Phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển

Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích rừng và đất rừng ngập mặn ven biển toàn tỉnh Sóc Trăng trên 9.648ha, trong đó các địa phương ven biển có rừng gồm: Cù Lao Dung, Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Với diện tích rừng nêu trên, để thuận lợi về công tác quản lý, tỉnh đã phân cấp quản lý cho UBND cấp xã là 9.221,8ha; doanh nghiệp ngoài quốc doanh 174,6ha; đơn vị vũ trang 224,7ha và hộ gia đình, cá nhân 27,1ha. Đồng thời, nhằm phát triển, bảo tồn diện tích rừng, các ban, ngành chuyên môn, các dự án đã tiến hành các hoạt động trồng cây gây rừng, nhất là trồng mới diện tích rừng ven biển, tạo các mảng rừng xanh lấn biển, góp phần hạn chế tác động biến đổi khí hậu, cân bằng hệ sinh thái...

Rừng ngập mặn vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng phân bố 72km bờ biển, rừng giữ vai trò phòng hộ chắn sóng bảo vệ đê biển, ngăn mặn xâm nhập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Với 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn, lợ gần cửa sông nên loài cây chủ yếu là bần chua phân bố ở huyện Trần Đề, Cù Lao Dung; rừng ngập mặn xa cửa sông phân bố ở TX. Vĩnh Châu, các loài cây chủ yếu là đước, đưng, các loài mắm... với diện tích có rừng 6.727ha.

Những mảng rừng xanh được trồng qua các năm góp phần chống biến đổi khí hậu. Ảnh: THÚY LIỄU

Rừng phòng hộ ven biển giữ vai trò phòng hộ là chính do mới khôi phục và phát triển các loài cây trồng thích hợp với điều kiện ngập mặn nên chủ yếu tạo môi trường sinh thái và chưa thực hiện việc khai thác rừng. Đồng thời, các địa phương đã tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án để phối hợp thử nghiệm các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng nhằm tạo thêm thu nhập cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra còn có một phần diện tích cho tổ chức thuê, quân đội, công an quản lý sản xuất thủy sản kết hợp quản lý, bảo vệ rừng. Theo Chi cục Kiểm lâm, công tác phát triển rừng phòng hộ ven biển do Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp thực hiện. Từ năm 2015, bên cạnh dự án thuộc Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng ven biển giai đoạn 2011 - 2020 còn có các dự án trồng rừng thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu SPRCC. Các dự án đã góp phần tăng diện tích rừng phòng hộ ven biển, tạo vành đai che chắn bảo vệ đê, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế xói lở bờ biển. Tổng diện tích rừng trồng ven biển (năm 2015 - 2019) của các dự án là 1.689ha, phục hồi rừng 850ha, chăm sóc rừng 3.880ha các loài cây trồng chủ yếu là loài cây ngập mặn, như: bần chua, mắm trắng, đước, đưng, su Mekong, vẹt trụ. Thông qua công tác trồng rừng của các dự án làm tăng thêm diện tích rừng phòng hộ ven biển (tăng 2.316,8ha so với năm 2014), trong đó TX. Vĩnh Châu có diện tích rừng ven biển tăng cao nhất (tăng 1.837,8 ha).

Một trong những hoạt động trồng cây gây rừng mà rất nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia hàng năm là việc trồng cây ven các bãi bồi ven biển trên địa bàn TX. Vĩnh Châu vào trung tuần tháng 8 vừa qua. Thực hiện bởi các bạn đoàn viên ngành nông nghiệp phối hợp các cơ sở đoàn, ban ngành đã tiến hành trồng 2ha rừng tại Phường 2. Áo ướt đẫm hồ hôi trồng từng cây bần xuống đất bãi bồi ven biển, anh Nguyễn Thanh Tú bộc bạch: “Tôi rất thích hoạt động trồng cây gây rừng do Đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phát động. Đây là việc làm bổ ích, mang tính cộng đồng vì rừng góp phần giảm ô nhiễm môi trường, điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái, chống lũ lụt, xói mòn, hạn hán… đó là một trong những lợi ích thiết thực của rừng bảo vệ con người”.

Các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia trồng cây gây rừng tại bãi bồi ven biển tại Phường 2 (TX. Vĩnh Châu). Ảnh: THÚY LIỄU

Theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của tỉnh ta định hướng đến năm 2030 có tổng diện tích quy hoạch cho rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển là 20.000ha, trong đó bao gồm diện tích rừng và đất rừng hiện có và quy hoạch đất bãi bồi ven biển đưa vào trồng rừng phòng hộ tại các huyện Cù Lao Dung 4.841,8ha, Trần Đề 2.562,8ha và TX. Vĩnh Châu 12.595,4ha. Giám đốc Sở NN-PTNT Lương Minh Quyết cho biết: “Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển giai đoạn 2021 - 2025 là diện tích rừng ngập mặn trồng mới 800ha, diện tích trồng bổ sung phục hồi rừng ngập mặn 300ha, diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng ngập mặn 300ha, diện tích chăm sóc rừng ngập mặn 1.100ha, công trình tường mềm giảm sóng, gây bồi 48.800m, khoán bảo vệ rừng 7.000ha, nguồn vốn Trung ương từ chương trình bảo vệ và phát triển rừng ven biển".

Cũng theo đồng chí Lương Minh Quyết, bên cạnh công tác phát triển rừng thì ngành nông nghiệp còn triển khai các kế hoạch bảo vệ, ngăn chặn phá rừng, quản lý chặt chẽ đất rừng bằng các giải pháp là thành lập Ban Quản lý rừng phòng hộ ven biển, đồng thời với việc thực hiện giao đất, giao rừng để rừng thực sự có chủ phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế của địa phương; thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho các tổ quản lý, bảo vệ rừng, nhóm đồng quản lý rừng và người dân sống gần rừng, gắn bó với rừng; lập và triển khai thực hiện phương án quản lý rừng bền vững rừng phòng hộ ven biển; tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với các địa phương có rừng; các tổ quản lý, bảo vệ rừng; nhóm đồng quản lý; các phòng chức năng thuộc Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp và làm cam kết không chặt phá, sử dụng cây rừng, không lấn chiếm đất rừng với các đối tượng vi phạm quản lý, bảo vệ rừng. Song song đó, thử nghiệm các mô hình nông lâm kết hợp dưới tán rừng; nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng để tạo điều kiện sinh kế cải thiện đời sống cho người dân; thực hiện đề án cắm mốc ranh giới rừng để xác định rõ ranh giới giữa đất lâm nghiệp của khu rừng phòng hộ với đất sản xuất nông nghiệp trên bản đồ và thực địa, nhằm phục vụ việc quản lý, bảo vệ và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng và đất rừng…

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/kinh-te/phat-trien-dien-tich-rung-phong-ho-ven-bien-40934.html