Phát triển đô thị Lào Cai có tầm nhìn dài hạn

Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030 xác định mục tiêu phát triển hệ thống đô thị tỉnh Lào Cai theo mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu; có kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị của cả nước.

Hình thành chuỗi đô thị trung tâm, vệ tinh

Mô hình phát triển hệ thống đô thị Lào Cai giai đoạn tới được định hướng phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, gồm đô thị trung tâm hành chính - chính trị và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông bán vành đai kết hợp các trục dọc, trục ngang có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng trung du miền núi phía Bắc, cả nước và quốc tế.

Đây là mô hình phù hợp với xu hướng chung của các nước đang phát triển, phù hợp với thực tế phát triển của đô thị Lào Cai và trong thời kỳ quy hoạch.

Đặc trưng của các đô thị Lào Cai là mật độ cây xanh trong nội đô thị khá cao, chính vì thế cần phát huy thế mạnh tạo nên một đô thị sinh thái đặc thù, đưa cây xanh vào đô thị một cách hài hòa tạo nên không gian sống cũng như cảnh quan lý tưởng.

Phát triển không gian dựa trên kết nối các yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống (hệ thống sông hồ, đa dạng sinh học, làng mạc hiện hữu, giữ gìn các bản sắc văn hóa và làng nghề …). Phát triển mô hình “Hành lang xanh” và “Vành đai nông nghiệp” trong cấu trúc không gian các đô thị của Lào Cai.

Về phân bố đô thị và chức năng đô thị, Quy hoạch tỉnh chia thành 4 nhóm đô thị. Trong đó, nhóm các đô thị cửa khẩu gồm thành phố Lào Cai, thị trấn Bát Xát, thị trấn Mường Khương, khu vực đô thị hóa Bản Vược, Trịnh Tường.

Thành phố Lào Cai là đô thị cửa ngõ, có vai trò là đô thị trung tâm, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Khu vực Lào Cai - Bát Xát - Bản Vược - Trịnh Tường trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, logistics, du lịch, xuất - nhập khẩu; công nghiệp chế biến, chế tạo; trung tâm khoa học - đào tạo của tỉnh.

Nhóm đô thị phía Tây gồm Sa Pa, Y Tý, hạt nhân của nhóm là khu vực đô thị Sa Pa, đảm nhiệm chức năng là một trung tâm du lịch của quốc gia. Phấn đấu đến năm 2030, thị xã Sa Pa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí là đô thị loại III. Đô thị Y Tý với chức năng trở thành một khu du lịch mới, là một trung tâm sản xuất và chế biến nông sản của vùng trung du miền núi phía Bắc.

Chuỗi đô thị dọc sông Hồng của tỉnh, gồm đô thị Trịnh Tường, Bát Xát, thành phố Lào Cai; thị trấn Phố Lu, Thái Niên, Gia Phú, Sơn Hà, Sơn Hải, Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng; Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn, huyện Bảo Yên; Tân An - Tân Thượng, huyện Văn Bàn.

Đây là chuỗi đô thị trung tâm của tỉnh, nơi bố trí phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ logistics. Tạo chuỗi đô thị kết nối, phụ trợ, hậu cần hướng tới phát triển đô thị sân bay. Đô thị Tằng Loỏng phát triển gắn kết với đô thị công nghiệp mới Võ Lao và Cảng hàng không Sa Pa trở thành động lực của khu vực trung tâm tỉnh. Chuỗi đô thị dọc sông Hồng được định hình là khu vực động lực quan trọng nhất thúc đẩy kinh tế Lào Cai phát triển trong thời kỳ quy hoạch.

Nhóm các đô thị Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương có chức năng là đô thị trung tâm huyện, khu vực bố trí các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp, đồng thời có chức năng là khu vực du lịch, trung tâm văn hóa của huyện, là hạt nhân thúc đẩy đô thị hóa của vùng huyện.

Đưa quy hoạch vào thực tiễn

Trong suốt giai đoạn từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lào Cai đã có những đề án định hướng phát triển về đô thị, giao thông và hiện nay là Đề án 04-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về “Phát triển, nâng cao chất lượng các đô thị và giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025”.

Theo Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng, đến nay các đô thị, khu chức năng và các khu vực nông thôn đã phủ kín quy hoạch chung. Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực phát triển đô thị, các khu chức năng trên địa bàn tỉnh đang từng bước hoàn thiện.

Trong đó, toàn bộ dọc hai bên sông Hồng qua địa phận tỉnh đã được phủ kín quy hoạch chung làm cơ sở để phát triển trục kinh tế động lực dọc sông Hồng với chuỗi đô thị liên kết, gồm: Bát Xát mở rộng, thành phố Lào Cai, Tằng Loỏng, Bảo Thắng... Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa; quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị du lịch Y Tý cũng đã được phê duyệt.

Trong thời gian tới sẽ tiếp tục phê duyệt quy hoạch chung đô thị Bảo Nhai, đô thị Võ Lao, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Lào Cai và các đô thị hiện hữu trên địa bàn.

Đòn bẩy từ quy hoạch đô thị trở thành chất xúc tác khiến thị trường bất động sản tại các quỹ đất được mở ra trở nên sôi động. Đây không chỉ là lực hút các nhà đầu tư có uy tín mà còn tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách tỉnh để đầu tư cho phát triển.

Nhiều khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư được khởi công xây dựng, bộ mặt đô thị, khu chức năng dần được khởi sắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh đã thu hút được những tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư như: Tập đoàn Bitexco đầu tư khu đô thị The Manor (tiểu khu đô thị số 2 phường Bắc Cường), Tập đoàn T&T đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại và công trình hỗn hợp - dịch vụ Khu Đô thị mới Lào Cai Cam Đường với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng, trong đó có tòa tháp cao 45 tầng (tòa tháp cao nhất khu vực Tây Bắc)...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Lào Cai cũng góp phần không nhỏ trong việc đầu tư xây dựng các dự án, hình thành và hoàn thiện các khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 30%.

Theo các chuyên gia quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị khi được hoàn thiện và triển khai giai đoạn tới sẽ là một trong các chìa khóa để mở cửa, khai thông và phối hợp hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế của tỉnh cả hiện tại và tương lai. Khi đó, sẽ tạo một động lực cho Lào Cai phát triển thêm về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo đà khai thác tiềm năng lợi thế vốn có.

Định hướng đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, 100% huyện, thị xã, thành phố Lào Cai có quy hoạch có quy hoạch vùng huyện, vùng liên huyện được duyệt. Toàn tỉnh có 13 đô thị các loại, trong đó có 1 thành phố là đô thị loại I (thành phố Lào Cai), 3 đô thị loại IV (thị xã Sa Pa, đô thị Bảo Thắng, đô thị Bắc Hà), 9 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt 36%.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phat-trien-do-thi-lao-cai-co-tam-nhin-dai-han-post367731.html