiên, theo Bí thư Ðảng ủy Khu kinh tế Hải Phòng Nguyễn Công Thành, quá trình trao đổi trực tiếp với chủ DN gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, phiên dịch không thể giải thích hết các nội dung cho chủ DN.

Ðòi hỏi từ thực tiễn

Ðể công tác xây dựng đảng thích nghi với những đặc điểm của DN FDI, Bí thư Chi bộ KCN Ðình Trám (huyện Việt Yên, Bắc Giang) Lê Văn Huân tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong các hình thức sinh hoạt đảng, báo cáo, đảng vụ. Thông qua các mạng xã hội như facebook, zalo, viber, anh Huân trở thành cầu nối với toàn thể người lao động trong Công ty Sung Woo Vina, nơi anh giữ vị trí phụ trách nhân sự. Ngoài ra, anh và chi ủy chủ động kết nối với người lao động trong toàn KCN Ðình Trám, từ bờ bắc sông Cầu đến bờ nam sông Thương.

Chi bộ KCN Ðình Trám đã phát triển được 31 đảng viên từ sáu DN FDI. Ðể tạo thuận lợi cho đảng viên, các cuộc hội họp, sinh hoạt chi bộ đều diễn ra ngoài giờ làm việc. Tài liệu, nghị quyết, chỉ thị, quy chế và các văn bản khác được chuyển tới đảng viên qua email và mạng xã hội. Từ năm 2015 đến nay, các buổi lễ kết nạp đảng của KCN đều được công bố trên mạng xã hội và trang tin điện tử của DN để nhiều người biết. Anh Huân trăn trở: "Hiện, các KCN tỉnh Bắc Giang có hơn 80 nghìn lao động nhưng mới có 200 đảng viên, cho nên nhiều quần chúng, người lao động muốn được đứng trong hàng ngũ của Ðảng. Do đó cần phát triển nhiều đảng viên hơn để mỗi đảng viên trở thành những nhân tố tích cực của Ðảng trong các DN và KCN".

Sau 30 năm hội nhập kinh tế quốc tế, tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 23 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD, trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 160 tỷ USD. Các DN FDI đầu tư vào 19 trong tổng số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư. Có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đứng đầu là Hàn Quốc, tiếp theo là Nhật Bản, Xin-ga-po và Ðài Loan (Trung Quốc), Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hồng Công (Trung Quốc). Bốn địa phương tiếp nhận nhiều dự án FDI nhất là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội. Các DN FDI chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu và hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đi đầu về ứng dụng công nghệ mới, đào tạo nhân lực, sử dụng phương pháp quản trị hiện đại.

Khối DN FDI thu hút hơn 1,7 triệu lao động trực tiếp và tạo việc làm cho khoảng 2,5 triệu lao động gián tiếp. Tuy nhiên, theo Ban Tổ chức T.Ư, đến nay mới có 188 TCÐ được thành lập trong các DN FDI, gồm 37 đảng bộ và 151 chi bộ cơ sở, tập hợp được 5.784 đảng viên. Trong đó, các DN 100% vốn nước ngoài thành lập được 129 TCÐ với 3.859 đảng viên. Tính trung bình, hơn một nghìn dự án FDI mới thành lập được một TCÐ. Số đảng viên đang sinh hoạt rất nhỏ bé so với tổng số lao động. Hoạt động của các TCÐ trong DN FDI còn nhiều lúng túng, thiếu hiệu quả và nhiều lúc "lạc nhịp" với môi trường sản xuất công nghiệp.

Một số cấp ủy đảng chưa nắm được số đảng viên trong các DN FDI. Cán bộ đảng chưa tiếp cận được người lao động, gặp khó khăn trong việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú. Công tác lãnh đạo của các TCÐ đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân chưa theo kịp tình hình. Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp chưa thật sự hiệu quả, chậm đổi mới theo yêu cầu thực tiễn. Nhiều nơi các tổ chức chính trị - xã hội chưa làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của DN, người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, hầu hết các đảng bộ, chi bộ trong DN FDI gặp khó khăn về phương thức hoạt động, kinh phí, thời gian, địa điểm tổ chức hoạt động. Ðến nay chưa có hướng dẫn riêng đối với công tác đảng trong DN ngoài nhà nước, trong đó có DN FDI. Trong khi đó, công tác đảng trong DN FDI khác với đảng bộ, chi bộ xã, phường hay cơ quan nhà nước. Các DN FDI cũng khác nhau về quy mô, cách thức hoạt động, mô hình quản trị, kinh doanh. Ðể thực hiện có hiệu quả công tác phát triển đảng trong DN FDI, cần có chiến lược và cách tiếp cận mới.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: HÀ HỒNG HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35837902-phat-trien-dang-trong-doanh-nghiep-fdi-ky-1.html