Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Cần đòn bẩy chính sách

Hiện cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp (DN) đáp ứng được các tiêu chí hình thành DN khoa học và công nghệ (KH&CN). Tuy nhiên, thực tế mới chỉ có vài trăm DN được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN.

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khoa học - công nghệ

Khó đạt mục tiêu

DN KH&CN là DN sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do DN được quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp. Vì vậy, DN KH&CN phát triển sẽ đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao. Từ đó, góp phần phát triển nền KH&CN Việt Nam, đồng thời tạo ra việc làm mới, thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ KH&CN cho thấy, cả nước hiện có khoảng 2.100 DN đạt điều kiện DN KH&CN nhưng mới có khoảng 250 DN được cấp giấy chứng nhận, tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng. Con số này là quá ít so với tổng số hơn 600 nghìn DN của cả nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Đắc Hiến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN) - khẳng định, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 hình thành 5.000 DN KH&CN. Song, từ thực tiễn triển khai cho thấy, để có được con số này là thực sự khó khăn. Từ nay đến năm 2020, các chương trình và các cơ chế, chính sách hiện hành sẽ hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất để hình thành và phát triển khoảng 3.000 DN KH&CN.

Gỡ vướng về chính sách

Bà Nguyễn Thị Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP giống vật tư - nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - cho biết, nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho hoạt động KH&CN nói chung, các DN KH&CN nói riêng, tuy nhiên việc tiếp cận của DN còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách về tín dụng, thuế đất, thời gian thuê đất. Vì vậy, theo bà Tâm, các bộ, ngành cần nghiên cứu cải tiến một số thủ tục hành chính trong việc xét duyệt, thẩm định cũng như nghiệm thu các đề tài, dự án, tránh quá nhiều khâu trung gian. Đồng thời, nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm của DN KH&CN thông qua triển lãm, hội chợ; xây dựng kênh thông tin kết nối với các DN, nhà đầu tư, môi giới công nghệ.

Theo Cục Phát triển thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN), phần lớn DN KH&CN có cơ sở hạ tầng manh mún, nhỏ lẻ do thiếu nguồn vốn. Vấn đề thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của nhiều DN cũng gặp khó khăn. Nhiều sản phẩm KH&CN mới, tạo ra trong nước được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đánh giá cao, nhưng lại không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại do sự e ngại của người tiêu dùng, công tác truyền thông hạn chế do thiếu kinh phí; đồng thời không được ưu tiên trong việc xét thầu, lựa chọn từ các dự án đầu tư hoặc dự án mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước dù đáp ứng chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm của các hãng nước ngoài… n

Thời gian tới, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&CN là phát triển các DN KH&CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN KH&CN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/phat-trien-doanh-nghiep-khoa-hoc-va-cong-nghe-can-don-bay-chinh-sach.html