Phát triển dịch vụ 4G còn nhiều thách thức

Tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 diễn ra mới đây, các chuyên gia về lĩnh vực viễn thông đánh giá năm 2017 là thời điểm Việt Nam triển khai mạnh mẽ mạng 4G. Tuy nhiên, để có thể cung cấp dịch vụ với chất lượng cao, các nhà mạng viễn thông phải đối mặt với những thách thức không nhỏ liên quan tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như: Nâng cấp hệ thống mạng lưới kỹ thuật, các đường truyền tốc độ cao, quản trị lưu lượng, cải tiến các phần mềm quản lý thuê bao...

Để hiểu thêm về những vấn đề liên quan, Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa ông, từ khi các doanh nghiệp viễn thông được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G, dịch vụ mạng này đã có sự phát triển như thế nào tại thị trường Việt Nam?

Ông Vũ Hoàng Liên: Từ đầu năm nay, "cuộc đua" 4G diễn ra rất mạnh mẽ giữa 3 nhà mạng lớn là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Trong năm 2017, VNPT dự kiến đưa khoảng 15.000 trạm thu phát sóng 4G đi vào hoạt động, phủ sóng các khu vực trọng điểm tại 63 tỉnh, thành phố. Tháng 4 vừa qua, Viettel đã khai trương dịch vụ 4G trên toàn quốc sử dụng công nghệ 4T4R (4 phát, 4 thu), đồng thời triển khai 36.000 trạm thu phát sóng, phủ sóng 95% dân số. Riêng nhà mạng MobiFone đã xây dựng 4.500 trạm phát sóng 4G và dự kiến con số này sẽ là 30.000 trạm phát sóng giai đoạn 2017-2018. Nhờ vậy đến nay, cả nước đã có 6,3 triệu thuê bao đổi sang sim 4G, trong đó có khoảng 3,5 triệu người đã sử dụng dịch vụ mạng 4G. Tôi cho rằng, đây là nền tảng để tạo ra sự phát triển bùng nổ của mạng 4G trong thời gian ngắn sắp tới.

Ông Vũ Hoàng Liên.

Theo đó, nhu cầu của người sử dụng sẽ không chỉ nằm ở những dịch vụ truyền thống là gọi, nhắn tin, mà chuyển sang những dịch vụ có tính tương tác cao hơn, như: Các dịch vụ nội dung số, các dịch vụ IoT (internet vạn vật), dịch vụ truyền hình, nghe nhìn trực tuyến, giao dịch điện tử, thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng phát triển thành phố thông minh… Sự chuyến đổi này giúp mở ra thị trường cung cấp các nội dung có chất lượng cao nhằm thỏa mãn kỳ vọng và nâng cao trải nghiệm người sử dụng. Ví như những dịch vụ tin nhắn thời tiết, thông tin về sức khỏe, kết nối giữa ô tô với ô tô…

PV: Như vậy, tiềm năng phát triển của thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông 4G ở Việt Nam là rất lớn. Theo ông, để khai thác được những tiềm năng này, còn những thách thức gì được đặt ra?

Ông Vũ Hoàng Liên: Để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân thì doanh nghiệp viễn thông cần có thêm thời gian triển khai công nghệ. Trước hết, các doanh nghiệp viễn thông đòi hỏi phải lắp đặt thêm nhiều trạm thu phát sóng; đồng thời phải có các giải pháp để nâng cao tính bảo mật và quản trị mạng... Do đó, các nhà mạng cần nâng cao khả năng vận hành của mạng lưới. Chú ý đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Quản lý an ninh mạng tốt về cơ bản sẽ giúp đem lại dịch vụ có chất lượng tốt hơn tới người dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các nhà cung cấp dịch vụ. Hơn nữa, những dịch vụ được cung cấp thuộc các lĩnh vực khác nhau, do đó sẽ có sự liên quan đến quản lý liên thông giữa các lĩnh vực với nhau. Ví dụ, chất lượng dịch vụ y tế cung cấp trên hạ tầng mạng viễn thông không chỉ do doanh nghiệp viễn thông quyết định mà còn phụ thuộc vào các cơ sở y tế. Các thành phần của chuỗi phải tốt thì chất lượng dịch vụ cung cấp mới tốt.

Khách hàng đổi sim 4G tại siêu thị Viettel số 26 Hàng Dầu (Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

PV: Về phía Nhà nước, cần có chính sách như thế nào để thúc đẩy thị trường cung cấp dịch vụ viễn thông 4G phát triển, thưa ông ?

Ông Vũ Hoàng Liên: Ngoài sự vào cuộc của các nhà mạng, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần quan tâm đến quản lý dịch vụ mạng 4G, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng trong bối cảnh mọi thứ đều được hiện đại hóa. Về chính sách, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G. Tới đây, cần có quy hoạch về băng thông đủ rộng để đón trước xu hướng phát triển và nhu cầu về dịch vụ. Nếu cấp quá rộng có thể thừa. Ngược lại, nếu không có quy hoạch và kế hoạch hợp lý đón trước nhu cầu thì băng thông có thể không đủ. Lúc đó, dù chất lượng công nghệ tốt nhưng việc đáp ứng nhu cầu vẫn bị hạn chế. Mặt khác, cũng cần phải hài hòa lợi ích giữa các nhà cung cấp giải pháp dịch vụ với các nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng 4G để khuyến khích đem đến nhiều loại hình dịch vụ, sản xuất ra nhiều sản phẩm nội dung số.

PV: Trân trọng cảm ơn ông !

TRÀ MY - NGUYÊN VŨ (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-dich-vu-4g-con-nhieu-thach-thuc-514884