Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là trụ cột quan trọng đối với sự phát triển của TP. Hà Nội. Doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển về số lượng, cơ cấu chuyển dịch hợp lý, hoạt động hiệu quả sẽ quyết định quy mô, sức cạnh tranh của Thành phố. Bài viết này nghiên cứu thực trạng phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2023, qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần vào sự tăng trưởng chung của Thủ đô.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) chỉ rõ: “Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp (DN) với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%”. DN nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng là động lực tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi địa phương.

TP. Hà Nội là thủ đô của cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách của cả nước, trong đó DNNVV chiếm khoảng 97,2% tổng số DN đăng ký thành lập. DNNVV góp phần tạo ra trên 50% việc làm trong các DN và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của Thành phố. Các DNNVV đã và đang trở thành trụ cột đối với tăng trưởng và phát triển của TP. Hà Nội. DNNVV phát triển về số lượng, cơ cấu chuyển dịch hợp lý, hoạt động hiệu quả sẽ quyết định quy mô, sức cạnh tranh của Thành phố. Bài viết nghiên cứu thực trạng phát triển các DNNVV trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2023, qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển DNNVV, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Thủ đô.

Thực trạng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội

Về số lượng các doanh nghiệp

Tính đến ngày 31/12/2022, DNNVV trên địa bàn TP. Hà Nội có khoảng 351.000 DN (DNNVV chiếm 97,2% tổng số DN đang hoạt động), trong đó DN thành lập mới trong năm là 29,6 nghìn (tăng 23% so với cùng kỳ năm trước), số DN quay trở lại hoạt động là 9,8 nghìn DN (tăng 1,5% so với năm 2021 do tình hình dịch bệnh ổn định và các chính sách hỗ trợ DN nói chung và DNNVV nói riêng đã phát huy tác dụng, thị trường trong và ngoài nước có nhiều khởi sắc).

Tuy nhiên, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 38% so với năm 2021, khoảng 16,4 nghìn DN, có 3,6 nghìn DN giải thể, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng cho thấy, mặc dù số DN thành lập mới tăng lên (23% so với 2021), song số lượng các DN giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng với tốc độ nhanh hơn (tăng 38%), báo hiệu một một nền kinh tế chưa thực sự ổn định sau tác động của đại dịch COVID-19, số lượng DN cần hỗ trợ tăng, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN, việc làm và thu nhập của người lao động.

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2023, TP. Hà Nội có hơn 13.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 125,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8% về số DN nhưng giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1,5 nghìn DN giải thể, giảm 5%; 12,6 nghìn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%; 4,6 nghìn DN hoạt động trở lại, giảm 22%.

So với cả nước thì TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số DN đang hoạt động cao nhất: TP. Hồ Chí Minh có 268.465 DN, chiếm 31,3% số DN đang hoạt động của cả nước, tăng 5,4% so với năm 2020; Hà Nội có 178.493, chiếm 20,8%, tăng 7,6%; Bình Dương có 37.668 DN, chiếm 4,4%, tăng 8,1%...

Về cơ cấu hoạt động của các doanh nghiệp

Theo quy mô, trong số các DNNVV đang hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội, DNNVV thuộc khu vực ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 97,2%). Vốn sản xuất kinh doanh bình quân của các DN ngoài quốc doanh tăng 10,2%.

Năm 2020, có 113.509 DN sử dụng dưới 10 lao động, chiếm 78,4% tổng số DN toàn Thành phố, tăng 7,5% so với năm 2019; có 102.384 DN quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 70,8% tổng số DN, tăng 2,2% so với năm 2019. DN có quy mô dưới 10 lao động, quy mô nguồn vốn dưới 10 tỷ đồng tập trung chủ yếu ở khu vực ngoài Nhà nước (chiếm 97,9% số DN sử dụng dưới 10 lao động và 97,7% số DN có nguồn vốn dưới 10 tỷ đồng). Quy mô vốn sản xuất kinh doanh, quy mô lao động của các DNNVV không có nhiều thay đổi trong các năm 2021-2022, phần lớn vẫn là các DN nhỏ.

Theo địa bàn hoạt động, trên địa bàn TP. Hà Nội, DNNVV chủ yếu tập trung ở khu vực Hà Đông; Nam Từ Liêm; Bắc Từ Liêm... còn lại phân bổ ở các quận/huyện khác.

Theo lĩnh vực hoạt động, năm 2021: DNNVV chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (90%), số DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng chiếm 8,3%, còn lại là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất và chủ yếu là DN siêu nhỏ (1,7%).

Về hiệu quả hoạt động

Số việc làm mới được tạo ra

DNNVV chiếm trên 97,2% số DN trên địa bàn các DN này, đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 45% GDP cho Hà Nội, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.

Hiệu suất sử dụng lao động tính theo quy mô DN cả nước cho thấy, năm 2020, DN quy mô vừa có hiệu suất sử dụng lao động cao nhất với 17,3 lần, tiếp đến là DN có quy mô lớn 16,9 lần; DN quy mô nhỏ 16,4 lần; thấp nhất là DN siêu nhỏ 9,5 lần. Một số địa phương tập trung nhiều DN của cả nước có hiệu suất sử dụng lao động năm 2020 cụ thể là: TP. Hồ Chí Minh 16,8 lần; TP. Hà Nội 18,2 lần; Bình Dương 11,4 lần; Đồng Nai 12,3 lần; Hải Phòng 18,8 lần; Bắc Ninh 25,6 lần; Đà Nẵng 11,3 lần; Bà Rịa - Vũng Tàu 17,0 lần.

Đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước

Các DNNVV hoạt động khá hiệu quả, đóng góp cao vào nguồn thu NSNN của Thành phố. Khu vực DNVVV ngoài nhà nước thu vượt kế hoạch đề ra. Theo số liệu thống kê, tổng thu NSNN trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2022 ước thực hiện 333 nghìn tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 2,7% so với năm 2021. Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong năm 2022 trên địa bàn gồm: Thu từ khu vực DN nhà nước là 51,5 nghìn tỷ đồng, đạt 88,9% dự toán và giảm 6,9% so với năm 2021; khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài 20,2 nghìn tỷ đồng, đạt 88,4% và giảm 17,4%; khu vực DN ngoài nhà nước 65,4 nghìn tỷ đồng, đạt 119,5% và tăng 3….

Hiệu quả hoạt động của các DN

Lợi nhuận trước thuế bình quân của khu vực DN giai đoạn 2016-2020 của TP. Hà Nội là 141,2 nghìn tỷ đồng. Doanh thu thuần của DN theo quy mô, loại hình hoạt động của TP. Hà Nội cho thấy, DN siêu nhỏ và nhỏ hoạt động chưa hiệu quả thể hiện ở doanh thu giảm so với năm trước DN vừa và DN lớn hoạt động hiệu quả hơn, trong đó DN lớn hoạt động hiệu quả nhất khi doanh thu đạt cao nhất trong các loại hình.

Phân theo khu vực, DN ngoài nhà nước (chủ yếu là các DNNVV chiếm đến 99,1%) hoạt động hiệu quả nhất khi doanh thu thuần đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với giai đoạn trước, tiếp đến là DN FDI, và hoat động kém hiệu quả nhất là DN thuộc khu vực Nhà nước (Bảng 1).

Bảng 1: Doanh thu thuần của doanh nghiệp theo quy mô, loại hình hoạt động của TP. Hà Nội (Tỷ đồng). Nguồn: Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022

Thách thức đặt ra trong phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP. Hà Nội

Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền TP. Hà Nội đã tạo điều kiện để các DN nói chung và DNNVV nói riêng tiếp cận các nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh sau tác động của đại dịch COVID-19. Hơn nữa, thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước cũng có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, song các DNNVV vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.

Số lượng DNNVV của TP. Hà Nội hiện chiếm 97,2% tổng số DN trên địa bàn, trong đó 85-90% là DN nhỏ và siêu nhỏ. DNNVV đông về số lượng nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Cùng với đó, DNNVV vẫn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm. Cụ thể:

Thứ nhất, khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực tài chính để phục hồi và mở rộng sản xuất.

Mặc dù, TP. Hà Nội đã có nhiều biện pháp để tháo gỡ vướng mắc nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các DNNVV, (tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay hỗ trợ DNNVV đạt 507.746 tỷ đồng) song, mức độ tiếp cận tín dụng vẫn còn thấp so với nhu cầu. Hầu hết, các DNNVV trên địa bàn Thành phố đều có quy mô nhỏ đến siêu nhỏ, DN có quy mô vừa khoảng 100 lao động chiếm tỷ trọng thấp.

Hơn nữa, các DN thiếu các điều kiện cần thiết (như tài sản thế chấp, không được nợ quá hạn) để đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn của ngân hàng thương mại (NHTM). Hiện nay, chỉ có khoảng 35% các DNNVV tiếp cận được nguồn vốn vay của các NHTM, còn lại đều sử dụng vốn tự có, hoặc vay từ bên ngoài, thậm chí là tín dụng đen lãi suất lên đến 18-20%/năm.

Thành phố đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ tín dụng, song chỉ một số nhỏ DN tiếp cận được nguồn vốn vay ngắn hạn, còn hầu như không tiếp cận được nguồn vốn vay trung và dài hạn. Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội (HAMI) cho biết, hiện các DN đang gặp khó khăn về nhiều chính sách như: Thuê đất, thuế, ưu đãi thuế… đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Theo HAMI, các thủ tục cho vay hiện vẫn khó khăn và nhiều DN còn “loay hoay” khi tiếp cận nguồn vốn này.

Thứ hai, khó khăn về mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Đây là vấn đề chung mà tất cả các DNNVV trong cả nước gặp phải, đặc biệt đối với các DN hoạt động ở các khu đô thị, các thành phố lớn đông dân như TP. Hà Nội. Nhiều DN nhỏ phải sử dụng nhà ở của mình làm địa điểm kinh doanh, hoặc đi thuê địa điểm. Điều này sẽ làm cho DN khó mở rộng được quy mô.

Các chính sách về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các DNNVV của Hà Nội vẫn chưa được giải quyết triệt để và đang đòi hỏi nỗ lực rất lớn của chính quyền Thành phố để tạo điều kiện cho phát triển thành trung tâm kinh doanh năng động. Số lượng lớn DNNVV mới ra đời làm gia tăng nhu cầu đối với đất cho mục đích công nghiệp và thương mại để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, các điểm bán lẻ… Tuy nhiên, việc tiếp cận đất với giá cả minh bạch, thủ tục đơn giản là tương đối khó khăn đối với khối DNNVV Hà Nội hiện nay.

Thứ ba, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý, điều hành DN và năng lực công nghệ, kỹ thuật còn yếu.

Số liệu khảo sát DN hàng năm của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đều cho thấy, TP. Hà Nội có nguồn nhân lực đứng trong top đầu, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của các DNNVV nói chung vẫn ở trình độ thấp. Nguyên nhân dẫn đến chất lượng lao động trong DNNVV thấp chủ yếu là do quy mô nhỏ nên nguồn vốn đầu tư để đào tạo chuyên môn cho người lao động còn thấp. Hầu hết các DNNVV không đủ kinh phí để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động. Hơn nữa, các chính sách đãi ngộ của DNNVV, cùng với tính ổn định chưa cao tạo thành lực cản cho các DN huy động nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, công nghệ của các DNNVV phần lớn là lạc hậu, chưa thực sự bắt kịp với yêu cầu của thị trường.

Thứ tư, mức độ liên kết, hợp tác sản xuất của các DNNVV Hà Nội còn hạn chế.

Liên kết giữa các DN, đặc biệt là giữa các DNNVV và các DN lớn cũng như giữa các DNNVV với nhau ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có thể nói về cơ bản đang ở những giai đoạn sơ khai của mối liên kết đúng nghĩa của nó. Dù đã được Chính phủ và các bộ ngành có liên quan cũng như nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ để phát triển các mối liên kết này song mức độ cải thiện về liên kết kinh doanh giữa các DN, đặc biệt là hiệu quả của mối liên kết còn rất hạn chế. Việc nhiều DNNVV không có các nhà cung cấp là các DN lớn có nghĩa rằng mối quan hệ liên kết hợp tác chủ yếu là qua các hợp tác giản đơn mà dường như chưa phải là trong các chuỗi giá trị hoặc mạng sản xuất chặt chẽ.

Một số gợi ý chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội

Trong bối cảnh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, xung đột chính trị giữa Nga - Ukraina ảnh hưởng lớn đến thị trường dầu mỏ thế giới; kinh tế các nước trên thế giới đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát tăng nhanh và có nguy cơ cản trở đà phục hồi tăng trưởng ở hầu hết các nước, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển. Lạm phát tăng cao kỷ lục trong ở Hoa Kỳ, Pháp, Ý; Đức và tăng cao kỷ lục trong 7 năm ở Nhật Bản… Sự leo thang của giá cả gây sức ép lớn buộc các hầu hết các nền kinh tế lớn phải tăng lãi suất, từ đó đặt nền kinh tế toàn cầu trước rủi ro suy thoái.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu khó lường với những diễn biến thời tiết cực đoan dẫn đến khủng hoảng an ninh năng lượng, cản trở việc thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 đến năm 2050. Hầu hết dự báo của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo mức tăng trưởng toàn cầu tăng nhẹ, song vẫn ở mức thấp.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là quốc gia được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về nỗ lực kiểm soát lạm phát. Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân năm 2022 là 8,02%. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hà Nội đạt 8,89%. Trong 6 tháng năm 2023 tăng trưởng gấp 1,3 lần mức tăng chung của cả nước. Kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dần phục hồi, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng bình quân 2021-2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước.

Cùng với sự phát triển đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5742/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ DNNVV trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” với chỉ tiêu: phấn đấu đạt tốc độ phát triển DN mới bình quân khoảng 10%/năm (khoảng 30.000 DN/năm); giai đoạn 2021-2025 có thêm 150.000 DN thành lập mới trên địa bàn, tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới. DNNVV đóng hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, hơn 40% tổng sản phẩm trên địa bàn và hơn 30% ngân sách của thành phố...

Để thực hiện được các chỉ tiêu như trên, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV, cụ thể:

Một là, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá tình hình hoạt động và điều tra những vướng mắc của các DNNVV để kịp thời tháo gỡ khó khăn, thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho DN thông qua các chính sách tín dụng với lãi suất ưu đãi, chính sách thuế, đất đai, khuyến khích và hỗ trợ các DN khởi nghiệp, ứng dụng cộng nghệ cao, chuyển đổi số…

Hai là, từng bước chuyển hướng các chính sách hỗ trợ DN từ chiều rộng, dàn trải sang chiều sâu, tạo điều kiện cho DN cơ cấu lại năng lực sản xuất, nhằm phát triển ổn định, lâu dài. Tập trung thực thi có hiệu quả nhóm giải pháp hỗ trợ DNNVV phát triển bền vững, phát triển chuỗi giá trị và liên kết vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, định hướng xuất khẩu.

Ba là, hoàn thiện các thị trường đất đai, thị trường lao động, thị trường vốn và công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. thúc đẩy công tác hỗ trợ, kết nối DN với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, giúp DN tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi.

Bốn là, tổ chức tập huấn cho các DNNVV để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các DN về Luật hỗ trợ DNNVV, các chính sách về thuế, lao động tiền lương, các khóa đào tạo chuyên đề, đẩy mạnh quản trị DN - thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển thương mại điện tử trong DN.

Tài liệu tham khảo:

Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr.240; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của TP. Hà Nội;Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, NXB Thống kê;Niên giám thống kê TP. Hà Nội năm 2021;Thùy An (2023), Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 45% GDP cho Hà Nội, https://vtv.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nho-va-vua-dong-gop-hon-45-gdp-cho-ha-noi-20230515095403609.htm;Thùy Dương (2022), Vốn cho doanh nghiệp phục hồi - Bài cuối: Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM234217;Duyên Nguyễn (2022), Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội: Khó tiếp cận vốn vay, https://congthuong.vn/doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-ha-noi-kho-tiep-can-von-vay-217464.html.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 8/2023

ThS. Đinh Vũ Minh - Vụ Các tổ chức Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính)

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-tren-dia-ban-tp-ha-noi-1074145.html